Thứ 6, 29/11/2024, 01:35[GMT+7]

Làm mới cánh đồng cũ Làm mới cánh đồng cũ

Thứ 2, 30/03/2020 | 09:21:47
1,546 lượt xem
Với mong muốn phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương mình, anh Nguyễn Đình Thuật, thôn Tài Giá, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) đã mạnh dạn thuê 5ha ruộng của người dân địa phương để trồng cà gai leo (cây dược liệu). Cây mới, cách làm mới trên cánh đồng cũ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho anh Thuật ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên.

Lứa đầu tiên anh Thuật thu được gần 4 tấn cà gai leo khô trên diện tích 2,5ha.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng cà gai leo chuẩn bị cho thu hoạch, anh Thuật chia sẻ: Cánh đồng này trước đây người dân thường cấy vụ lúa xuân, vụ mùa bỏ hoang do chuột cắn phá nhiều. Mệt mỏi với cảnh bươn trải làm kinh tế xa nhà, tôi luôn tìm kiếm cơ hội để có thể làm giàu ngay tại quê hương. Thấy nông dân bỏ ruộng không cấy ngày càng nhiều, tôi nung nấu ý định gom đất để sản xuất. Tình cờ đọc báo, tôi biết đến mô hình trồng cây cà gai leo cho hiệu quả kinh tế cao nên quyết định tìm hiểu. Sau khi đi tham quan một số nơi trồng cây cà gai leo và nắm được thông tin sản phẩm làm ra được các công ty dược bao tiêu nên đầu ra ổn định, tôi liên hệ với Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (Quỳnh Phụ), được Công ty nhận hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Tháng 7/2019, tôi bắt tay vào trồng 2,5ha, đến tháng 9/2019 mở rộng thêm 2,5ha nữa. Sau 5 tháng trồng, 2,5ha trồng đợt đầu đã cho thu hoạch, tuy năng suất không bằng các lứa tiếp theo nhưng tôi cũng thu về được gần 4 tấn cà gai leo khô, doanh thu đạt trên 130 triệu đồng. Ngoài ra, giống cây cà gai này cho thu hoạch 3 lần/năm và thu khoảng 8 - 10 lứa mới phải trồng lại. Như vậy, cây dược liệu này sẽ cho thu nhập cao hơn hẳn so với các cây trồng khác.

Trao đổi với chúng tôi, anh Thuật cho biết, cà gai leo là cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn cao, không chịu được ngập úng. Cây phát triển nhanh, tái sinh bằng hạt, là cây sống lâu năm trồng 1 lần có thể thu hái trong nhiều năm do vậy khâu chăm sóc không quá vất vả. Khi cây cà gai leo đạt độ cao nhất định, đủ tiêu chuẩn thu hoạch, người trồng sẽ cắt về băm nhỏ và phơi hoặc sấy khô. Vì cây khá nhiều gai nên công đoạn này làm thủ công khó khăn, để an toàn và giảm chi phí, 2 công đoạn trên được anh Thuật dùng bằng máy nên giảm được nhân công lao động, tăng lợi nhuận. Anh cũng đầu tư lắp đặt hệ thống sấy với công suất 3 tấn tươi/mẻ để sấy phòng khi thời tiết bất thuận. Hiện anh đang trồng cà gai leo bằng phương pháp phủ bạt nilon, nhờ cách làm này mà anh tiết kiệm được đáng kể nhân công lao động cũng như công chăm sóc, làm cỏ. Không như lúa, ngô, khoai, sắn hay cây rau màu, cái hay của cà gai leo là loại cây trồng gần như không có sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp và kỹ thuật lại đơn giản, đặc biệt không bị chuột cắn phá nhưng lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Khi thu hoạch, cắt cành cách gốc cây từ 10 - 15cm, sau đó bón phân chuồng ủ mục, xới xáo đất cho gốc cây phát triển, ra mầm, ra dây rồi lại thu hoạch.

“Theo kinh nghiệm dân gian, cà gai leo là cây thuốc nam đặc biệt tốt cho gan, có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan B rất hiệu quả. Cà gai leo có thể phơi khô hoặc chế biến thành dạng cao đặc để sử dụng. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô, thuê thêm 5 - 10ha nữa để trồng. Nếu có đầu ra ổn định, cây cà gai leo thực sự giải quyết được nhiều nút thắt trong sản xuất nông nghiệp hiện nay bởi kỹ thuật trồng đơn giản, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh lại không bị chuột phá hại, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng” - anh Thuật cho biết.

Lưu Ngần