Chủ nhật, 12/01/2025, 01:54[GMT+7]

Lực lượng Công an Thái Bình xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân

Thứ 2, 30/03/2020 | 10:15:33
19,850 lượt xem
Cùng với lực lượng Công an nhân dân (CAND) cả nước, tháng 8/1945, Công an Thái Bình được thành lập. Những năm qua, các thế hệ Công an Thái Bình luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; tập trung xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lực lượng đặc biệt Công an tỉnh lên đường làm nhiệm vụ.

Từ tháng 12/1946 đến tháng 2/1950, Công an Thái Bình vừa tập trung củng cố, xây dựng tổ chức vừa chuẩn bị sẵn sàng cùng quân và dân trong tỉnh chống thực dân Pháp xâm lược. Tập trung lực lượng đánh mạnh vào các tổ chức gián điệp, các nhóm phản cách mạng, qua đó đã bóc gỡ hầu hết các tổ chức phản động, làm trong sạch địa bàn ở 12 phủ, huyện, triệt tiêu chỗ dựa của quân Pháp trước khi chúng đặt chân lên đất Thái Bình. Tháng 8/1950, Pháp đánh chiếm Thái Bình, sau đó đóng gần 200 đồn bốt, lập hệ thống ngụy quyền từ tỉnh đến xã. Các lực lượng Công an Thái Bình đã luồn sâu vào vùng địch xây dựng cơ sở, tổ chức mạng lưới điệp báo, phản gián; phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, du kích đánh trả quyết liệt các cuộc tấn công của địch. Đồng thời đẩy mạnh tấn công, trấn áp bọn phản cách mạng, gián điệp, phá âm mưu chia rẽ lương - giáo, tham gia diệt ác phá tề. Ngày 30/6/1954, thực dân Pháp rút khỏi thị xã Thái Bình, lực lượng Công an nhanh chóng tiếp quản thị xã và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự ở đô thị và các vùng giải phóng, bắt, trừng trị nhiều tên phản động đầu sỏ, gián điệp. Sau ngày giải phóng, Công an Thái Bình tích cực tham gia đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư, trấn áp hàng trăm đối tượng gây rối an ninh trật tự, góp phần củng cố lòng tin của dân với Đảng.

Bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Công an Thái Bình đã làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện và lập hồ sơ, kết hợp phát động quần chúng đấu tranh giáo dục, cải tạo hàng nghìn đối tượng tề ngụy, gián điệp, đảng phái phản động. Liên tiếp mở các đợt “khoanh vùng trấn phản” triệt phá các tổ chức chính trị phản động như: Đại Việt duy dân, Cần Lao nhân vị, Quốc gia liên việt, Tân Việt liên minh, Tinh Hoa dân quốc, Gươm Thiêng ái quốc... góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ (1965 - 1972), Công an Thái Bình đã nắm chắc tình hình, đấu tranh chống các hoạt động gián điệp, chiến tranh tâm lý, phản động; thu hủy hàng trăm ki-lô-gam truyền đơn, bạc giả, hàng tâm lý, xét duyệt hàng vạn lý lịch quân sự, bảo vệ các đợt giao quân; điều tra, xử lý nghiêm tội phạm kinh tế, hình sự;  bảo đảm an toàn giao thông, vận tải, các chiến dịch hành quân, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thuốc men, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam và bảo vệ an toàn cho nhân dân đi sơ tán, đồng thời tích cực chi viện cho an ninh miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Trong 15 năm (1961-1975) có trên 300 cán bộ, chiến sĩ Công an Thái Bình tình nguyện vào Nam chiến đấu và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là đồng chí Phan Văn Viêm, Trưởng Công an huyện Thụy Anh. Sau chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, địch điên cuồng bố ráp, lùng bắt cán bộ ta cài lại. Đồng chí Phan Văn Viêm được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng bám trụ phía Tây Bắc thị xã Kon Tum. Một trong những công việc cực kỳ khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ an ninh trong lòng địch lúc này là phải củng cố, xây dựng cho được cơ sở cách mạng bí mật, rộng khắp, vững chắc để tạo thành hành lang bàn đạp bí mật cho lực lượng ta thâm nhập vào nội thị hoạt động thường xuyên và cũng sẽ là bàn đạp khi ta mở chiến dịch tấn công vào sào huyệt địch ở nội thị. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Biết được ý đồ của ta, địch ra sức xây dựng, củng cố các ấp chiến lược “kiểu mẫu”, thành lập các đội dân vệ, đưa lính địa phương về đóng ngay tại ấp. Hoạt động trong lòng địch nguy hiểm khôn lường nhưng với lòng dũng cảm, trí thông minh và sự kiên cường đã giúp Phan Văn Viêm và đồng đội vững vàng hoạt động trong lòng địch, lập nhiều chiến công vang dội. Trong trận đánh vào cuối tháng 10/1971, ông sa vào vòng vây của địch. Kiên quyết không để rơi vào tay địch, ông cùng đồng đội đã quyết chiến đấu đến cùng, ông đã đội nắp hầm tiêu diệt hàng chục tên địch cho đến hơi thở cuối cùng. Sự hy sinh anh dũng của ông đã dấy lên cao trào cách mạng trong quần chúng ở vùng cao nguyên. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và sự hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, năm 2004, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Công an nhân dân Phan Văn Viêm. Để ghi nhớ những công lao to lớn của ông đối với Kon Tum, tháng 12/2008, HĐND tỉnh Kon Tum khóa  IX đã quyết nghị đặt tên đường Phan Văn Viêm ở phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum).

Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong những năm qua, lực lượng Công an Thái Bình đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong bảo đảm an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm gắn với công tác quản lý hành chính nhà nước về an ninh trật tự. Phát huy truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các lực lượng Công an Thái Bình hôm nay tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ. Trong đó, luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ; gắn việc thực hiện phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động của Bộ Công an về xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, vì nhân dân phục vụ.

Nguyễn Tùng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày