Thứ 6, 22/11/2024, 00:15[GMT+7]

Sự cố cáp AAG không ảnh hưởng tới chất lượng các trang mạng trong nước

Chủ nhật, 05/04/2020 | 11:40:19
1,536 lượt xem
Chiều 4-4, theo tin từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) gặp sự cố vào tối 2-4 trên nhánh S1 kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc) khiến toàn bộ lưu lượng đường truyền qua hướng này bị mất.

Tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố gây ảnh hưởng tới kết nối internet quốc tế.

Sự cố trên tuyến AAG khiến cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế. Do vậy, nhiều người dùng internet trong nước đã gặp phải tình trạng chập chờn, khó sử dụng các dịch vụ quốc tế, như tải nội dung trên Facebook hay xem YouTube... Cho đến khi sự cố của tuyến cáp AAG được khắc phục xong, việc truy cập internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ khó khăn hơn so với bình thường. Do vậy, người dùng nên có những giải pháp phù hợp, như hạn chế vào các trang xem video, xem phim trực tuyến hay mạng xã hội của nước ngoài.

Cũng theo Cục Viễn thông, hiện các nhà mạng trong nước đã triển khai nhiều phương án nhằm điều chuyển lưu lượng sang các tuyến cáp quang biển khác. Trong đó, các nhà mạng đã cân tải lưu lượng sang các tuyến như AAE1 (Asia-Africa-Europe 1) kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu; APG (Asia Pacific Gateway) kết nối các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á; SJC (South East Asia Japan Cable) kết nối Đông Nam Á với Nhật Bản; IA (Instra Asia-Liên Á) kết nối các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực cũng như các hướng cáp quang trên đất liền kết nối đi quốc tế.

Thực tế, sự cố trên tuyến AAG không ảnh hưởng tới chất lượng các trang internet, ứng dụng trong nước như học tập từ xa, đào tạo từ xa, sử dụng các nền tảng phần mềm do doanh nghiệp Việt Nam phát triển và server (máy chủ) đặt tại Việt Nam. Vì các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước, không phụ thuộc vào các đường cáp quang biển quốc tế.

Trước đó, Cục Viễn thông cho biết, lưu lượng lưu chuyển qua Trung tâm Internet quốc gia (VNIX) trong tháng 3-2020 đã tăng mạnh hơn 40% so với tháng trước; đặc biệt một số khu vực tăng đột biến hơn 90%, tập trung vào các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...

Theo hanoimoi.com.vn