Thứ 7, 23/11/2024, 19:08[GMT+7]

Cổ hương thủy quốc

Thứ 2, 06/04/2020 | 08:46:46
3,697 lượt xem
Dân gian truyền tụng câu ca: “Nhất cao là núi Thái Sơn, nhất sâu là nước Thủy Tiên, Phú Hà”.

Cụm đình, đền Phú Hà, xã Tân Lễ (Hưng Hà) thờ Thủy Tiên công chúa.

Làng Phú Hà thuộc tổng Hà Liễu, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Phú Hà, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) nằm kề bên ngã ba sông Hồng (Nhị Hà) và sông Luộc (dân gian gọi là cửa Luộc, cửa Trần), có đền thờ Thủy Tiên công chúa (thần được sắc phong là “Đệ nhất âm cung ngọc nữ linh diệu đoan chính Thủy Tiên công chúa”) trong quần thể phủ Luộc. Tương truyền từ xa xưa, hễ tàu thuyền buôn bán ngược xuôi dâng lễ vào đền cầu nguyện đều được Thánh mẫu độ trì thông đồng bén giọt…

Tương truyền: Long Vương có người con gái tên là Thủy Tiên, mặt hoa, da phấn, mắt phượng, mày ngài, trong cõi trời đất và thủy phủ không ai sánh bằng. Long Vương  vô cùng yêu quý con gái liền cho xây lầu vàng, điện ngọc, treo biển kén anh tài chọn phò mã. Các văn thần, võ tướng, hoàng tử… từ nhiều nơi đua nhau về ra mắt Long Vương. Thủy Tiên không chọn được ai ưng ý. Long Vương sốt sắng kén một người, Thủy Tiên nhất quyết không ưng liền bị Long Vương nổi giận lôi đình đuổi lên trần gian chịu tội trong tứ thập niên.

Cơn giận không nguôi của Long Vương khiến thủy phủ sôi sục, thần long, giao long bật cả lên bờ. Long Vương lệnh cho Xích Lân đại vương rẽ nước đưa Thủy Tiên công chúa lên hạ giới. Thoáng chốc, Thủy Tiên công chúa bơ vơ cõi trần gian. Ngày qua ngày, không người thân thích, Thủy Tiên lạc lõng giữa ngã ba sông, nước mắt lưng tròng, ca ngâm nghẹn ứ. Bỗng một trang công tử ngang qua nhìn thấy dung nhan tuyệt thế của Thủy Tiên khiến lòng ngẩn ngơ liền dừng lại ngỏ lời làm quen. Chàng trai tuấn tú là Kính Xuyên vốn người họ Trương vừa ứng thí tú tài, chưa thỏa nguyện liền “du sơn ngoạn thủy” chờ kỳ ứng thí năm sau. Văn nhân đơn côi gặp thuyền quyên lẻ bóng liền kết duyên cầm sắt. Lúc này thị nữ của Kính Xuyên là Thảo Mai đi theo muốn chăm sóc văn nhân mà không được, thấy Kính Xuyên kết tóc cùng Thủy Tiên liền động lòng không vừa ý, tìm cách dèm pha, đơm đặt đổ tội cho Thủy Tiên trăng hoa, thất tiết bị vua cha đày lên cõi nhân gian. Kế hiểm “mưa dầm, thấm lâu” làm cho Kính Xuyên nản lòng, đem lòng nghi ngờ Thủy Tiên. Tin lời thị nữ Thảo Mai, Kính Xuyên dứt áo đuổi Thủy Tiên ra khỏi nhà. Một lần nữa Thủy Tiên lại rơi vào cảnh bơ vơ. Thủy Tiên lang thang dưới mưa mù, gió rét, nước mắt lưng tròng. Tiếng khóc thút thít đầy u uẩn của nàng động tới Hoàng Thiên. Bước chân lang thang của Thủy Tiên đi đến đâu thu phục muông thú đến đó, gấu quỳ, hổ phục dưới chân nàng, chim hót vang dâng quả chín, voi gầm, ngựa hý dâng nước ngọt mát, dây leo đan võng nàng nghỉ ngơi, đại thụ tỏa bóng che mưa… khiến Thủy Tiên càng nhớ da diết chốn thủy cung.

Thuở ấy có người ở xã Ngọc Lạp, huyện Thanh Miện, phủ Hồng Châu, lộ Hải Đông (nay là Thanh Miện, Hải Dương), họ Liễu, tên Nghị, là danh sĩ thời bấy giờ. Một hôm Nghị cùng gia đồng chèo thuyền ngắm cảnh. Thuyền đến cửa Luộc bỗng nghe tiếng ngâm thơ văng vẳng, lời lẽ thảm thê, Nghị lấy làm lạ, bèn nói với bọn gia đồng đi theo rằng: “Không biết thần tiên hay ma quỷ mà lại có lời lẽ thê thảm đến như vậy”. Liễu Nghị bèn cho người dừng thuyền bên bờ sông, một mình lên bờ, chợt nhìn thấy bóng dáng thiếu nữ tuổi độ đôi tám mi xanh như liễu rủ, má thắm tựa hoa đào. Liễu Nghị chợt nghĩ “dẫu tiên nữ ở cung trăng hay phi tần nơi thượng giới cũng không thể hơn được”. Liễu Nghị nói với đám gia đồng rằng: “Cốt cách trần thế mà dáng vẻ thần tiên, may mắn nay gặp gỡ, nếu không phải là trăng rằm thì cũng là băng tuyết quy hòa nhập lại”. Liễu Nghị bước tiếp, khoan thai lại gần thiếu nữ. Người con gái nhìn thấy dung mạo Liễu Nghị đoán là danh sĩ , mắt ứa lệ thưa rằng: “Thiếp vốn là con gái vua cha Bát Hải Động Đình, là vợ của Kính Xuyên, chẳng ngờ thiên sứ giáng họa vô cớ, nay may gặp người tốt ở đây, dám xin người có kế sách gì cứu giải oan khiên, thiếp nguyện thề có sông núi không quên ơn nghĩa”.

Đang bơ vơ, Thủy Tiên gặp được Liễu Nghị, một trang nam tử hào hoa, tuấn tú đã mười năm đèn sách mà chưa thành đạt. Vì buồn chán mà Liễu Nghị bỏ nhà ra đi lang thang, lấy mây trời làm niềm vui, chim muông làm bạn hữu, gặp Thủy Tiên mừng như nắng hạn gặp mưa. Hai người kết duyên vợ chồng. Một lần ân ái, Thủy Tiên nói với Liễu Nghị rằng nàng không phải người trần thế, vốn là ngọc nữ chốn thủy cung bị oan khiên đày lên trần gian. Trước lúc biệt ly thân mẫu có cho chiếc trâm vàng dặn khi nào gặp khó khăn đến bên cây ngô đồng (một loại cây cổ thân gỗ, cao khoảng 20 - 30m gắn liền với sự tích Thánh Mẫu đệ tam) bên bờ biển, gõ vào thân cây ba lần, mẫu thân sẽ hiện lên cứu giúp. Nếu chúng mình thương nhau thì dùng cây trâm vàng này đến bờ biển hành phép để gặp mẫu thân, chắc người có cách cứu chúng mình. Thủy Tiên cùng Liễu Nghị đi đến bến sông Nhị Hà (sông Hồng, sông Cái), chỗ ngã ba cửa Luộc, đầu làng Phú Hà, tổng Hà Lão (nay là thôn Phú Hà, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) thấy bốn bề trời nước mênh mông, có cây ngô đồng đang trổ hoa ngát trời bèn lấy cây trâm vàng gõ vào thân cây ba lần. Mặt sông bỗng sôi réo, nước dâng cuồn cuộn, không có gió mà sóng cồn cào, bỗng một đôi rắn trắng từ giữa dòng bơi vào bờ trườn đến gốc ngô đồng cất cao đầu như chào hỏi hai người. Liễu Nghị giơ cao cây trâm vàng, rắn thần nhận ra hiệu lệnh liền rẽ nước đưa Liễu Nghị xuống Long cung. Liễu Nghị nhìn thấy thủy cung đèn hoa rực sáng, Long Vương và Hoàng Hậu ngự ngai vàng, hai bên võ quan, văn tướng đứng hầu. Liễu Nghị quỳ thưa với Long Vương và Hoàng Hậu chuyện tình oan trái giữa Thủy Tiên công chúa với Kính Xuyên, chuyện ngộ duyên của mình với Thủy Tiên công chúa, thề nguyện suốt đời bên nhau chỉ hiềm nỗi cách trở âm dương nên liều mình xuống thủy cung cầu mong vua cha thương xót xe duyên, kết tóc cho hai người. Nghe Liễu Nghị tấu trình tha thiết, Long Vương và Hoàng Hậu cảm kích liền sai Bạch Xà rẽ nước đón Thủy Tiên hồi cung. Sai Xích Lân truy đuổi Kính Xuyên đem về Long Cung trị tội.

Long Vương gặp lại con gái yêu quý lại cảm kích Liễu Nghị chân thành nên đồng ý xe duyên Thủy Tiên cho Liễu Nghị. Long Vương có ý giữ Liễu Nghị ở lại thủy cung. Xét thấy trần thế âm dương cách trở, là người trần gian không thể sống dưới thủy cung lâu dài được, Liễu Nghị tấu trình vua cha Long Vương soi xét. Thương con, Long Vương gọi loài Thủy tộc đội đá san hô xây phủ điện dưới gốc cây ngô đồng, phong Liễu Nghị làm quốc tế thủy quan, trông coi cửa Phú Hà, hẹn vợ chồng Thủy Tiên, Liễu Nghị sau 40 năm phải trở về thủy cung.  Ban cho Thủy Tiên công chúa quyền quản lý 36 động tiên, chọn người hộ việc. Cho phép Thủy Tiên công chúa chiêu dùng 10 vị quan Hoàng, 10 ghế chầu bá, 12 thị nữ, dùng con trai vua cha Bát Hải Động Đình (đền Đồng Bằng, xã An Lễ) chấp chính Thoải phủ, ngự ở đền Sảnh (nay thuộc Duy Tiên, Hà Nam), quan Hoàng Bơ coi nguồn suối Mỡ (Lục Nam, Bắc Giang), quan Hoàng Mười trấn giữ bến Củi (Hà Tĩnh)… Ban cho Quan Lớn Tuần Tranh (Ninh Giang, Hải Dương) được hóa thân thành tỳ tướng giỏi của Trần Hưng Đạo, phù nhà Trần ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông…


Ông Trần Ngọc Tô, 86 tuổi, nguyên trưởng ban khánh tiết cụm đền, đình Phú Hà, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà
Năm 2010, dân làng Phú Hà quyên góp tiền, công sức xây dựng lại đình, đền Phú Hà đã xuống cấp nghiêm trọng. Tâm nguyện cuối đời của những người cao tuổi làng Phú Hà chúng tôi là kè đá bờ hồ cạnh đền, xây nhà thủy tạ và dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quê hương đã anh dũng hy sinh qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trần Ngọc Sỹ, Trưởng thôn Phú Hà, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà
Trải thăng trầm của lịch sử, đình Phú Hà cổ xưa không còn, đền thờ Thủy Tiên công chúa cũng không còn, gần đây nhân dân Phú Hà mới góp công, góp của xây dựng lại. Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thôn Phú Hà chúng tôi tích cực bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương.

Ông Trần Duy Sĩ, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tân An, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà
Lễ hội truyền thống đền Phú Hà thờ Thánh mẫu Thủy Tiên công chúa (thường gọi là Mẫu Thoải) hằng năm được tổ chức từ ngày mùng 6 tháng 3 đến 15 tháng 3 (âm lịch) nhưng mùa lễ hội này, do đại dịch Covid-19, lễ hội đền Phú Hà tạm dừng. Chúng tôi kiến nghị cấp trên quan tâm cho chúng tôi tiếp quản lán lẻ mầm non trước cửa đền để mở rộng không gian phục vụ tốt hoạt động lễ hội hàng năm.


Quang Viện

  • Từ khóa