Thứ 6, 22/11/2024, 14:33[GMT+7]

Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 3, 07/04/2020 | 08:46:24
55,832 lượt xem

Ông Đồng Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy)

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi đặc biệt quan tâm tới những nội dung liên quan tới việc quy hoạch, xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Có thể nói, việc quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình là dấu ấn nổi bật trong phát kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Trong nội dung “Tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh” (phần “Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu”), bên cạnh những nội dung như chú trọng, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị hiện đại, nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và chủ quyền, an ninh biên giới biển..., tôi đề nghị dự thảo Báo cáo bổ sung, đề cập tới nội dung về đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khu kinh tế Thái Bình.


Chị Vũ Thị Thự, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Phong (Tiền Hải)

Tôi nhất trí với chủ đề, bố cục, nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Dự thảo Báo cáo đã nêu khái quát những kết quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể trong nhiệm kỳ qua. Theo tôi, trong phần đánh giá kết quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nên bổ sung thêm những số liệu chứng minh, nêu bật các nhiệm vụ, phong trào, hoạt động tiêu biểu của các tổ chức thành viên, nhất là thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Phần nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cần đề cập rõ hơn vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong điều kiện hiện nay, nhất là trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ chức thành viên. Từ đó, các tổ chức thành viên thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận trong xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Bà Phạm Thị Quyên, xã viên HTXNN Hồng Xuân, xã Hồng Lý (Vũ Thư)

Thực tế những năm qua cho thấy đời sống của người dân nông thôn chúng tôi không ngừng được cải thiện và nâng lên. Những kết quả đó được thể hiện cụ thể, rõ nét trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tôi rất phấn khởi về những kết quả Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Là người dân nông thôn, tôi đặc biệt quan tâm đến thành quả mà tỉnh đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Tôi rất tự hào vì Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Trong dự thảo Báo cáo có nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Tôi tin tưởng mục tiêu này sẽ thành hiện thực. Tôi mong muốn dự thảo Báo cáo tiếp tục bổ sung những định hướng, giải pháp cụ thể để toàn Đảng, toàn dân quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu đã đề ra, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và thay đổi diện mạo nông thôn trong thời gian tới.

Ông Phan Hồng Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy dự thảo Báo cáo không chỉ đánh giá đầy đủ kết quả công tác thu ngân sách trên địa bàn, luôn vượt xa dự toán được giao và năm sau cao hơn năm trước mà còn thể hiện rõ nét đóng góp tích cực của ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế nói riêng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, tập trung thu hút đầu tư và phát triển các ngành, lĩnh vực theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế thì các doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu kinh tế sẽ được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tùy theo tiến độ của dự án; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; hỗ trợ tiền thuê đất tùy theo lĩnh vực đầu tư của dự án... Chính vì thế, để đạt được mục tiêu tốc độ tăng thu ngân sách nội địa (không tính thu tiền sử dụng đất) từ 12%/năm trở lên, tôi mong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tranh thủ tối đa thuận lợi, lãnh đạo tổ chức khai thác tốt các nguồn thu, triển khai có hiệu quả các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, từ đó thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.


Ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sứ Đông Lâm (Tiền Hải)


Tôi đồng tình và ủng hộ cao đối với chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo tôi, sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) có vai trò rất quan trọng. Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khu vực KTTN trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Vì vậy, tôi mong Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nghiên cứu để có quy định, chính sách cụ thể, thiết thực hơn trong việc khuyến khích, hỗ trợ KTTN tham gia vào hợp tác phát triển, đặc biệt là tham gia vào các dự án đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nhất là hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp thông qua sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật; tiếp tục quyết liệt triển khai Chính phủ điện tử; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Đồng chí Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi nhận thấy dự thảo Báo cáo đã tổng kết một cách khái quát nhưng thể hiện được đầy đủ các kết quả về lĩnh vực văn hóa tỉnh nhà đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020: Nhận thức về vai trò của văn hoá được nâng cao; xây dựng môi trường văn hoá, nếp sống văn hóa và giáo dục, phát huy truyền thống văn hoá, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình, xây dựng con người phát triển toàn diện và khả năng sáng tạo được đẩy mạnh... Về phần mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, theo tôi nên nhấn mạnh thêm các nhiệm vụ: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa theo Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đồng chí Bùi Thị Tuyết Chi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình


Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã khái quát cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, rút ra những bài học kinh nghiệm, nhận định về thuận lợi, khó khăn trong 5 năm tới, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá phù hợp và sát với thực tiễn để xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, theo tôi dự thảo Báo cáo cần nhấn mạnh rõ hơn vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có các cấp hội phụ nữ trong công tác dân vận phụ vụ giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp, đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Vũ Chí Công, Bí thư Chi bộ thôn Nguyên Lâm, xã Liên Hoa (Đông Hưng)


Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX được chuẩn bị công phu, có sự đổi mới trong cách đặt vấn đề, có tính khái quát cao và toàn diện, nêu bật được những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Tôi rất mừng vì các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao ngày càng được chú trọng, đẩy mạnh phát triển; nhiều cánh đồng lớn, vùng quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa, chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao được hình thành. Tuy nhiên, năm 2019, đàn lợn của tỉnh bị giảm sút nhiều do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên giá trị sản xuất bị sụt giảm. Vì vậy, tôi mong muốn trong phần nhiệm vụ, giải pháp 5 năm tới, dự thảo Báo cáo bổ sung giải pháp cụ thể thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, phải kiểm soát tốt việc tái đàn lợn trên địa bàn đồng thời lựa chọn các đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thực tế địa phương để phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Thực hiện hiệu quả đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết song phải bảo đảm công tác môi trường và sự phát triển bền vững.

Ông Phạm Ngọc Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hiền (Kiến Xương)

Thực tế ở địa phương chúng tôi, làng nghề giải quyết việc làm cho 72,24% tổng số lao động của địa phương với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất từ làng nghề năm 2019 đạt trên 90 tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp của xã. Làng nghề phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên đã tạo điều kiện thuận lợi để Thượng Hiền sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu. Có thể khẳng định, nghề và làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đánh giá sâu hơn nữa, bổ sung thêm giá trị sản xuất của nghề và làng nghề để nêu bật được vai trò, đóng góp của nghề và làng nghề trong phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, chúng tôi mong thời gian tới tỉnh có nhiều hơn cơ chế, chính sách hỗ trợ để duy trì và phát triển làng nghề: tổ chức dạy nghề cho lao động; hỗ trợ đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại giúp làng nghề giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước...

Ông Đỗ Mạnh Bảo, cán bộ hưu trí, thôn Đoài, xã Tây Giang (Tiền Hải)

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi rất ấn tượng với kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Thực tế ở địa phương tôi cho thấy công cuộc xây dựng nông thôn mới đã làm đời sống nhân dân có những đổi thay rõ rệt, hầu hết các gia đình đều sung túc, ấm no, đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng được cải thiện. Tôi thấy các giải pháp phát triển kinh tế trong dự thảo Báo cáo chính trị nêu rất cụ thể nhưng giải pháp về phát triển văn hóa chưa thật rõ nét. Tôi mong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể hơn về phát triển văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc trẻ em và người cao tuổi.

Anh Nguyễn Đức Đổng, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ

Tôi nhất trí cao với kết cấu, nội dung dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có đóng góp quan trọng của MTTQ và các đoàn thể. Vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Báo cáo nêu rõ hơn nữa những đóng góp của MTTQ và các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Trong phần nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng cũng nên có các chỉ tiêu, giải pháp của cấp ủy các cấp trong chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Đảng; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, khả năng “tự đề kháng” của thanh niên trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.


Ông Nguyễn Hữu Liêu, Bí thư Chi bộ tổ 3, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình


Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh; bố cục cân đối giữa hai phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ xix và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm (2021 - 2025); tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045. Tôi tâm đắc nhất với 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 5 năm qua mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã rút ra; tuy nhiên, theo tôi nên sắp xếp lại thứ tự theo mức độ quan trọng của từng bài học kinh nghiệm. Cụ thể, giữ nguyên vị trí bài học kinh nghiệm thứ 1 và thứ 3, chuyển bài học kinh nghiệm thứ 5 lên vị trí thứ 2, chuyển bài học kinh nghiệm thứ 2 xuống vị trí thứ 4, chuyển bài học kinh nghiệm thứ 4 xuống vị trí thứ 5.
Về 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển trong dự thảo Báo cáo, tôi thấy rất đúng đắn, phù hợp với tình hình hiện nay và xu hướng phát triển của tỉnh trong những năm tới. Trên thực tế, cấp ủy tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện và đạt được những kết quả cụ thể ngay từ nhiệm kỳ này như: xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, đầu tư các tuyến giao thông kết nối, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội...

Ông Nguyễn Thế Lữ, cán bộ lâm sinh xã Nam Phú (Tiền Hải)


Tôi nhất trí cao với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đặc biệt về kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong các mục tiêu, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025 về lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tôi mong các cơ quan chuyên môn tham mưu có thêm các giải pháp, lộ trình nhằm đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi thủy sản. Tạo điều kiện hơn nữa trong ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng, tạo bước đột phá trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Đồng thời, quan tâm đến phát triển mô hình tổ, đội khai thác hải sản nhằm hỗ trợ nhau trong khai khác hải sản, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là các loại hình dịch vụ trên biển để giảm chi phí sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản và các thành phần kinh tế đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá đạt chuẩn theo quy định.

Bà Phạm Thị Minh Thoan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng)


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy những thành tựu tỉnh ta đạt được trong 5 năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho sự lãnh đạo đúng đắn và rất kịp thời của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Chính điều đó đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, trong phần đánh giá về kết quả và giải pháp cho công tác bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tốt công bằng xã hội, tôi mong dự thảo Báo cáo nêu cụ thể hơn nữa để thấy được tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội; bổ sung các giải pháp về phát huy tinh thần tương thân tương ái của nhân dân và lòng hảo tâm của các cá nhân và tập thể trong các hoạt động xã hội, từ thiện để góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.


Nhóm  phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày