Thứ 6, 05/07/2024, 05:21[GMT+7]

Khai báo y tế không trung thực sẽ bị xử phạt

Thứ 4, 08/04/2020 | 15:50:46
5,373 lượt xem
Hiểu được tầm quan trọng của việc khai báo y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người dân trong tỉnh đã chủ động thực hiện khai báo tại các cơ sở y tế, qua ứng dụng NCOV hoặc cổng khai báo điện tử: https://tokhaiyte.vn/form. Tuy nhiên, vẫn còn có một số người khai báo không trung thực, gây khó khăn, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Ít người trong số họ không biết rằng khai báo y tế không trung thực sẽ bị xử phạt, thậm chí là xử lý hình sự.

Người dân khai báo y tế tại Trạm Y tế phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình).

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 thì thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc trước việc một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 song đến tận thời điểm phải đến cơ sở y tế điều trị vẫn quanh co, không khai báo trung thực về lịch trình di chuyển gây khó khăn cho ngành y tế và làm lây truyền bệnh sang người khác. 

Sau các bệnh nhân số 17, 34 là bệnh nhân 178. Bệnh nhân này có quá trình làm việc tại nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai trong 2 tháng nhưng khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đại Từ (Thái Nguyên) do đau đầu, chóng mặt, bệnh nhân khai bản thân chỉ ở nhà, không đi đâu. Khi có biểu hiện đau họng, sốt và thân nhiệt 37,6 độ, các nhân viên y tế khai thác, nhiều lần truy hỏi thì bệnh nhân mới thừa nhận vừa trở về từ Bệnh viện Bạch Mai và là nhân viên Công ty Trường Sinh. Việc khai báo không trung thực đã khiến 20 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1) gồm: 8 bệnh nhân đang điều trị và 12 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ phải thực hiện cách ly tập trung. Ngoài ra, đã có hàng chục người tiếp xúc trực tiếp phải cách ly tại cơ sở y tế và hàng trăm người phải theo dõi sức khỏe tại gia đình.

Tại Thái Bình, đến sáng ngày 7/4 chưa ghi nhận có trường hợp nào nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một số trường hợp khai báo y tế không trung thực, gây áp lực cho cán bộ, nhân viên y tế - những người đang rất vất vả khi vừa thực hiện nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho người bệnh, vừa ở tuyến đầu phòng, chống dịch. 

Bác sĩ Đoàn Duy Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cho biết: Ngày 1/4, Bệnh viện có tiếp nhận bệnh nhân V.T.T, quê Hưng Hà. Chồng bệnh nhân lái xe ôm tại cổng Bệnh viện Bạch Mai nhưng khi khai báo chỉ khai làm việc ở Thanh Trì (Hà Nội). Phải sau cả thời gian ở Bệnh viện, bệnh nhân mới cho biết chồng làm lái xe ôm ở Bệnh viện Bạch Mai. Ngay khi nắm chắc thông tin, Bệnh viện Phụ Sản đã thông tin tới Trung tâm Y tế Hưng Hà để thực hiện cách ly chồng bệnh nhân V.T.T đồng thời tiếp tục khoanh vùng, cách ly, giám sát, theo dõi y tế những người liên quan.

Từ dẫn chứng ở những sự việc trên cho thấy, chỉ cần một người khai báo không trung thực có thể dẫn đến hậu quá khó lường khi không may những người tiếp xúc gần bị lây nhiễm không được cách ly kịp thời. Thêm vào đó, sẽ khiến nhiều y, bác sĩ phải cách ly, trong khi cả nước đang phải huy động sự chung tay góp sức từ những bác sĩ nghỉ hưu đến sinh viên ngành Y tham gia công tác điều trị và chăm sóc y tế. Nhiều người dân liên quan phải cách ly tập trung và theo dõi sức khỏe tại nhà gây thêm khó khăn, vất vả cho lực lượng phòng, chống dịch cơ sở.

Với trường hợp bệnh nhân thứ 178, tại buổi giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp xử lý bệnh nhân Covid-19 thứ 178 để răn đe nhiều người khác. 

Tại Việt Nam, ngày 14/11/2013, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực y tế đã được ban hành. Theo đó, tại Điều 9 của Nghị định quy định mức xử phạt đối với người không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ sẽ bị xử phạt, mức phạt từ 100.000 – 300.000 đồng. Tại Điều 10 cũng nêu rõ mức xử phạt với người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, mức phạt có thể lên tới 10 triệu đồng. 

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh, trong công văn nêu rõ: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch. Do đó, mỗi người dân hãy cùng nêu cao ý thức, trách nhiệm, khai báo y tế trung thực để các cơ quan chức năng có thể phát hiện, giám sát sức khỏe kịp thời những người có nguy cơ nhiễm Covid-19, từ đó bảo vệ sức khỏe cho chính người có nguy cơ nhiễm và cả cộng đồng.

Hoàng Lanh


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày