Thứ 6, 22/11/2024, 05:48[GMT+7]

Chuông gióng vọng ngàn

Thứ 2, 13/04/2020 | 09:11:56
6,666 lượt xem
Tại làng Lạc Đạo thuộc Bố Hải Khẩu xưa (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) có ngôi chùa tên nôm là Ngàn, tên chữ là Viên Quang tự là một trong những địa chỉ tàng kinh tạng của các Ấn Hồ tăng (nhà sư Ấn Độ) trong hành trình đến Luy Lâu và truyền giáo ở Việt Nam.

Chùa Ngàn (Viên Quang tự, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) địa chỉ tàng kinh tạng của các Ấn Hồ tăng (nhà sư Ấn Độ) trong hành trình đến Luy Lâu và truyền giáo ở Việt Nam. Ảnh tư liệu

Truyền ngôn, vào thế kỷ thứ III có một đạo sĩ tên là Khương Đăng Hội đã đến Lạc Đạo (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) trú ngụ và dịch kinh “An Ban thủ y” có khuynh hướng Tiểu thừa (dòng tu). Cũng theo truyền ngôn chuyện “Kim ngân táng tại Ngọc hành” ở Lạc Đạo truyền rằng trong khoảng thời gian từ năm 250 - 280 (thế kỷ III) quân Đông Ngô (thời Tam Quốc) đô hộ Lạc Việt, ở trang Lạc Đạo đã có chùa chiền, dân đã biết đến Phật giáo và tin vào Phật, bằng chứng là cánh đồng Riệc tự dưng có ngôi chùa, dân gian gọi chùa Bụt Mọc, có người mách bảo dưới chân tượng trong chùa quân Đông Ngô trấn yểm giấu vàng. Thời Cao Biền đến Giao Châu khảo sát phong thủy, theo chỉ dẫn đã đến chùa Bụt Mọc lấy hết vàng đem về bắc quốc...

Các sử gia cho rằng: Thần tích không phải là lịch sử; dã sử lại càng không phải là chính sử song giống như chuyện Lạc Long Quân “vua Rồng” lấy “tiên nữ Âu Cơ” đẻ ra bọc trăm trứng, tổ trăm họ dân tộc Việt, lần theo truyền thuyết, địa giới phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình nay, xưa kia được chia ra các phương: phương Bắc có tên gọi Lạc Thổ (Đất ở của dân Lạc); phương Tây Bắc có tên là Lạc Chính (khu trung tâm), cực Bắc của Trần Lãm xưa là Phú Lạc, trung tâm là Lạc Đạo, Đông Bắc là Lạc Đạo Thủy Cơ, Đông Nam là Tam Lạc... Theo Giáo sư Nguyễn Kim Thản trong “Hùng Vương dựng nước” tập III, trang 136 dẫn từ điển của Nhị Nhã cho rằng: chữ Lạc có thể hiểu là loài chim nước “Ô bạo” đọc là Lạc. Tại làng Lạc Đạo thuộc Bố Hải Khẩu xưa (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) có ngôi chùa tên nôm là Ngàn, tên chữ là Viên Quang tự là một trong những địa chỉ tàng kinh tạng của các Ấn Hồ tăng (nhà sư Ấn Độ) trong hành trình đến Luy Lâu và truyền giáo ở Việt Nam.

Theo tài liệu khảo cứu của Bảo tàng tỉnh thì xã An Chính, tổng Lạc Đạo, huyện Trực Định (nay thuộc phường Trần Lãm) thờ thần Bạch Mã với truyền thuyết Bạch Mã Ôn đem thân ngựa tải kinh cho Đường Tăng từ Tây Trúc về Trường An, các nhà nghiên cứu Phật giáo nhận định rằng: ở đâu thờ thần Bạch Mã đều gắn với việc chuyển kinh trong hành trình truyền giáo của các vị Ấn Hồ tăng. Chùa Ngàn (Viên Quang tự) còn đôi câu đối:

Lạc Đạo kiến già lam sắc tướng lưu truyền Viên Quang tự
Bồ Tân duyên Bố Hải từ phàm kinh độ Ấn Hồ tăng

Nghĩa là:

Dựng chốn tổ ở Lạc Đạo, sắc tướng lưu truyền ở chùa Viên Quang
Bến Bồ theo cửa Bố Hải thuyền các nhà sư Ấn Độ đã qua đây

(Bản dịch của cố dịch giả Hán Nôm Nguyễn Tiến Đoàn)

Câu đối khẳng định Lạc Đạo (Trần Lãm nay) chính là cái nôi truyền đạo Phật sớm nhất trên địa bàn tỉnh ta. Theo thống kê của tác giả Nguyễn Ngọc Chương (Cục Bảo tồn bảo tàng) trong bài: “Về tình hình phân bổ các di tích lịch sử thuộc thời các vua Hùng” sách “Hùng Vương dựng nước” tập IV, trang 127: “Thái Bình có 244 di tích thờ các vị thần thời Hùng Vương đến thời Triệu Đà (trong khi đó 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, nội Văn Lang cũng chỉ cộng được 432 di tích. Cả tỉnh Hà Tây cũ chỉ có 164 địa điểm), vì vậy Thái Bình là tỉnh có mật độ thờ công thần thời Hùng Vương cao nhất cả nước”. Theo nguồn khảo luận của Bảo tàng tỉnh, Lạc Đạo là vùng đất cổ còn mang đậm âm hưởng thời Hùng Vương hội cư nhiều dòng họ “tứ xứ”, tiếp nhận nhiều “tầng” văn hóa hợp lại thành phong tục, tập quán, tín ngưỡng khó tách bạch. Trên địa bàn Lạc Đạo cũng có nhiều miếu thờ thổ thần, thổ địa, long thần. Có 3 đình, 3 chùa và một nhà thờ Gia Tô giáo. Nét nổi bật trong đời sống tâm linh của người dân Lạc Đạo trong tín ngưỡng thần chủ không giống bất kỳ một làng xã nào trong tỉnh. Thuở xa xưa, người dân Lạc Đạo rất tin vào sức mạnh siêu nhiên, hễ gặp hoạn nạn thì “kêu trời”, “gọi đất” linh ứng ngay, vậy nên từ việc “sinh con đẻ cái” đến cày cấy, phong đăng, hỏa cốc... đều “nhờ ơn trời”, thể hiện sự sùng bái tự nhiên của người Việt cổ theo lý luận đạo giáo từ đầu thế kỷ I. Theo các tài liệu khảo cứu, khi Tiết độ sứ của nhà Đường là Cao Biền sang trị nhậm Giao Châu đã về Lạc Đạo ngắm thế đất nhằm bề triệt huyệt phát vương của nước ta. Cao Biền đã ghi chép tỉ mỉ trong “An Nam cửu chân kinh long” khiến nhiều phú quý, đại gia lũ lượt tìm về Lạc Đạo cố “tầm long, trách huyệt” mà không nhận ra. Thế đất quý hiển chép trong “An Nam cửu chân kinh long” về Lạc Đạo như sau: “Nhất huyệt thổ trĩ/Đê đầu trách thủy/Hậu lai thiên đức” và “Nhất kê chân cảnh/Cảnh hạ hầu thượng/Anh hùng tài trí chi tư/Phát phúc bất tuyệt”. Chỉ cần đọc “huyệt thế” đất đai của Lạc Đạo cũng có thể hình dung ra phong cảnh nơi đây cách ngày nay cả ngàn năm thật đẹp “nhất huyệt thổ trĩ” có nghĩa là huyệt vị đất cao đẹp như con chim trĩ cúi đầu uống nước, “nhất Kê chân cảnh” có chỗ thế đất như con gà trống cất cao giọng gáy đón chào bình minh... Cứ theo tiên đoán của Cao Biền “phát phúc bất tuyệt” thì mạch địa Lạc Đạo thần linh ứng truyền kỳ mãi mãi... Tương truyền, Triệu Đà cất quân sang đánh Âu Lạc lần hai, vì chủ quan nên Thần nỏ Kim Quy của An Dương Vương không còn tác dụng, thành Cổ Loa thất thủ, An Dương Vương nhảy lên ngựa đem theo con gái Mỵ Châu chạy về phương Nam. Ngựa của An Dương Vương đã dừng lại bên mép sóng ở Lạc Đạo (Đình Lạc Đạo thờ Mỵ Châu), Mỵ Châu đã rứt áo lông ngỗng đánh dấu để Trọng Thủy đi tìm. Khảo tả địa hình Lạc Đạo xưa và nay lấy trụ sở hành chính công xã Trần Lãm (thành phố Thái Bình) làm trung tâm xoay vòng bán kính 6 đến 7km, địa hình vùng “Bố”, “Bồ”, “Bá” phía Tây Nam của Lạc Đạo khá phức tạp. Xưa có vòng cồn cát dài rộng khởi nguồn từ đống Du (xã Vũ Đông) chạy xuống ngã tư Lạc Đạo (phường Trần Lãm) xuôi xuống xã Vũ Chính, Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) đến thôn An Lạc cồn cát bị ngắt đoạn gần 1 km rồi lại nối tiếp cồn cát rộng chiếm toàn bộ làng Kiến Xá và một phần Ngô Xá, thành vòng cung giữ đất cho phường Kỳ Bá nay. Men theo cống Trần (địa giới giữa phường Trần Lãm và Kỳ Bá) là dòng sông cổ, nay bị bồi lấp nhiều nên đã hẹp dòng chảy trở thành kênh 3, kênh 2 từ Bắc Cự Lộng, Nam trại Trần chạy thẳng xuống cống Ngô Xá và dòng phụ rẽ xuống thôn Thái, xã Nguyên Xá. Đi xa thêm 4km về phía Đông Nam là dải đất cao vượt lên từ làng Bình Trật (xã An Bình, huyện Kiến Xương), ngắt quãng 2km là cồn Nam xã Vũ Tây và phía Đông xã Vũ Sơn đến địa đầu xã Vũ Lễ (huyện Kiến Xương) thì chia làm hai nhánh thành dải cồn Vũ Lạc và dải cồn Vũ Quý, Vũ Trung (xã Động Trung xưa, nay Động Trung thuộc xã Vũ Trung). Đỉnh cồn được xác định ở Lạc Đạo mặc dù bị bào mòn trải 2.500 năm.

Tương truyền Cao Nhạc Đại vương và An Cốc Đại vương là hai tỳ tướng của Hùng Duệ Vương, An Cốc đại vương có phép thuật tinh thông, y thuật như thần, ngài chu du tới Lạc Đạo - Kỳ Bố thấy non sông tráng kiệt, cỏ cây tươi tốt liền dựng quán tu đạo ở đây, ngài giúp dân khai hóa phong tục, chấn chỉnh nông tang. An Cốc Đại vương từng giúp Hùng Duệ Vương dẹp tan quân Thục được Vua phong Lang tướng. Khi ông “mệnh chung”, vua cho lập đền thờ, gọi là Từ Lang (đền của quan Lang) ngay trên đất Đạo quán.

Quang Viện