Thứ 6, 27/12/2024, 08:04[GMT+7]

Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 4, 15/04/2020 | 08:47:08
19,700 lượt xem

Ông Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Chi bộ tổ 18, phường Trần Lãm,
thành phố Thái Bình


Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX mang tính tổng hợp rất cao. Nội dung các phần rõ ràng, cân đối, sát thực tế, đã đánh giá rõ những thành tựu đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phân tích sâu sắc những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong 5 năm tới và những năm tiếp theo thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới và sáng tạo của cấp ủy tỉnh. Đặc biệt, trong dự thảo Báo cáo đã dành dung lượng phù hợp đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển. Đây là những vấn đề mà nhân dân rất quan tâm. Tôi rất tâm đắc với nội dung này bởi các nhiệm vụ và khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới có sự kế thừa về mặt chủ trương hoặc những nhiệm vụ đã và đang thực hiện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 như: cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh...


Trong 3 đột phá phát triển, tôi quan tâm đến đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Thực tế trong những năm qua, cấp ủy tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng các trục giao thông đầu mối kết nối với các đô thị trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng và các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên)..., góp phần phá thế ốc đảo ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển của Thái Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện đột phá này trong phần nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh phát triển kinh tế ở mục 3 “Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hợp tác phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước” trong dự thảo Báo cáo, theo tôi, cùng với giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư nên bổ sung thêm ý đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng tại các vùng có dự án giao thông trọng điểm bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định tiến độ triển khai dự án; bổ sung thêm ý đề cao tinh thần trách nhiệm của các ngành chuyên môn, các địa phương, nhất là người đứng đầu trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.


Ông Vũ Viết Mạnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Hưng


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp mà dự thảo Báo cáo đã đề ra cho nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, trong phần nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành, theo tôi cần nhấn mạnh thêm bản chất “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Do đó, cần bổ sung nội dung triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Kết hợp tốt việc thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, bổ sung các giải pháp cơ bản, khả thi trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tôi rất tâm đắc với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển mà tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ tới, điều đó thể hiện tính chiến lược, sát thực tế, nếu thực hiện hiệu quả sẽ góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới. Để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, dự thảo Báo cáo chính trị nên bổ sung MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội phải thực hiện song hành đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động với tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đồng thời, bổ sung một số giải pháp nhằm xây dựng cơ chế MTTQ, các đoàn thể tham gia xây dựng và quản lý nhà nước, đặc biệt là tham gia vào các dự thảo hoạch định hoặc các quyết định của tỉnh liên quan đến đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đó chính là căn cứ để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX sau ban hành.



Ông Nguyễn Văn Tòng, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương


Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX rất cụ thể, trong đó nêu rõ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với tập trung, tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh triển khai; các mô hình cánh đồng lớn được tiếp tục nhân rộng... Tuy lĩnh vực nông nghiệp của Thái Bình chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế nhưng trên thực tế có vị trí rất quan trọng trong đời sống của các hộ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm tới, ngoài các giải pháp đã nêu, theo tôi nên bổ sung các giải pháp về chính sách và cơ chế đủ mạnh để phát triển nông nghiệp; chú trọng phát  triển nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi ngày càng phức tạp của thiên tai, dịch bệnh; đồng thời, có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Thạc sĩ Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, chúng tôi đánh giá cao Tiểu ban văn kiện đã xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị rất công phu, kết cấu nội dung khoa học, bố cục chặt chẽ. Báo cáo đã đánh giá những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua, nêu 5 bài học kinh nghiệm rất xác đáng đồng thời đã dự báo tình hình, nêu 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển rất sát thực trong nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, tôi xin đóng góp vào dự thảo Báo cáo thêm ba vấn đề:
Một là, phần mục tiêu, hiện nay do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, có thể tác động trong nhiều năm. Do vậy, đề nghị Tiểu ban văn kiện nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu về phát triển kinh tế cho phù hợp, mang tính khả thi cao.
 Hai là, về bảo vệ môi trường, tôi đề nghị bổ sung giải pháp chỉ đạo cụ thể hơn trong khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy mô lớn không gây ô nhiễm môi trường để thay thế các lò đốt rác không còn phù hợp như hiện nay.
Ba là, lĩnh vực khoa học công nghệ, cần có các giải pháp chỉ đạo đẩy mạnh phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất, đời sống, từng bước tăng nguồn ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ; khuyến khích, tạo điều kiện thành lập nhiều tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ làm nòng cốt trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn.

Ông Bùi Xuân Đoán, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Đạo, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương


Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh; bố cục cân đối giữa hai phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm (2021 - 2025); tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045. Tôi rất ấn tượng với những kết quả đạt được đã nêu trong phần I, mục 1 về “Kinh tế tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được những dấu ấn nổi bật”. Trong đó nêu rõ công tác quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm. Đã thu hút được nhà đầu tư lớn vào đầu tư khu công nghiệp chuyên nông nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ tại huyện Quỳnh Phụ (khu công nghiệp Thaco - Thái Bình). Quy hoạch và xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng Khu kinh tế Thái Bình được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Trong đó, đã triển khai đồng bộ việc xây dựng các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư với mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước và quy định quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng Khu kinh tế. Cùng với đó còn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong khu vực... Vì thế, để thực hiện các mục tiêu mà dự thảo Báo cáo đã nêu, nhất là mục tiêu về phát triển kinh tế, tôi đề nghị bổ sung vào phần nhiệm vụ và giải pháp, mục I “Đẩy mạnh phát triển kinh tế” các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư về địa bàn, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh, có uy tín, kinh nghiệm xây dựng các dự án lớn về tỉnh để thu hút vào các dự án trên. Đi cùng đó cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các dự án lớn.

Ông Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.

Qua nghiên cứu, tôi nhất trí cao với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; dự thảo Báo cáo được soạn thảo công phu, khái quát cao, có tính tổng kết thực tiễn, bố cục rõ ràng. Đồng thời, dự thảo Báo cáo đã làm rõ những kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đổi mới và sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Về phát triển kinh tế, tôi rất đồng tình với đánh giá việc hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu đặt ra từ nhiệm kỳ trước mà nhiệm kỳ này mới thực hiện được. Đồng thời, dự thảo Báo cáo cũng chỉ rõ sự sáng tạo trong vận dụng các cơ chế, chính sách một cách đồng bộ, phù hợp với thực tiễn để huy động, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường hợp tác, kết nối với các trung tâm kinh tế vùng và các tỉnh, thành phố lân cận; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn triển khai các dự án và thành lập được Khu kinh tế Thái Bình sớm hơn nhiều năm so với dự kiến.

Trong phần III, kết quả xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ở mục 1, tôi đề nghị bổ sung nội dung đánh giá kết quả việc phân công lãnh đạo cấp ủy các cấp về sinh hoạt với các chi bộ địa phương tham gia chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Ở mục 3, tôi đề nghị bổ sung nội dung khẳng định rõ vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động nhân dân tham gia tích cực nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, tôi nhất trí cao dự thảo Báo cáo đã có những phân tích sâu sắc, nhất là 5 nguyên nhân chủ quan. Về 5 bài học kinh nghiệm, theo tôi nên chuyển bài học kinh nghiệm thứ 5 lên vị trí thứ 2 vì bài học này đề cập đến kinh nghiệm trong kết hợp nhuần nhuyễn các phương thức lãnh đạo của Đảng.

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm (2021 - 2025); tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045, tôi nhất trí cao với các chỉ tiêu đề ra trên tất cả các lĩnh vực; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có nhiều nét mới, sáng tạo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cao, khát vọng vươn lên, xây dựng thái bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, trong phần III, mục 2 về đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể dục, thể thao..., tôi đề nghị dự thảo Báo cáo bổ sung việc nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình văn hóa trọng điểm tạo điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa nhằm thu hút du lịch của tỉnh nhà. Ở phần VI, bổ sung nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn, nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước; phát triển đảng trong công nhân lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng đội ngũ công nhân Thái Bình đáp ứng yêu cầu khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.


Ông Phạm Văn Dụng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy Tiểu ban văn kiện đã chuẩn bị rất công phu, chu đáo, khoa học; đã đánh giá toàn diện, khách quan, trúng, đúng và sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tôi rất tâm đắc với chủ đề đại hội đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chọn là: “Tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”. Chủ đề đã thể hiện rõ tính bao quát, các thành tố về “Đảng”, về “nhân dân”, về mục tiêu phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trên lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tôi nhất trí cao với đánh giá trong nhiệm kỳ qua, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; trong đó, đáng chú ý là tỉnh ta đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với tập trung, tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Để đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực và kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nêu trên, theo tôi, cùng với những nguyên nhân như dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra, cần nhấn mạnh hơn nữa sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu liên tục, bền bỉ của các tầng lớp nhân dân. Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tôi nhất trí cao với nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại và các giải pháp đã nêu. Tuy nhiên, tôi đề nghị Tiểu ban văn kiện bổ sung, nhấn mạnh hơn nữa giải pháp về tăng cường cơ giới hóa các khâu của quy trình sản xuất nhằm thực hiện cơ khí hóa nông nghiệp; đồng thời, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 5 hướng đột phá chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo thực hiện.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa