Thứ 2, 25/11/2024, 17:35[GMT+7]

Xã hội hóa các nguồn lực: Chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 15/04/2020 | 08:47:40
5,929 lượt xem
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh đã có 263/263 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Một trong những chìa khóa tạo nên sự thành công đó là do Thái Bình đã thực hiện có hiệu quả việc huy động xã hội hóa các nguồn lực trong cộng đồng dân cư.

Huy động xã hội hóa các nguồn lực, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) đã đầu tư nâng cấp được gần 19km đường giao thông trong xã.

Vốn “mồi” thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực

Năm 2009, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, toàn tỉnh mới chỉ có 7 xã đạt 11 - 12 tiêu chí; 88 xã đạt 7 - 10 tiêu chí; 127 xã đạt 3 - 6 tiêu chí; 42 xã đạt 1 - 2 tiêu chí và 3 xã không có tiêu chí nào đạt (Đoan Hùng, huyện Hưng Hà; An Dục, huyện Quỳnh Phụ; Trà Giang, huyện Kiến Xương); các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế, xã hội khu vực nông thôn hầu hết chưa đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Chính vì thế, việc hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về xây dựng NTM được xác định là sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khi nguồn ngân sách của tỉnh còn nhiều hạn chế. Từ thực tế đó, Thái Bình đã xác định chỉ có huy động xã hội hóa thì mới có thể thực hiện thành công xây dựng NTM và đã quyết định ban hành các cơ chế, chính sách để các địa phương trong toàn tỉnh huy động nguồn lực trong nhân dân. 

Khởi đầu của một loạt các cơ chế, chính sách đó chính là Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư công trình kết cấu hạ tầng NTM, sau này là Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 7/2/2013 và Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND ngày 7/11/2013 được sửa đổi, bổ sung từ Quyết định số 09 về cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM. Với tổng lượng xi măng đã cấp gần 1,3 triệu tấn xi măng (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng), các địa phương trong toàn tỉnh đã huy động được sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, cùng góp công, góp sức, góp của xây dựng nên những công trình, từ đó đem lại diện mạo mới cho quê hương. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.300km kênh mương cấp 1 đã được cứng hóa; hơn 3.780km đường giao thông nội đồng được nâng cấp; hơn 1.090km đường trục xã, hơn 1.910km đường trục thôn, gần 3.200km đường nhánh cấp 1 trục thôn, 2.215km đường ngõ xóm được cải tạo và nâng cấp; 207 trường học, 85 nhà văn hóa, 984 nhà văn hóa thôn, 125 sân thể thao xã, 180 trạm y tế xã được xây mới. 

Sau Quyết định số 09, Thái Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 2/8/2012 ban hành quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012 - 2015, sau này là Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12, từ đó đã thu hút được 57 dự án đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, chuyển giao từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của ngân hàng thế giới, góp phần phủ kín mạng lưới nước sạch trên địa bàn từ năm 2016 với tổng số 100% số xã, thị trấn; đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khác nhằm thúc đẩy huy động xã hội hóa trong dân như: chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh…

Khu vườn cổ tích của Trường Mầm non xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. 

Chính sách đúng - hiệu quả cao

Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao đã tạo điều kiện cho các địa phương trong toàn tỉnh khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ xây dựng kết cấu hạ tầng NTM gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cũng từ quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đó, hàng ngàn hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ cổng dậu, nhà ở, công trình phụ với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điển hình như: xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) có 192 hộ dân đã hiến hơn 4.000m2 đất, tự tháo dỡ 205 trụ cổng, hơn 2.900m2 tường bao, 30 công trình phụ, 1 nhà thờ họ và di chuyển 1 ngôi mộ tổ, 167 cây lâu năm với giá trị hơn 2,6 tỷ đồng; xã Thanh Tân (Kiến Xương) các hộ dân đã hiến gần 3.800m2 đất, tự tháo dỡ hơn 2.000m2 tường xây, 47 cổng, 2 bếp, 4 nhà ở, 11 công trình phụ, 2 miếu và di chuyển 3 ngôi mộ tổ; xã Đông La (Đông Hưng) đã có 183 hộ dân tham gia hiến hơn 1.000m2 đất, trong đó có 15 hộ hiến 420m2 đất thổ cư để làm đường giao thông liên thôn… Không chỉ đóng góp bằng hiện vật, nhiều người dân địa phương và con em xa quê cũng tích cực ủng hộ bằng tiền, từ đó góp phần cùng địa phương hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM như: gia đình ông Ngô Văn Phát (Nam Hưng, Tiền Hải) ủng hộ gần 13 tỷ đồng, gia đình ông Lê Anh Tuấn (Tây Phong, Tiền Hải) ủng hộ 3 tỷ đồng; gia đình ông Trần Xuân Ý (Tân Lễ, Hưng Hà) ủng hộ hơn 2 tỷ đồng… 

Theo thống kê, trong tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 22.236 tỷ đồng thì nguồn vốn huy động xã hội hóa chiếm tới 24%, trong đó nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức 1.259,3 tỷ đồng, nguồn vốn con em xa quê đóng góp 386,99 tỷ đồng và nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp (tiền mặt, ngày công, hiến đất) 3.669,5 tỷ đồng. Việc huy động xã hội hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong dân cư đã góp phần đưa Thái Bình trở thành 1 trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.

Ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Hưng Hà luôn xác định cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước thì việc huy động xã hội hóa trong cộng đồng dân cư là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề giúp các xã, thị trấn hoàn thành được các tiêu chí. Chính vì thế, để tạo nguồn giúp các địa phương huy động xã hội hóa, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện Hưng Hà còn có cơ chế đặc thù như: thực hiện hỗ trợ 100% tổng số tiền huyện được điều tiết từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất cho xã triển khai dự án xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, hỗ trợ kinh phí từ 100 - 150 triệu đồng/xã thực hiện dồn điền đổi thửa quy vùng sản xuất, có cơ chế khen thưởng riêng cho các xã về đích NTM... Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và phù hợp với từng giai đoạn đã thúc đẩy các địa phương quyết tâm khắc phục khó khăn để về đích NTM.

Ông Nguyễn Cao Luyện, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình)

Xuất phát điểm chỉ mới đạt 9/19 tiêu chí nhưng chỉ sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, đến năm 2014, xã Đông Thọ được công nhận đạt chuẩn NTM. Để có được thành công đó, xã Đông Thọ đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng NTM. Trong đó, xã Đông Thọ đã huy động được nhiều nguồn lực trong cộng đồng dân cư, từ đó giúp địa phương có điều kiện để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trong cộng đồng dân cư của xã Đông Thọ đạt 31 tỷ đồng, chiếm 31,7% tổng nguồn vốn xây dựng NTM; điển hình như: gia đình bà Bùi Thị Chén (thôn Lam Sơn), gia đình ông Phạm Đức Toại (thôn Lam Sơn), gia đình ông Phạm Văn Đắc (thôn Lam Sơn)...

Bà Đinh Thị Nụ (85 tuổi, thôn Trần Phú, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà)

Tôi rất ủng hộ chủ trương huy động xã hội hóa trong nhân dân để đầu tư kết cấu hạ tầng NTM. Chính vì thế, ngay sau khi xã Chi Lăng phát động, tôi đã vận động 5 người con đóng góp cùng địa phương xây dựng 3 tuyến đường của thôn Trần Phú và thôn Tân Tiến với tổng chiều dài gần 1km; đồng thời, ủng hộ nâng cấp Từ đường họ Đinh và các khu di tích lịch sử văn hóa, nơi thờ tự tôn giáo trên địa bàn xã với tổng số tiền đã ủng hộ gần 500 triệu đồng. Tôi hy vọng, sự đóng góp của gia đình sẽ góp phần tích cực cùng địa phương tiếp tục củng cố và duy trì các tiêu chí NTM, từ đó không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân.


Minh Hương