Thứ 5, 07/11/2024, 12:21[GMT+7]

Bám sát đồng ruộng, kịp thời phòng, trừ sâu bệnh hại lúa

Thứ 5, 16/04/2020 | 08:57:58
7,573 lượt xem
Hiện nay, lúa xuân trong tỉnh đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, đây là thời kỳ mẫm cảm với các loại dịch hại nên công tác phòng, trừ sâu bệnh giai đoạn từ nay đến cuối vụ có ý nghĩa quyết định tới hiệu quả sản suất.

Cán bộ bảo vệ thực vật thường xuyên bám đồng, lội ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng dịch hại.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 77.113ha lúa, việc gieo cấy diễn ra tập trung, nhanh, gọn, cơ bản lúa cấy trong khung thời vụ an toàn. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng lựa chọn được một bộ giống lúa chất lượng, đa phần là các giống ngắn ngày, có khả năng chống chịu tương đối với sâu bệnh hại. Đến thời điểm hiện tại, các diện tích lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến, lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/5. Các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo: Năm nay, do nhuận hai tháng tư nên dự báo thời tiết thời gian tới sẽ tiếp tục âm u kéo dài, độ ẩm cao, ít nắng; năm 2020 cũng là năm có rét nàng Bân rất điển hình. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho sâu bệnh hại lúa bùng phát. 

Tại Thái Bình, đến ngày 7/4, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá là 14.710,1ha, trong đó nhiễm rải rác đến 5% (số lá) là 7.924ha, nhiễm nhẹ 5 - 10% là 3.934,3ha, nhiễm trung bình 10 - 20% là 2.135,5ha, nhiễm nặng trên 20% là 708,2ha, cá biệt, có 8,1ha bị lùn lụi. Đáng chú ý, dự báo đợt trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ ra từ ngày 11- 23/4, tập trung từ ngày 15 - 18/4; sâu non nở từ ngày 18/4 đến ngày 1/5, cao điểm từ ngày 20 - 25/4. Ở lứa này, dự báo sâu cuốn lá nhỏ có mật độ rất cao, trung bình khoảng 100 - 150 con/m2, nơi cao khoảng 250 - 300 con/m2, nhiều vùng khoảng 400 - 500 con/m2. Diện tích phải phòng, trừ là 100% diện tích.

Trong bối cảnh cả nước đang căng sức chống dịch Covid-19, công tác chỉ đạo, điều tra, phát hiện và kịp thời phòng, chống dịch bệnh trên lúa xuân tại các địa phương vẫn cần phải được duy trì, không được chủ quan, lơ là, nhằm đạt mục tiêu sản lượng lương thực năm 2020. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung chăm sóc tốt cho diện tích lúa, quản lý tốt nguồn nước và vận dụng linh hoạt ở từng địa phương, từng trà lúa bảo đảm giữ nước khi lúa làm đòng, trỗ bông, phơi ruộng đối với lúa đứng cái để tạo điều kiện cho lúa cứng cây. Tăng cường bón Kaliclorua khi lúa phân hóa đòng, mỗi sào từ 2 - 3kg, không sử dụng đạm đơn, phân qua lá để bón hoặc phun với mục đích nuôi đòng, nuôi hạt làm gia tăng mức độ gây hại của sâu bệnh. Những ngày qua, tranh thủ thời tiết tạnh nắng, nông dân các địa phương đã ra đồng, tổ chức phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn hại lá. Xã Đông Cường (Đông Hưng) là một trong những địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ cao, xuất hiện một số diện tích có biểu hiện lùn lụi. Tranh thủ thời tiết hảnh nắng, bà con nông dân trong xã đang tập trung kiểm tra, theo dõi đồng ruộng và phun thuốc phòng, trừ cho diện tích lúa bị nhiễm bệnh. Bà Nguyễn Thị Tuyết, thành viên HTX DVNN xã Đông Cường cho biết: Theo thông báo của HTX, một số diện tích trên giống nhiễm hoặc quá xanh tốt đang bị nhiễm bệnh đạo ôn lá với tỷ lệ khác nhau. Để phòng, trừ hiệu quả, mấy ngày nay bà con xã viên đều tích cực thăm đồng, sử dụng các thuốc đặc hiệu đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo để phun ngay khi phát hiện vết bệnh. Riêng gia đình tôi có hơn 1 sào cấy bằng lúa nếp bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn lá, những ngày qua, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, gia đình tôi đã mua thuốc về phun trừ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.

Bà Nguyễn Thị Hân, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quỳnh Phụ cho biết: Trong hai ngày 9 - 10/4, nông dân đã tập trung ra đồng phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cho khoảng 3.000ha lúa nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 40% diện tích phun kép 2 lần. Dự báo mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 trên đồng ruộng thời gian tới sẽ rất cao, gấp nhiều lần trung bình các năm trước. Do vậy, Trạm phân công cán bộ tăng cường bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến, phát sinh, phát triển của sâu bệnh ở từng trà, từng vùng để tham mưu với UBND huyện có biện pháp chỉ đạo kịp thời, dự kiến sẽ phát động chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ vào cuối tháng 4. Song song với đó, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động kiểm tra đồng ruộng và áp dụng thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Những ngày qua, cán bộ bảo vệ thực vật ở các địa phương luôn bám đồng, lội ruộng, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng dịch hại làm cơ sở để chỉ đạo phòng, trừ. Tất cả với mục tiêu cao nhất là đồng hành cùng nông dân giành thắng lợi sản xuất vụ xuân năm 2020.

Ngân Huyền