Thứ 5, 07/11/2024, 12:20[GMT+7]

Tỉnh thứ 6 công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp

Chủ nhật, 19/04/2020 | 08:46:21
975 lượt xem
Sóc Trăng là địa phương thứ sáu ở miền Tây công bố tình huống khẩn cấp, với mức độ rủi ro cấp hai, sau Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.

Kênh Rạch Ráng rộng 50 m, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cạn trơ đáy trong đợt hạn mặn, nhiều đoạn trẻ em có thể chạy chơi đùa. Ảnh: Hoàng Nam.

Theo quyết định vừa ban hành, UBND Sóc Trăng yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với hạn mặn, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến hạn mặn trên địa bàn để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ứng phó. Đồng thời, Sở phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các công trình khẩn cấp nhằm ngăn mặn, tăng cường tích trữ nước ngọt đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Các địa phương chú trọng thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp người dân khắc phục thiệt hại.

Đầu tháng 11/2019, nước mặn xâm nhập vào tỉnh Sóc Trăng và kéo dài đến nay. Hiện trên các sông chính trên địa bàn, ranh mặn 4‰ vào sâu hơn 50 km. Hàng loạt kênh mương nội đồng cạn kiệt. Thiên tai hạn mặn gây mất trắng gần 3.500 ha lúa; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng; 26.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt...

Trước đó, 5 tỉnh gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Trong đó Cà Mau, Long An với mức độ rủi ro cấp hai. Hàng loạt các công trình khẩn cấp được thực hiện để đảm bảo an toàn sản xuất và đời sống người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.

Đến nay, hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa ở miền Tây, tập trung tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang. Ngoài ra, hàng nghìn ha vườn cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng; khoảng 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Theo vnexpress.net