Thứ 6, 22/11/2024, 20:13[GMT+7]

Chiếu Hới - dệt từ tâm

Thứ 2, 20/04/2020 | 08:24:18
9,506 lượt xem
Người làng Hới, xã Tân Lễ (Hưng Hà) tự hào có nghề “độc” mà ít nơi có được, ấy là nghề dệt chiếu. Với kỹ thuật vê đay, cải tiến khung dệt, kỹ thuật chế biến cói và dệt các loại chiếu vừa cao, vừa độc đáo, người thợ thủ công làng Hới đã tạo ra những sản phẩm chiếu đặc sắc nổi tiếng khắp vùng.

Một công đoạn dệt chiếu Hới. Ảnh tư liệu

Cách thành phố Thái Bình hơn 40km, du khách đến với xã Tân Lễ (Hưng Hà) sẽ được nghe những câu chuyện kể về vị tổ của nghề chiếu Hới. Chuyện rằng, nguyên trước đây làng Hới (tên tục của thôn Hải Triều), xã Tân Lễ đã có nghề dệt chiếu, nhưng người dân dùng bàn dệt đứng. Do vậy, chiếu dệt ra không được đẹp và chắc. Ở làng ngày ấy có cụ Phạm Đôn Lễ đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi (1481), niên hiệu Hồng Đức thứ 12, đời vua Lê Thánh Tông được cử đi sứ nhà Minh. Ở xứ người, cụ đã học được các kỹ thuật dệt chiếu tiên tiến của Trung Quốc rồi về truyền dạy cho dân làng. Từ đấy chiếu làng Hới dệt ra đẹp hơn, sợi đan đều hơn. Về sau dân làng tôn Phạm Đôn Lễ là tổ nghề dệt chiếu, gọi là Trạng Chiếu và lập đền thờ cụ.


Với truyền thống lâu đời, làng Hới ngày nay vẫn giữ nghề, tạo ra nhiều sản phẩm chiếu nổi tiếng để cung cấp cho khách hàng thập phương. Nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, làng Hới thuận lợi cho việc trồng đay, cói, loại nguyên liệu để dệt thành chiếu. Chị Hà Thị Hương, thôn Hải Triều, xã Tân Lễ chia sẻ: Qua nhiều thăng trầm, người dân vẫn giữ nghề, yêu nghề. Chiếu Hới có đặc điểm là rất đẹp và bền. Cho nên tất cả mọi nơi, từ xa gần đều về quê tôi để mua chiếu về dùng. Dệt chiếu thủ công đòi hỏi người dệt phải bỏ nhiều công sức, thời gian. Người dệt chiếu như đưa cả tâm tình của mình vào từng sợi cói, từng động tác dệt chiếu. Một ngày 2 lao động có khi chỉ dệt được 1 - 2 chiếc. Dệt chiếu cói phải là cói được trau kỹ lưỡng, lựa từng sợi mảnh thanh, dẻo dai. Có như thế khi lên tấm, chiếu mới trắng, bóng mượt.


Nói đến chiếu làng Hới là nói tới sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo nhất của một chiếc chiếu, từ sự cầu kỳ về nguyên liệu đến việc lựa cói rồi lên khung dệt. Chiếu Hới chính là sản phẩm truyền thống của làng và là sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng nhất vùng, không chỉ của Hưng Hà mà vươn ra cả nước. Hiện nay, chiếu Hới có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu trơn, chiếu cạp điều... Đặc điểm nhận dạng chiếu Hới là thợ ở đây dệt hình những bông hoa hồng, hoa sen, chân dung hoặc chữ thọ trên chiếu. Đây là một phương pháp dệt chiếu rất khó đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sáng tạo. Điều đó tạo nên nét độc đáo riêng có của chiếu cói làng Hới luôn được người tiêu dùng và du khách tìm đến. Chiếu Hới được nhuộm thành nhiều màu sắc khác nhau, tùy theo loại chiếu và yêu cầu của khách hàng.  Mỗi năm, người làng Hới ngoài thời gian dành cho đồng ruộng thì họ thường dệt chiếu trong khoảng 8 tháng. Chị Hương cho biết thêm: Ngày trước, người dân thường dệt bằng tay. Kỹ thuật dệt tay làm ra những chiếc chiếu công phu hơn. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra không được nhiều. Giờ người dân chủ yếu đã chuyển sang dùng máy dệt chiếu, năng suất cao hơn, thu nhập của người thợ cũng tăng lên, song kỹ thuật dệt chiếu truyền thống thì vẫn được người thợ làng Hới lưu truyền đến ngày nay, tạo nên nét đẹp vốn có của chiếu làng Hới.


Chiếu Hới bây giờ đa dạng về kích thước, màu sắc, hoa văn. Qua khung cửi thâu mành, người thợ đã cho ra những chiếu cải, chiếu đậu, chiếu đót, chiếu trơn, chiếu cạp điều, sợi xe, chiếu nẩy... Nghề làm chiếu ở xã Tân Lễ đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, mỗi năm làng nghề xuất ra thị trường hàng triệu chiếc chiếu. Chiếu Hới đã giúp nhiều gia đình nơi đây có cuộc sống ổn định, phát triển, làng quê dần thay da đổi thịt. Trải qua nghìn năm thăng trầm cuộc sống nhiều đổi thay, song chiếu làng Hới nay vẫn thế, vẫn bền, vẫn đẹp, nghề dệt chiếu vẫn được người dân giữ gìn, phát triển và hơn cả là những người thợ làng chiếu vẫn đang dệt cả tâm tình của mình để làm nên những chiếc chiếu đẹp cho đời.


Mai Thư