Thứ 5, 07/11/2024, 12:18[GMT+7]

Liên kết “4 nhà” giúp nông dân phát triển sản xuất

Thứ 2, 20/04/2020 | 08:51:19
1,744 lượt xem
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tiền Hải đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất.

Bà Đào Thị Vui, xã Nam Thắng (Tiền Hải) tận dụng hơn 1 sào ruộng nằm xen kẹp của gia đình để trồng cà tím.

Gia đình bà Trần Thị Gái, thôn Tân Hưng 1, xã Nam Thắng có gần 2 sào ruộng. Mọi năm, bà Gái trồng lạc, ớt, ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đầu ra gặp khó khăn do bị thương lái ép giá. Đầu năm 2020, bà tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây cà tím do Hội Nông dân huyện Tiền Hải phối hợp với Hội Nông dân xã Nam Thắng và Công ty Chế biến nông sản Đức Lộc (tỉnh Hải Dương) tổ chức. Sau khi nghe hướng dẫn kỹ thuật từ phía Công ty, bà Gái được hỗ trợ giống cây, hội nông dân huyện, xã hỗ trợ phân bón trả chậm và thuốc bảo vệ thực vật. Bà Trần Thị Gái chia sẻ: Khi tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Công ty cũng ký cam kết thu mua sản phẩm tận vườn với giá 8.000 đồng/kg nên gia đình tôi yên tâm sản xuất. Nếu như năm sau, Hội Nông dân huyện tiếp tục triển khai các chương trình liên kết thì chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia.

Cũng như gia đình bà Gái, bà Đào Thị Vui, thôn Tân Hưng 1, xã Nam Thắng cũng dành hơn 1 sào ruộng xen kẹp giữa khu dân cư của gia đình để trồng cà tím. Theo bà Vui: Cà tím sinh trưởng tốt và dễ trồng, năng suất bình quân đạt từ 800 đến 1.000kg/sào/vụ. Công chăm sóc ít, năng suất cao, lại được công ty thu mua sản phẩm ngay tại vườn nên khi tham gia sản xuất, chúng tôi vừa tận dụng được diện tích vườn lại vừa có thu nhập ổn định.  

Toàn bộ cà tím của gia đình bà Trần Thị Gái, xã Nam Thắng (Tiền Hải) sau khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua tận vườn.

Để thu hút hội viên tham gia mô hình liên kết sản xuất cà tím, Hội Nông dân huyện Tiền Hải phối hợp với Hội Nông dân xã Nam Thắng tổ chức cho hội viên đi tham quan khu chế biến thực phẩm của Công ty Chế biến nông sản Đức Lộc tại tỉnh Hải Dương, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cà tím. Ngoài ra, cán bộ Hội thường xuyên kiểm tra chất lượng cây trồng, sản phẩm thu hoạch nhằm bảo đảm chất lượng nông sản cho doanh nghiệp. Hiện nay, với mỗi sào ruộng, hội viên nông dân xã Nam Thắng trồng từ 500 - 600 cây cà tím.

Ông Vũ Văn Biền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thắng cho biết: Trước kia, nhiều gia đình hội viên có diện tích đất canh tác, vườn tạp nằm xen kẹp giữa các khu dân cư, chủ yếu trồng ngô, lạc, ớt, khoai, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi đưa giống cà tím vào sản xuất, đã có 32 hộ dân đăng ký tham gia sản xuất với tổng diện tích hơn 5,6 mẫu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu sản xuất của hội viên nhân rộng mô hình trồng cà tím, giúp hội viên tăng thêm thu nhập.

Ông Bùi Thanh Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiền Hải cho biết: Từ khi triển khai mô hình liên kết trồng cà tím, hội viên nông dân rất đồng thuận và tích cực tham gia. Hội đã vận động người dân sử dụng quỹ đất xen kẹp, đất vườn canh tác kém hiệu quả để trồng các loại cây màu, cây có giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên. Nhiều hội viên được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nên chủ động tham gia liên kết sản xuất. Không chỉ có mô hình trồng cà tím của Hội Nông dân xã Nam Thắng, Hội Nông dân huyện Tiền Hải còn xây dựng nhiều mô hình, tổ hợp tác chăn nuôi như: Tổ hợp tác chăn nuôi xã Đông Xuyên, mô hình nuôi ốc tận dụng diện tích ao xen kẹp giữa các khu dân cư... Ngoài ra, Hội tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản của nông dân; kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn, giúp hội viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tiền Hải tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng các mô hình liên kết “4 nhà” và hỗ trợ hội viên vốn, giống, khoa học kỹ thuật xây dựng các mô hình trồng trọt, kết hợp tìm đầu ra cho nông sản, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Tiến Đạt