Thứ 6, 10/01/2025, 20:19[GMT+7]

Sức sống một vùng quê

Thứ 3, 21/04/2020 | 08:48:35
2,829 lượt xem
Từ ngàn xưa, vùng đất thuộc Vũ Tiên, Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) đã nổi tiếng giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng đất tốt tươi, dân tình trọng hậu. Trải qua ngàn năm lịch sử, tên gọi của các làng, xã đã có nhiều đổi thay, tên gọi Vũ Thư ổn định từ khi thành lập huyện (năm 1969). Nhiều năm trở lại đây, với vị thế huyện cửa ngõ của tỉnh, Vũ Thư đã năng động vươn lên, tạo dựng diện mạo vùng quê duyên giang trù phú, văn minh.

Người dân Vũ Thư năng động, nhạy bén ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Rạng danh đất võ, đất văn

Vùng đất Vũ Thư ngày nay được hình thành từ xa xưa do sự bồi tụ của những dòng sông lớn cận kề như sông Hồng, sông Trà Lý, tạo thuận lợi cho cư dân bốn phương về khai khẩn, hội cư. Các nguồn sử liệu chính thống, những công trình nghiên cứu công phu của nhiều học giả, trí giả xưa và nay cho thấy nhiều làng cổ của huyện Vũ Tiên, Thư Trì xưa, Vũ Thư ngày nay đã hình thành từ hơn 2.000 năm trước đây. Thuở hồng hoang, các thế hệ cư dân nơi đây bền bỉ đời nối đời san ghềnh lấp trũng, trị thủy, mở làng. Trước kia, cư dân còn thưa thớt, từ thế kỷ thứ X nước Đại Việt độc lập, nhân dân tích cực nạo vét sông, cơi đê, ngăn lũ, thau chua, rửa mặn, dần lập lên những xóm làng đông đúc, cánh đồng trù phú. Được xem là đất võ, có truyền thống quật khởi chống ngoại xâm, áp bức, cường quyền, mỗi khi đất nước có họa xâm lăng, tên người Vũ Thư, đất Vũ Thư đã sớm xuất hiện. Nhiều địa danh còn lưu truyền đến ngày nay như trang Hương Đường (xã Việt Hùng ngày nay), trang Bổng Điền (xã Tân Lập ngày nay) với khởi nghĩa Hai Bà Trưng (thế kỷ I); trang An Để (xã Hiệp Hòa ngày nay) với sự nghiệp dựng nước Vạn Xuân của Lý Bí (thế kỷ VI). Thế kỷ XVIII, thủ lĩnh Hoàng Công Chất (xã Nguyên Xá, Vũ Thư) trở thành lãnh tụ nông dân khởi nghĩa. Đầu thế kỷ XIX, khởi nghĩa của Phan Bá Vành kéo dài suốt 16 năm với nhiều trận chiến ác liệt và thành lũy được xây dựng ở các làng xã Vũ Hội, Việt Thuận, Duy Nhất... Từ khi Pháp xâm lược Việt Nam, Vũ Thư đã kiên cường, quật khởi với những con người lưu truyền trong lịch sử sáng chói của dân tộc ta như Tiến sĩ Doãn Khuê (Song Lãng), Đốc Phước (Hồng Lý), Vũ Ngọc Nhạ (Vũ Hội)... và hàng nghìn người con ưu tú của Vũ Thư đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Không chỉ tinh thông nghiệp võ, từ xa xưa, Vũ Thư còn rạng danh đất học, đất văn. Dưới chế độ khoa cử phong kiến, nhiều dòng họ khoa bảng ở địa phương đời nối đời tỏa sáng như họ Đỗ, họ Doãn (xã Song Lãng), họ Đặng (xã Song An), nhiều làng nổi tiếng là đất học như làng Ngoại Lãng (xã Song Lãng), Hoàng Xá (xã Nguyên Xá), làng Phương Lai (Thư Trì xưa, nay là xã Tân Bình, thành phố Thái Bình), làng An Để (xã Hiệp Hòa)...

Cùng với truyền thống khoa bảng, Vũ Thư còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với những nét văn hóa cổ độc đáo, đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng. Trên 70 lễ hội truyền thống lớn với nhiều tục hay như thi cỗ chay trong hội Lạng, thi thả diều ở hội Sáo Đền, đua trải ở hội Keo... Đặc biệt, Vũ Thư còn là đất chèo với gánh chèo cổ Sáo Đền sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân, gánh chèo nổi danh tứ chiếng. Khí thiêng sông biển với những làng quê sớm trù phú tốt tươi đã tạo nên lớp lớp những thế hệ người con Vũ Thư cần cù lao động, kiên cường, yêu nước và năng động vươn lên xây đời ấm no.

Năng động ngày nay

Từ sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, với vị thế huyện cửa ngõ của tỉnh, Vũ Thư đã năng động vượt lên. Đảng bộ và nhân dân Vũ Thư luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, năng động, sáng tạo vượt mọi khó khăn, thách thức. Đảng bộ huyện mạnh dạn, quyết liệt triển khai những chủ trương, quyết sách phù hợp, đặt ra những mục tiêu, chiến lược lớn về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng an ninh. Dưới sự hiệu triệu của Đảng, nhân dân trong huyện đồng lòng, dốc sức phấn đấu vượt khó vươn lên, giành nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng mảnh đất Vũ Thư giàu đẹp hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư cho biết: Những năm gần đây, Đảng bộ huyện Vũ Thư lãnh đạo đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện những năm qua đạt ở mức 2 con số (năm 2019 đạt 10,8%) và năm sau thường cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng: tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (năm 2019, tỷ trọng ngành nông nghiệp của huyện là 27,48%). 100% trong tổng số 1.035km đường giao thông nông thôn của huyện được cứng hóa; hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân 30/30 xã, thị trấn. Thị trấn Vũ Thư được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại; 29/29 xã của huyện đã về đích nông thôn mới. Huyện Vũ Thư hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Các nét văn hóa đặc sắc, làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống từ ngàn xưa trên địa bàn được huyện quan tâm bảo tồn, duy trì. Truyền thống khoa bảng ở các làng xã được phát huy; công tác giáo dục của huyện được quan tâm và đạt nhiều thành tích toàn diện, chất lượng giáo dục giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, huyện giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện hiện đạt 47,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,91%, hộ cận nghèo 2,65%.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua huyện Vũ Thư đã đoàn kết, đồng lòng, cần cù, năng động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tiếp bước các thế hệ cha anh, dựng xây Vũ Thư trở thành mảnh đất ven sông trù phú, văn minh.

Quỳnh Lưu