Thứ 3, 24/12/2024, 21:10[GMT+7]

Các doanh nghiệp gốm, sứ khó duy trì sản xuất ổn định

Thứ 3, 21/04/2020 | 09:43:14
5,672 lượt xem
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gốm sứ và thủy tinh ở khu công nghiệp Tiền Hải đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và có nguy cơ dừng hoạt động. Hiện nay, các doanh nghiệp đang cần một “đơn thuốc” đặc hiệu để duy trì sản xuất và ổn định việc làm, thu nhập cho hơn 10.000 lao động.

Một số doanh nghiệp gốm, sứ ở Khu công nghiệp Tiền Hải đã phải cắt giảm sản lượng.

Công ty TNHH Gạch men sứ Thanh Hải chuyên sản xuất các mặt hàng sứ vệ sinh, với 190 cán bộ và người lao động. Trước khi có dịch Covid-19, mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc 40.000 sản phẩm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được khiến hàng tồn kho lên tới 30 tỷ đồng, nguyên nhân là cả thị trường trong nước và nước ngoài gần như bị đóng băng vì dịch Covid-19. Nếu tiếp tục duy trì sản xuất với 100% công suất, doanh nghiệp sẽ đối diện mất khả năng thanh toán vì lượng hàng tồn kho quá lớn, chính vì vậy, từ đầu tháng 4 doanh nghiệp đã phải cắt giảm hơn 30% công suất và sản lượng. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp còn gặp thêm một khó khăn khác là thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. 

Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ nguyên liệu sản xuất như trường thạch, thạch cao, z-con, vật tư lò nung và phụ kiện của sản phẩm sứ vệ sinh đều phải nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay chúng tôi không thể nhập khẩu được, nếu vấn đề này không được cải thiện thì doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động sản xuất đến hết tháng 5 vì không còn nguyên liệu.

Không tiêu thụ được, hàng tồn kho tăng lũy tiến và thiếu nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp Thanh Hải cũng là tình trạng chung tại nhiều doanh nghiệp gốm, sứ, thủy tinh ở khu công nghiệp Tiền Hải hiện nay. 

Ông Vũ Trường Sinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và kinh doanh Xuân Sinh cho biết: Dù đã giảm công suất xuống 60%, cho công nhân làm việc luân phiên cách ngày nhưng do thiếu nguyên liệu đầu vào, chúng tôi chỉ cầm cự hoạt động được đến cuối tháng 5. Và đáng lo ngại nhất là hàng triệu sản phẩm không tiêu thụ được sẽ khiến doanh nghiệp kiệt vốn đầu tư. 

Còn ông Vũ Xuyên Khung, Giám đốc Công ty TNHH Pha lê Việt Tiệp chia sẻ: Cắt giảm sản lượng sản xuất đồng nghĩa với việc công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm khiến người lao động không yên tâm tư tưởng gắn bó với Công ty. Nếu phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu hoặc mất nguồn nhân lực biết và giỏi nghề. Nỗi lo của doanh nghiệp cũng là nỗi lo của người lao động trong khu công nghiệp Tiền Hải. 

Ông Trần Văn Hướng, công nhân Công ty TNHH Gạch men sứ Thanh Hải cho biết: Thiếu việc làm, thu nhập của chúng tôi giờ chỉ đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng, giảm gần một nửa so với trước nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân không có việc làm thì chúng tôi rất lo.

Để giữ chân công nhân, 21 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất gốm, sứ, thủy tinh ở khu công nghiệp Tiền Hải đang tìm mọi cách xoay sở, duy trì hoạt động. Một số chủ doanh nghiệp đôn đáo đi tới các khu công nghiệp, doanh nghiệp gốm sứ trong nước thu mua “vét” nguyên liệu về sản xuất; sắp xếp lại quy trình sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Nhưng sự cố gắng của các doanh nghiệp cũng chỉ mang tính chất ứng phó tình thế. Về lâu dài, các doanh nghiệp gốm, sứ, thủy tinh còn lo sản phẩm không đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường. 

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sứ Đông Lâm cho biết: Ngoài khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, không có thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp còn chịu thêm áp lực về giá thành nguyên liệu đầu vào đang ở mức cao, nhất là về khí đốt. Với giá như hiện nay, chi phí cho khí đốt chiếm từ 30 - 35% tổng giá trị cấu thành sản phẩm là mức quá cao. Cũng theo ông Dũng, hiện các doanh nghiệp gốm sứ nước ngoài ở Indonesia sử dụng giá khí là 9,3USD/mmBTU, Trung Quốc là 9,5USD/mmBTU, Thái Lan là 8,6USD/mmBTU đều thấp hơn giá khí mà chúng tôi đang chi trả. Các doanh nghiệp gốm sứ trong nước sử dụng công nghệ than hóa khí thì chi phí chỉ bằng 60 - 65% so với sử dụng khí đốt nên giá thành sản phẩm của họ thấp, có sức cạnh tranh tốt hơn so với chúng tôi. Đây là trở ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp gốm sứ trong việc chiếm lĩnh và phát triển thị trường.

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp gốm, sứ, thủy tinh ở khu công nghiệp Tiền Hải, với những khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm cự được đến hết tháng 5/2020. Hàng hóa bị “đắp chiếu”, không có khả năng thanh toán, các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, hàng nghìn lao động đứng trước nguy cơ không có việc làm. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp khó có khả năng phục hồi sản xuất khi dịch Covid-19 qua đi. Điều các doanh nghiệp mong mỏi lúc này là làm thế nào để có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào; giá một số nguyên liệu sản xuất, trong đó có khí đốt giảm xuống mức hợp lý và tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Nghị định số 41 và Nghị quyết số 42 của Chính phủ mới ban hành đã tháo gỡ khó khăn một phần cho doanh nghiệp song để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp gốm, sứ, thủy tinh ở khu công nghiệp Tiền Hải nói riêng không rơi vào cảnh ngừng hoạt động, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng.

Phan Lợi - Khắc Duẩn

  • Từ khóa