Thứ 6, 03/01/2025, 14:10[GMT+7]

Chỉ thị về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ xuân 2020

Thứ 5, 23/04/2020 | 07:54:08
3,238 lượt xem
Ngày 21 tháng 4 năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ xuân 2020. Nội dung như sau:

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Lúa xuân trên địa bàn toàn tỉnh đang ở giai đoạn phân hóa đòng, các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt; đã có khoảng 300ha lúa trổ bông, dự kiến có khoảng 15.000ha trổ bông trước ngày 5/5/2020, diện tích lúa còn lại sẽ trổ bông tập trung từ ngày 5/5 đến ngày 20/5/2020; đồng thời, tình hình sâu bệnh hại trên lúa xuân có diễn biến rất phức tạp: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn hại cổ bông, bệnh bạc lá, rầy các loại, sâu đục thân... đã và đang phát sinh trên đồng ruộng đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020 sẽ gia tăng mức độ gây hại, nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa xuân nếu không được phòng, trừ kịp thời. Để chủ động phòng, trừ và ứng phó với diễn biến của sâu bệnh hại lúa xuân, bảo đảm kết quả sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2020 và mở rộng diện tích cây màu vụ hè, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tập trung chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, cụ thể và quyết liệt công tác phòng, trừ sâu bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra; trước mắt, tập trung chỉ đạo các địa phương huy động nông dân phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh đạo ôn hại cổ bông theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phát động đợt trừ sâu cuốn lá nhỏ trên toàn bộ diện tích lúa xuân từ ngày 23/4 đến ngày 27/4/2020, kết hợp với phun trừ rầy (đối tượng phòng, trừ, loại thuốc phun, liều lượng thuốc sử dụng, cách phun theo hướng dẫn của ngành chuyên môn); tuyệt đối không có tư tưởng chủ quan để sâu bệnh phát sinh gây hại làm mất mùa, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; các địa phương cần khuyến cáo nông dân không sử dụng đạm đơn bón nuôi đòng nuôi hạt, trong quá trình phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng và phân qua lá để hạn chế sự lây lan của bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh bạc lá ở cuối vụ.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện, thành phố, hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn hại cổ bông để nông dân nhận thức và thực hiện có hiệu quả.

 - Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, phường có diện tích đất nông nghiệp, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng, trừ sâu bệnh kịp thời; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành.

- Tập trung chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất vụ xuân năm 2020. Địa phương nào không chỉ đạo quyết liệt, để các loại sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất lúa thì đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Rà soát diện tích lúa trổ bông trước ngày 25/4/2020, quỹ đất làm cây vụ hè trên đất 2 lúa, chủ động mở rộng các cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ và lợi thế của địa phương; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và các cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm, kịp thời cho nông dân gieo trồng cây vụ hè có hiệu quả.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phân công lãnh đạo và huy động tối đa lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh đạo ôn hại cổ bông và các đối tượng sâu bệnh hại khác...; phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh đến các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình xây dựng chương trình tuyên truyền các giải pháp kỹ thuật phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh đạo ôn...; tiếp tục theo dõi diễn biến của sâu bệnh cuối vụ, đề xuất giải pháp phòng, trừ phù hợp với từng địa phương, trên từng trà lúa.

3. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Thái Bình: Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết không để thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kém phẩm chất lưu hành trên thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng sự phát triển của sâu bệnh để nâng giá thuốc ảnh hưởng đến nông dân.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình cụ thể, tăng thời lượng phát sóng để tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh trên lúa từ nay đến cuối vụ; chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố, hệ thống phát thanh của các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng, tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh đạo ôn và các loại sâu bệnh hại khác, bảo đảm an toàn sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2020.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh đạo ôn hại cổ bông và các đối tượng dịch hại khác bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân năm 2020.

6. Các đồng chí Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành: Được phân công phụ trách huyện, thành phố dành thời gian thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày