Thứ 6, 27/12/2024, 08:15[GMT+7]

Hưng Hà - Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 2)

Thứ 2, 27/04/2020 | 08:26:47
29,538 lượt xem

Đê Đìa, xã Hồng An - nơi Bác Hồ về thăm.

Kỳ 2: Tô thắm trang sử vàng

Anh dũng trong kháng chiến 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, để giữ vững chính quyền cách mạng Đảng bộ huyện Hưng Hà đã tập trung lãnh đạo nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Huyện đã thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược kiến quốc và chuẩn bị kháng chiến, đạt được nhiều thành tích to lớn, nổi bật là thành tích đắp đê chống lũ lụt, tăng gia sản xuất, đẩy lùi nạn đói và chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong 2 năm đầu (1950 - 1951) đã nhiều phen quân địch càn quét đánh phá khủng bố rất ác liệt nhưng mọi sự bắt bớ, cầm tù, giết chóc không làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân Hưng Hà. Đến năm 1952 - 1953, bộ đội huyện và dân quân du kích đã tổ chức nhiều cuộc công đồn phá bốt, diệt và bắt hàng trăm tên địch. Những trận chiến đấu giữ các bốt Đìa, Đào Thành, Thanh Nga hay bốt Buộm, Dốc Văn… đã khiến cho quân Pháp khiếp sợ bỏ bốt tìm đường rút chạy. Một lần nữa quân và dân Hưng Hà ghi tiếp vào trang sử vàng truyền thống khi hòa bình được lập lại ở Hưng Nhân - Duyên Hà trước ngày giải phóng Thái Bình gần một tháng và trước ngày ký Hiệp định Giơnevơ gần 50 ngày. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Hưng Hà đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh 456 trận, tiêu diệt 1.930 tên, bắt sống 670 tên giặc, phá hủy và thu hồi được nhiều khí tài vũ khí phương tiện chiến tranh của địch. Toàn huyện đã có trên 9.600 người gia nhập bộ đội cùng hàng nghìn nam nữ tham gia dân công hỏa tuyến. Ghi nhận những thành tích và công lao to lớn của Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Liên khu Ba đã khen thưởng và phong tặng cho huyện nhiều phần thưởng cao quý. 

Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Hưng Hà đã giành được những chiến công xuất sắc trên mặt trận sản xuất. Năm 1966, dưới làn bom đạn địch, huyện Hưng Hà cùng cả tỉnh đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Từ năm 1965 - 1975, huyện Hưng Hà đã gửi ra tiền tuyến 84.753 tấn thóc, hàng nghìn tấn thực phẩm. Toàn huyện đã tiễn đưa 14.072 thanh niên lên đường vào Nam đánh Mỹ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, viết lên thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Ông Nghiêm Xuân Thố, thôn Vị Giang, xã Chí Hòa (Hưng Hà) cho biết: Tôi là 1 trong 3 đồng chí được kết nạp Đảng sớm nhất của thôn Vị Giang, xã Chí Hòa. Năm nay 73 năm tuổi đảng, với tôi được sống và lao động, chiến đấu dưới sự dìu dắt, lãnh đạo của Đảng là niềm vinh dự. Tôi và nhiều thanh niên thời đó luôn khao khát được cống hiến sức mình để bảo vệ Tổ quốc, một lòng trung thành với Đảng và luôn xác định đã là người lính Cụ Hồ thì phải vượt qua mọi khó khăn, thách thức đi theo con đường Đảng đã lựa chọn.

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế chi viện cho miền Nam, huyện Hưng Hà còn không ngừng chăm lo phát triển văn hóa - xã hội. Đến năm 1974, toàn huyện có 95% số cháu trong đội tuổi vào học lớp 1; 30 trường đạt tiêu chuẩn tiên tiến. Năm 1975, toàn huyện có trên 2.800 người tham gia lớp bổ túc văn hóa; trên 95% trẻ em được tiêm phòng bệnh bại liệt, 64% dân số được tiêm phòng bệnh dịch tả. Trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã đóng góp to lớn với hơn 80.000 người vào bộ đội và thanh niên xung phong tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó trên 6.100 người đã anh dũng hy sinh, 5.000 thương binh, bệnh binh cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc. Huyện Hưng Hà vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến công; 3 Huân chương Lao động và 8 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Nông dân xã Độc Lập (Hưng Hà) phát triển kinh tế.

Tự hào đón Bác về thăm 

Trên đê Đìa, xã Hồng An (Hưng Hà) hôm nay vẫn còn tấm bia đá khắc ghi trận lũ lịch sử năm 1945, làm vỡ 800 mét đê, nhấn chìm một vùng rộng lớn. Cũng chính nơi này, ngày 10/1/1946, Bác Hồ đã về thị sát đê vỡ. 

Ông Trần Hữu Hán, người may mắn được đón Bác về thăm xã Hồng An kể lại: Cuối buổi chiều hôm đó, Bác và phái đoàn Chính phủ về thăm đê Hưng Nhân. Bác lên đê Đìa, ngắm nhìn các làng mạc bị lũ lụt tàn phá. Bác buồn và im lặng hồi lâu, Bác nói: Dân ta đói vì vỡ đê nên phải giải quyết nạn đói cho dân. Cần đắp nhanh những quãng đê bị vỡ, tạo điều kiện cho dân sản xuất, không được để dân đói; dân đói là Chính phủ có lỗi. Bác còn dặn, muốn làm tốt phải dựa vào dân, dựa vào dân là có gạo, có tre... Cán bộ phải gương mẫu làm tốt. Làm sao phải đắp xong đê trước mùa nước. Phải đưa thêm lực lượng lên đê; toàn dân đoàn kết thì việc lớn mấy cũng làm được. 

3 tháng sau, nghe tin nhân dân Hưng Nhân và Mỹ Lộc (Thư Trì) đắp xong hai quãng đê bị vỡ, ngày 28/4/1946, Bác Hồ đã về thăm lần thứ hai. Bác khen thành tích đắp đê và hoan nghênh tinh thần đoàn kết lao động tăng gia sản xuất của nhân dân Hưng Hà, Bác kêu gọi mọi người phải ra sức diệt ba kẻ thù trước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người căn dặn: Hàng năm phải củng cố đê, các cụ già có kinh nghiệm cần chỉ dẫn cho thanh niên biết cách hộ đê. Đắp đê, đồng thời phải đẩy mạnh sản xuất, trồng thêm lúa, màu và cây công nghiệp. Làm theo lời Bác dặn, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng An nói riêng, huyện Hưng Hà nói chung đã đoàn kết một lòng, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Hồng An trở thành xã đầu tiên của huyện Hưng Hà đạt cánh đồng 50 triệu đồng/ha; năm 2010, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. 

Bác về thăm Thái Bình 5 lần thì có 2 lần Người dành tình yêu thương cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà. Đó là động lực để Đảng bộ, nhân dân Hưng Hà phấn đấu xây dựng huyện trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh trên nhiều lĩnh vực.

Mai Thư

(còn nữa)