Thứ 7, 20/04/2024, 18:07[GMT+7]

Vì miền Nam ruột thịt

Thứ 2, 27/04/2020 | 10:41:31
44,209 lượt xem
Tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống, với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dấu chân của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Thái Bình đã in đậm trên các chiến trường đầy bom đạn, thử thách và hy sinh. Họ đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội viên Hội Cựu TNXP huyện Tiền Hải tích cực phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Cứ gần đến ngày 30/4 lịch sử, kỷ niệm về những tháng năm tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước của ông Hoàng Công Ánh, nguyên Đội phó Đội 81 TNXP, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh lại ùa về như chuyện mới hôm qua. 

Ông Ánh cho biết: Phong trào “Ba sẵn sàng” của Đoàn Thanh niên đang ở giai đoạn cao trào, ai cũng tha thiết được gia nhập quân đội hoặc TNXP để thực hiện lý tưởng của thanh niên lúc bấy giờ là lên đường đánh Mỹ. Đăng ký rồi chưa yên tâm, mỗi người còn viết đơn tình nguyện, nhiều người viết bằng máu, yêu cầu cha mẹ cùng ký tên. Chưa đủ tuổi thì khai tăng tuổi, thiếu cân nặng thì nhờ bạn cân thay. Khi được tham gia lực lượng thì mong muốn vào sâu trong chiến trường. Dù gian khổ, hiểm nguy nhưng TNXP vẫn can trường, dũng cảm lập nhiều chiến công. 

Ông Ánh nhớ lại: Giữa năm 1968, Đội 81 nhận nhiệm vụ trên đường 20 Quyết Thắng. Đường dài 124km, có 43km qua núi đá với 970 cua vòng, một bên là triền núi, vách đá cao dựng đứng, một bên là vực thẳm, mỗi mét đường là một trọng điểm. Tối ngày 21/8/1968, Đội 81 nhận được điện khẩn của Sở Chỉ huy Binh trạm 14 (Đoàn 559) giao nhiệm vụ: Địch tập trung đánh phá các trọng điểm đầu đường 20, trong đó có K12 (đỉnh Chà Ang) đã tắc hoàn toàn, Binh Trạm giao cho Đội 81 bằng mọi giá thông đường vào 8 giờ tối ngày hôm sau. “Thông xe đúng giờ G là mệnh lệnh của trái tim” là quyết tâm của cả đơn vị. Trận chiến đấu trên đỉnh Chà Ang diễn ra vô cùng ác liệt, hàng chục chiến sĩ hy sinh, người này ngã xuống người khác xông lên tiếp tục làm nhiệm vụ và đơn vị đã hoàn thành việc thông xe đúng giờ được giao.

Ở các tuyến đường huyết mạch, các nữ chiến sĩ TNXP vừa là những anh hùng nhưng họ cũng là những người con gái. Câu chuyện họ kể rất dung dị, đời thường mà chứa đựng nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường. 

Nhớ lại thời tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Quỳ, cựu TNXP Đại đội 953, Đội 89 xúc động: Tôi trốn bố mẹ đi TNXP đấy chứ. Bố mẹ lên tận chỗ tập trung, đơn vị tìm nhưng tôi không về. Ở chiến trường, chúng tôi thường xuyên phải dùng nước suối đục để nấu cơm ăn, rụng hết tóc vì sốt rét, quần áo luôn ẩm ướt vì mưa rừng kéo dài cả tuần, ghẻ lở, hắc lào là chuyện bình thường... Cái thời mà mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực vẻ đẹp của người con gái, vậy mà vào chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra. Vất vả là thế nhưng cuộc sống tinh thần vẫn vui, vẫn phấn đấu hết mình. Khi đi chiến trường, chúng tôi cuộc đời còn rất trẻ nhưng đều xác định không nghĩ đến gian khổ và sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Giữa nơi ác liệt ấy, tình yêu nảy nở đã tiếp thêm sức mạnh để những người lính, TNXP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Trong chiến tranh, ở những trọng điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt, nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt thì chương trình dạy và học văn hóa tưởng như không thực hiện được nhưng nhờ tinh thần ham học của TNXP và trách nhiệm cao cả của các thầy cô giáo nên việc học tập văn hóa được thực hiện linh hoạt, sáng tạo. 

Bà Nguyễn Thị Kim Muôn, TNXP Đại đội 2671, Đội 267 cho biết: Năm 18 tuổi, tôi là giáo viên tham gia TNXP dạy học cho các chiến sĩ TNXP tại cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Cô giáo bằng, có khi kém tuổi học trò nhưng cũng vì thế mà cô và trò dễ dàng chia sẻ, trao đổi công việc học tập, chiến đấu và cuộc sống. Lớp học là trong hang đá, dưới tán cây rừng; thời gian dạy và học bất kể ngày đêm, lúc nào có thời gian là học. Bảng viết là thành xe, vách núi, bàn học, ghế ngồi được sử dụng từ bất kỳ vật nào có trong chiến trường. Ở tiền phương, nơi rừng thiêng, nước độc, bom cày, đạn xới, tình thầy trò còn thẫm đẫm tình đồng chí, đồng đội, đồng hương. Nhà giáo - TNXP luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ban chỉ huy và toàn đơn vị. Các thầy cô không chỉ dạy học mà còn sẵn sàng trực chiến, san lấp hố bom để thông đường cho những chuyến hàng vào Nam.

Trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt hay trong giai đoạn hòa bình, kiến thiết đất nước, lực lượng TNXP luôn phát huy tính tiền phong, sẵn sàng xông pha trên những điểm nóng của chiến trường, những vùng đất mới, nơi khó khăn nhất với tinh thần “việc gì khó có thanh niên”. Những đóng góp đó đã xây dựng nên những trang vàng lịch sử chói lọi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thư gửi các đội viên TNXP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.

- Giai đoạn 1965 - 1975, Thái Bình có 34.258 thanh niên đi TNXP chống Mỹ cứu nước, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường.

- Góp phần cùng cả nước đánh Mỹ, ở hậu phương Tổng đội TNXP Thái Bình có 2.500 đội viên được biên chế ở 22 đại đội phục vụ yêu cầu của các lực lượng chiến đấu, bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi.

- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: gần 500 TNXP đã anh dũng hy sinh, trên 3.000 người bị thương tật và nhiễm chất độc hóa học, 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có con là liệt sĩ TNXP. Nhiều đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.



Ông Tô Hữu Tặng, TNXP Đại đội 932, Đội 93

Trong những tháng ngày ấy, chúng tôi chỉ mới mười tám đôi mươi nhưng nhiệt huyết cách mạng luôn sôi sục. Khó khăn, gian khổ, bom đạn không làm chúng tôi sờn lòng mà luôn hướng đến chiến thắng. Những chuyến xe tải đạn, lương thực được TNXP nhanh chóng đưa ra chiến trường; những cây cầu, con đường được bảo vệ, sửa chữa... Tất cả vì mục đích cao cả là hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà. TNXP là trường học lớn, tôi luyện, giúp chúng tôi vững bước trưởng thành.
 
Ông Lê Hồng Tư, TNXP Đại đội 891, Đội 89, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Tiền Hải

Hiện nay, cựu TNXP dù tuổi cao, sức yếu, nhiều người chống chọi với bệnh tật, di chứng chiến tranh nhưng vẫn giữ vững tinh thần “trẻ xung phong, già mẫu mực”. Các cựu TNXP tích cực thực hiện các phong trào thi đua do tổ chức hội và địa phương phát động, trong đó nổi bật là phong trào thi đua “Cựu TNXP nêu gương sáng làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, vì nghĩa tình đồng đội.


Phương Chi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày