Thứ 6, 27/12/2024, 18:11[GMT+7]

Thường trực Chính phủ họp ứng phó dịch Covid-19

Thứ 4, 29/04/2020 | 08:44:03
1,180 lượt xem
Ngày 28-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành T.Ư, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến thời điểm này, nước ta cơ bản đẩy lùi Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân, không có người tử vong. Chúng ta vẫn còn nguy cơ, nhưng có phương thức chỉ đạo cụ thể, phác đồ điều trị cần thiết, được quốc tế và người dân trong nước đánh giá cao. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đặc biệt những người làm công tác phòng, chống dịch (PCD). Lúc này chưa phải là quá căng sức nhưng không phải là lúc "xả hơi". Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các chiến lược đã đề ra; kiên quyết ngăn chặn dịch xâm nhập, phát hiện sớm, khoanh vùng, điều trị, dập dịch. Trên phạm vi cả nước có nguy cơ thấp, không có ca nhiễm cộng đồng, nhưng việc tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 19/CT-TTg phải được quan tâm. Trong kỳ nghỉ kéo dài tới, chính quyền địa phương tiếp tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người; bảo đảm kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 lành mạnh, an toàn cho người dân; bảo đảm an toàn giao thông; riêng hệ thống phòng bệnh tiếp tục hoạt động 100%, tiếp tục xét nghiệm, phát hiện sớm những đối tượng nghi nhiễm, nhanh chóng kiểm tra.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), đơn vị tích cực tham gia nghiên cứu, sản xuất các loại vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế. Về việc sửa Nghị quyết 20/NQ-CP, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, các loại thuốc điều trị và vật tư y tế; tạo điều kiện tối đa, khuyến khích cho các DN xuất khẩu, bảo đảm chất lượng khẩu trang, Bộ Công thương bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất khẩu trang, bảo đảm cơ số dự phòng trong nước. Thực hiện việc mua sắm thuốc theo diễn biến dịch bệnh. Các địa phương có một cơ số dự phòng chống dịch. Các đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có nhiều mẫu xét nghiệm thì cần đặt hàng các đơn vị đủ năng lực.

Tổ công tác bốn người (gồm các Bộ Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng) có giải pháp cụ thể, đồng bộ đưa người Việt Nam đang kẹt ở nước ngoài, nhất là người già, trẻ em về nước an toàn, có cách ly. Đồng ý phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà quản lý, nhà đầu tư vào Việt Nam. Các ngành, địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài. Các công ty, DN, xí nghiệp nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, khởi động tích cực, tăng tốc phát triển kinh tế ở những lĩnh vực có hệ số an toàn cao trên cơ sở có phương án phòng dịch, dập dịch nhanh nếu xuất hiện. Tinh thần lớn là quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép với vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Điều quan trọng là giữ ổn định phát triển kinh tế - xã hội, kể cả dịch vụ. Chủ tịch UBND các địa phương xem xét cụ thể nới lỏng một số ngành nghề khác để phát triển kinh tế địa phương. Chính quyền địa phương, cơ sở, DN mở cửa du lịch trong nước từ ngày 30-4 với điều kiện không tổ chức các đoàn tour quá đông; chấp hành đeo khẩu trang. Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường quán triệt Luật Phòng chống dịch bệnh, Chỉ thị 19, bảo đảm an toàn giao thông...

Phần lớn các cơ sở sản xuất đã được sản xuất trở lại, nhất là công trường, xí nghiệp, nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu, hàng thiết yếu. Các khu đô thị, khu công nghiệp, chợ, siêu thị có mật độ giao lưu lớn có sự kiểm soát, đôn đốc PCD. Các địa phương và ngành giáo dục lưu ý bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, bảo đảm an toàn cho học sinh. Đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp để truy vết, khoanh vùng kịp thời khi phát hiện nguy cơ lây các ca xâm nhập. Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an cùng các địa phương có phương án giám sát y tế người nước ngoài vào Việt Nam. Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ Y tế cùng các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát y tế đối với người Việt Nam về qua đường mòn, lối mở. Bộ Quốc phòng, các địa phương cải thiện có sở vật chất các khu cách ly để sẵn sàng đón người Việt Nam ở nước ngoài về cũng như đề phòng các tình huống khác. Bộ Giao thông vận tải căn cứ tình hình dịch và nhu cầu đi lại của nhân dân để tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa, tàu hỏa, ô-tô..., bảo đảm số chuyến, không để bị dồn ứ. Các địa phương phải chủ động đề ra biện pháp PCD phù hợp tình hình địa phương mình; cân nhắc không áp dụng các biện pháp cao hơn yêu cầu của Thủ tướng để tạo điều kiện cho thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng lưu ý, các địa phương cả nước ngăn chặn tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm thiết bị y tế, nếu phát hiện thì phải xử lý nghiêm. Các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế phải bảo đảm chất lượng, uy tín quốc gia.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến nay, chúng ta đã xét nghiệm khoảng 212 nghìn mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc Covid-19, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới. Bộ sinh phẩm này của Việt Nam đã được Vương quốc Anh công nhận chất lượng và được bán tự do tại 27 nước châu Âu. Cả nước hiện có 112 phòng xét nghiệm Realtime - PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27 nghìn mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu).

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày