Thứ 6, 22/11/2024, 11:19[GMT+7]

“Ý Đảng - lòng dân” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ 4, 29/04/2020 | 08:58:29
55,718 lượt xem
Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) đã để lại cho dân tộc ta nhiều bài học vô giá. Thắng lợi đó là thành quả của một loạt nhân tố nhưng nguồn gốc của mọi nhân tố chính là Trung ương Đảng, cấp ủy các địa phương trong cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng đã luôn quan tâm xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn (tháng 8/1964) sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến; gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Rất nhiều người con ưu tú của quê hương đã ghi những mốc son chói lọi như đồng chí Bùi Quang Thận cắm lá cờ chiến thắng của quân đội ta trên nóc dinh Độc Lập - thủ phủ của ngụy quyền Sài Gòn, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Anh hùng phi công Phạm Tuân, người đầu tiên bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ và trở về an toàn...

Những thắng lợi Đảng bộ và nhân dân Thái Bình giành được trước hết là do đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Đảng bộ Thái Bình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, triển khai kịp thời, vận dụng sáng tạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ của địa phương. Đặc biệt, cấp ủy tỉnh và các địa phương đã nắm vững và vận dụng 3 cuộc cách mạng vào sản xuất nông nghiệp thắng lợi. Ngày ấy, nhiều phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước được phát động rộng khắp trong toàn tỉnh, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với tinh thần thi đua lao động quên mình của các tầng lớp nhân dân như: “Hướng ra chiến trường xây dựng nhiều cánh đồng cao sản”, chỉ tiêu 4 - 5 tấn/vụ và 9 - 10 tấn/năm/ha gieo trồng với tên “Cánh đồng Quảng Trị kiên cường”, “Một tài hai giỏi”, “Lắp thêm máy móc phục vụ nhân dân”, “Lao động cộng sản”, “Ngày làm thêm việc, buổi làm thêm giờ”... 

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân (Vũ Thư) cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã thực hiện đúng đường lối dân vận, dựa vào dân, tin dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân để tổ chức thực hiện các phong trào cách mạng. Dù là phận liễu yếu đào tơ nhưng khi Tổ quốc cần chúng tôi luôn sẵn sàng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Thanh niên có “Ba sẵn sàng” thì phụ nữ có “Ba đảm đang”, chắc tay cày, vững tay súng bảo vệ xóm làng, dầm mình trên khắp các công trường thủy lợi khơi thông nước vào đồng, thi đua làm ra nhiều lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến.

Trong tư tưởng chỉ đạo, Đảng bộ tỉnh luôn nêu cao tinh thần phấn đấu vươn lên, không chủ quan, thỏa mãn với những thành tích đã đạt được; nghiêm khắc, thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục; luôn kết hợp nhiệm vụ trước mắt với nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; làm bước trước, có ý thức chuẩn bị cho bước sau, như việc xây dựng các kế hoạch về kinh tế, việc đầu tư vốn, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và việc chuyển hướng hoạt động kinh tế từ thời bình sang thời chiến và từ thời chiến sang thời bình. Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng việc cải tiến phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đi sâu, đi sát, nắm chắc cơ sở, nghiên cứu thực tiễn, chỉ đạo điển hình; đồng thời, quan tâm xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền, các tổ chức quần chúng vững mạnh. 

Hòa mình trong không khí thi đua của các hội quần chúng, bà Nguyễn Thị Chưởng, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) nhớ lại: Thời kỳ đó, miền Bắc vừa làm nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa thi đua sản xuất để đủ lương thực chi viện cho miền Nam. Thanh niên khỏe mạnh đã lên đường vào Nam chiến đấu, ở miền Bắc chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ em nên mọi hoạt động sản xuất đều do phụ nữ gánh vác. Không những thế, giặc Mỹ liên tục đánh phá miền Bắc nên hoạt động sản xuất bắt đầu từ 3 giờ sáng hàng ngày, máy bay Mỹ đến thì tránh, chúng đi thì chúng tôi lại ra đồng. Dù gian khó, hiểm nguy nhưng ai cũng cố gắng làm việc bằng hai, bằng ba sức mình để sản xuất ra nhiều lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh có mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng, thể hiện ở những chủ trương, phương hướng của Đảng bộ, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nên được quần chúng tin tưởng. Đảng bộ tỉnh còn luôn quan tâm đến việc quán triệt mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong quần chúng; biến mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước thành hành động cách mạng của quần chúng. Nhiều tổ chức đảng thực hiện tốt việc dân chủ bàn bạc với quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng trong khi thi hành nghị quyết và tự phê bình trước quần chúng để xây dựng tổ chức đảng đồng thời giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ Thái Bình luôn phát huy truyền thống đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong mỗi cấp ủy và tinh thần chiến đấu dũng cảm, không sợ gian khổ, hy sinh. Chính yếu tố này đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh lao động quên mình để xây dựng quê hương và chi viện cho tiền tuyến. Khi có lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lệnh động viên của Trung ương, quân và dân Thái Bình đã đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thống nhất ý chí, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng 30/4/1975.


Ông Hồ Quang Sáng, 74 tuổi, 50 năm tuổi đảng, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, song song với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, củng cố hậu phương vững mạnh đáp ứng yêu cầu của cách mạng, công tác xây dựng Đảng được các cấp ủy đảng xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là động lực thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đạt được thắng lợi. Cán bộ, đảng viên đều nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tuyên truyền, giáo dục nhân dân; gương mẫu đi đầu thực hiện các nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Lãnh đạo thường xuyên sâu sát cơ sở; cán bộ chỉ đạo và tổ chức phong trào gần dân, hiểu dân, tích cực tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ bí mật. Công tác phát triển đảng viên được cấp ủy các cấp rất quan tâm. Đối tượng kết nạp Đảng cơ bản là lực lượng trẻ, lực lượng nữ, lao động trực tiếp tại địa phương. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng đều là những người thật ưu tú đồng thời phải trải qua thời gian thử thách khá dài.

Bà Phạm Thị Gia, 70 tuổi, 40 năm tuổi đảng, thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các đoàn thể khác, tổ chức hội của phụ nữ được hình thành và thu hút hầu hết chị em ở địa phương tham gia. Hàng ngày, chị em cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau lao động. Ngày ấy, phong trào “Ba đảm đang” được hội phụ nữ xây dựng thành cao trào thi đua. Khí thế thi đua rất sôi nổi. Ban ngày, chị em tích cực tham gia lao động sản xuất, thực hiện “đường cày đảm đang”, “cấy chăng dây thẳng hàng”, lấy bèo hoa dâu về ủ làm phân bón cho lúa, chăn nuôi lợn cân cho hợp tác xã, tham gia đào giao thông hào dọc làng... Không chỉ tích cực trong lao động sản xuất, hội viên phụ nữ còn hăng hái tham gia lực lượng dân quân tự vệ, tích cực luyện tập quân sự, bảo vệ trị an thôn xóm, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, chị em luôn bám sát khẩu hiệu “địch đánh một, ta làm mười”, “địch đánh ban ngày, ta sản xuất ban đêm”, tất cả đều làm việc quên thời gian, quên cả sự mệt mỏi chỉ với mục tiêu làm sao sản xuất được nhiều thóc lúa chi viện cho chiến trường miền Nam.


Mạnh Cường - Đào Quyên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày