Thứ 6, 22/11/2024, 12:02[GMT+7]

Phát huy dân chủ- Động lực phát triển

Thứ 6, 01/05/2020 | 09:00:45
49,606 lượt xem
Từ cách đây hàng nghìn năm, người dân Thái Bình đã sớm hình thành ý thức dân chủ. Trải qua bao thế hệ, ý thức dân chủ được kế thừa và phát huy, trở thành một trong những truyền thống quý báu của người dân Thái Bình, là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất và người Thái Bình trong suốt những năm qua.

Diện mạo nông thôn mới thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ).

Từ thuở ban sơ, trên mảnh đất Thái Bình, người dân từ các hướng đổ về đã tự mình đứng lên khai hoang, lập làng, cải tạo thiên nhiên biến mảnh đất sình lầy, lau lác, hoang sơ thành mảnh đất trù phú, màu mỡ. Cho đến khi hình thành nhà nước Văn Lang, hay suốt thời kỳ Bắc thuộc, người dân Thái Bình vẫn làm chủ được ngôi làng của mình; giữ được văn hóa, phong tục, tập quán không bị đồng hóa. Và trong suốt chiều dài phong kiến, ý thức dân chủ của người dân Thái Bình được thể hiện mạnh mẽ qua hệ thống các hương ước, quy ước, tục lệ của làng. Tiêu biểu cho truyền thống dân chủ của người dân Thái Bình là các cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại chính quyền phong kiến phản động, trong đó phải kể đến hai cuộc khởi nghĩa nông dân của Hoàng Công Chất và Phan Bá Vành. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tiếp nối truyền thống dân chủ của cha ông, hàng vạn người con ưu tú của quê hương đã tình nguyện lên đường đi đánh giặc. Những người ở hậu phương vừa sản xuất, vừa chiến đấu viết nên bài ca năm tấn đầu tiên của cả nước.

Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã tập trung thực hiện chương trình “điện, đường, trường, trạm”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng quá sức dân; quá trình quản lý tài chính, ngân sách ở địa phương thiếu dân chủ; một số cán bộ xã có sai phạm trong sử dụng các nguồn thu của dân, dẫn đến tình trạng nhân dân khiếu kiện, gây mất ổn định về chính trị. Từ “điểm nóng” về mất ổn định chính trị, Thái Bình được Trung ương chọn làm điểm để nghiên cứu, ban hành Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã đi vào ổn định. Không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong đời sống xã hội ở cơ sở từng bước được mở rộng. Các quyền dân chủ của nhân dân không ngừng được nâng lên. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương ngày càng được củng cố. Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được đặc biệt coi trọng. Hầu hết các địa phương đã xây dựng các quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung công khai theo quy định; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân tham gia vào chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn xã, phường, thị trấn; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố… Việc tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Thái Bình trở thành điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, cơ chế, các nguồn lực, các khoản huy động đóng góp của nhân dân; việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh, tiến hành nghiệm thu các công trình hoàn thành bảo đảm nghiêm túc, đúng tiến độ. Nhân dân được thảo luận, bàn bạc, tham gia ý kiến và thống nhất xây dựng phương án, đề án chỉnh trang đồng ruộng, việc thu các loại quỹ, phí, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện để nhân dân phát huy trí tuệ, chung tay, góp sức tham gia xây dựng NTM. Do thực hiện tốt việc công khai, dân chủ các nội dung trong xây dựng NTM nên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đạt kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tổng nguồn lực xây dựng NTM từ năm 2011 đến nay ước đạt 22.236 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có sự thay đổi vượt bậc. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 9,91%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,55 triệu đồng thì đến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,66%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 45,648 triệu đồng.

Phát huy truyền thống dân chủ và nhớ lời Bác dạy: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” Thái Bình đã, đang và sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần làm chủ của nhân dân để xây dựng Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.


Ông Bùi Mạnh Hà, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương

Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, trên cơ sở bám sát phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Người dân được tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng… Từ đó tạo ra dân chủ thực sự trong nhân dân, quyền làm chủ của người dân được phát huy tối đa, vì vậy trong những năm qua, nhân dân trong xã đã tự nguyện góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng NTM. Sau khi về đích NTM năm 2013 (trước 2 năm so với kế hoạch), xã tập trung nâng cao các tiêu chí đã đạt được phấn đấu xây dựng thành công NTM kiểu mẫu. Đến nay, xã chỉ còn tiêu chí hộ nghèo chưa đạt (hiện còn 0,82%, theo quy định xã NTM kiểu mẫu không có hộ nghèo, trừ đối tượng xã hội).

Ông Phạm Tiến May, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ

Sự kiện những năm 1997 - 1999 trên địa bàn huyện luôn là bài học đắt giá để các cấp ủy, chính quyền rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Rút kinh nghiệm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thôn luôn đề cao phát huy dân chủ để tạo lòng tin ở nhân dân. Khi nhân dân tin tưởng vào Chi bộ, vào sự lãnh đạo của Chi bộ thì các nghị quyết của Chi bộ đề ra mới có thể dễ dàng đi vào cuộc sống và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ vậy, trong những năm qua thôn Sơn Đồng đều đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, đặc biệt là trong xây dựng NTM. Trong 5 năm qua, thôn đã triển khai xây dựng được nhiều công trình như: nhà văn hóa, cổng làng, nhà truyền thống, đường giao thông nội đồng và liên thôn với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con trong thôn. Đời sống của người dân nhờ vậy không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Bà Trần Thị Mau, Bí thư Chi bộ thôn Tân Dương, xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà

Chi bộ thôn Tân Dương có 29 đảng viên. Những năm qua, Chi bộ luôn lãnh đạo thôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Đạt được kết quả đó là do Chi bộ đã phát huy tốt dân chủ trong Đảng. Trước mỗi buổi sinh hoạt hàng tháng, Ban Chi ủy đều tiến hành họp để thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của Chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ của tháng tiếp theo; xác định những nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận, biểu quyết tại Chi bộ, nhất là những vấn đề mới nổi lên có tính cấp bách ở địa phương để Chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Trong mỗi buổi sinh hoạt, Ban Chi ủy đều khuyến khích, tạo điều kiện để các đảng viên tham gia phát biểu ý kiến. Do được bàn bạc thấu đáo, phát huy được trí tuệ tập thể nên mỗi chủ trương, nghị quyết của Chi bộ khi được ban hành đều nhanh chóng đi vào cuộc sống, hiệu quả công việc vì vậy được nâng cao. Ngoài ra, Chi bộ thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong Đảng, từ đó xây dựng tập thể Chi bộ đoàn kết, thống nhất lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày