Thứ 4, 15/01/2025, 16:51[GMT+7]

Hệ thống y tế Nhật Bản đối mặt nguy cơ sụp đổ vì dịch Covid-19

Thứ 2, 04/05/2020 | 08:04:55
1,374 lượt xem
Các chuyên gia Nhật Bản lo ngại, việc sụp đổ hệ thống y tế đã đến giai đoạn gần nhất nếu không có những biện pháp mạnh mẽ.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei)

Cũng như các nước khác trên thế giới, Nhật Bản đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Mặc dù chính phủ và người dân đang nỗ lực chiến đấu với bệnh dịch, nhưng những gì thực tế cho thấy, dịch bệnh đã ảnh hưởng quá sức tưởng tượng. Có bệnh nhân đã bị 110 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận.

Tỷ lệ tự sát tăng

Từ đầu năm tới nay, tình hình dịch Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh hàng ăn, vui chơi giải trí.

Đêm 30/4 vừa qua, cảnh sát quận Nerima, Tokyo đã xác nhận một người đàn ông chủ cửa hàng ăn đã tử vong. Nguyên nhân xác định là do người đàn ông này đã sự sát bởi cửa hàng phải đóng cửa lâu ngày do dịch Covid-19.

Nhật Bản vốn là quốc gia có tỷ lệ tự sát khá cao trong khu vực và thế giới. Trong cú sốc Covid-19 này, nước ngày đang lo ngại những trường hợp tự sát như người đàn ông trên sẽ gia tăng.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Fujii thuộc trường Đại học Kyoto, tình hình trong nước sau dịch có nhiều bi quan với tăng trưởng kinh tế giảm sâu, số người thất nghiệp, tự sát bởi hoạt động kinh tế đình trệ tăng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản năm 2020 giảm khoảng 14,2%, tỷ lệ thất nghiệp dao động từ 6-8,4%. Số người tự sát có khả năng tăng tới gần 40.000 người. Mọi chỉ số lạc quan đều giảm.

Theo Cục cảnh sát và Bộ Y tế và Lao động, số người tự sát cao nhất trong lịch sử Nhật Bản là năm 2003 với 34.427 người. Tình hình dịch bệnh nếu kéo dài, con số này sẽ khó tưởng tượng.

Bệnh viện từ chối bệnh nhân

Bệnh viện vốn là nơi hy vọng lớn nhất đối với bệnh nhân. Nhưng trong bối cảnh số người nhiễm tăng nhanh, lây nhiễm tập thể thường xảy ra tại chính các bệnh viện, do đó, bệnh viện quá tải đã không thể tiếp nhận các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus.

Đài NHK dẫn số liệu của chính quyền thủ đô Tokyo cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 1-18/4, có khoảng 1.390 bệnh nhân cấp cứu nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 đã bị từ 5 bệnh viện trở lên từ chối, hoặc buộc phải đợi hơn 20 phút mới tìm được điểm đưa đến cấp cứu. Tình trạng như vậy là nhiều gấp 4 lần so với bình thường, khi mà chỉ có khoảng 20 trường hợp như vậy xảy ra mỗi ngày. Một bệnh nhân thậm chí còn bị đến 110 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận. Đây là một con số nhiều đến ngỡ ngàng và hầu như chưa có trường hợp nào như vậy.

Bác sĩ Harada Fumiue làm việc tại một phòng khám ở Tokyo. Ông đến khám định kì tại nhà cho một cụ ông ngoài 80 tuổi vào sáng ngày 10/4. Bệnh nhân không sốt nhưng cụ bị mất nước và không muốn ăn uống gì. Bác sĩ Harada quyết định đưa cụ đến một bệnh viện gần đó, nơi cụ từng làm phẫu thuật. Cụ được chẩn đoán nhiễm virus và lập tức được cách ly, dự kiến sẽ nhập một bệnh viện để điều trị. Nhưng gần như tất cả các bệnh viện đều từ chối. Gần 1 ngày sau cụ mới được 1 bệnh viện tiếp nhận để điều trị. Nhưng đây vẫn là trường hợp may mắn.

Hệ thống y tế đối diện nguy cơ sụp đổ

Trên toàn Nhật Bản, có khoảng 11.000 giường bệnh được trang bị để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Tổng số bệnh nhân nội trú ít nhất là 6.600 người.

Theo số liệu của NHK công bố, có 6 tỉnh thông báo rằng hơn 80% số giường bệnh đã kín. Trong số đó có Tokyo, Osaka, Hyogo và Ishikawa, là những nơi mà chính phủ xác định là “các tỉnh trong tình trạng báo động đặc biệt”. Hai tỉnh khác là Kyoto và Okinawa.

Giới chức chính quyền các tỉnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt khẩu trang y tế và các đồ bảo hộ cá nhân khác, cũng như thiếu nhân viên y tế. Đặc biệt, có nhiều bệnh viện ở Tokyo đang trở thành ổ dịch với hàng chục bác sĩ, y tá nhiễm bệnh.

Do đó,  để tăng khả năng tiếp nhận bệnh nhân nặng của các bệnh viện, chính quyền Tokyo đã bắt đầu chuyển bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng sang các khách sạn. Tại đây, các điều dưỡng viên trực 24/24, và ban ngày có một bác sĩ theo dõi bệnh nhân. Nhưng đã có những trường hợp nặng lên và việc xử lý khó có thể kịp thời, đảm bảo tính mạng.

Hơn 90% bệnh nhân nhiễm bệnh tại Tokyo, nhập viện không có triệu chứng nghiêm trọng.

Tại các địa phương khác như Hokkaido, Osaka, Kanagawa… hệ thống bệnh viện cũng trở nên quá tải. Các cuộc gọi đến bệnh viện dần tăng, nhưng được nhập viện cũng không hề dễ dàng. Các chuyên gia Nhật Bản lo ngại, việc sụp đổ hệ thống y tế đã đến giai đoạn gần nhất nếu không có những biện pháp mạnh mẽ.

Chính phủ dồn tổng lực chống dịch

Để chống dịch, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã dồn tổng lực. Trước tiên, tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 đang được áp dụng trên toàn quốc. Dự kiến mùng 6/5 tới sẽ kết thúc và ngay lập tức sẽ kéo dài thêm 1 tháng.

Thủ tướng Abe cho biết rằng hệ thống y tế của Nhật Bản hiện đang trong tình trạng rất căng thẳng. Ông hối thúc người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa và nỗ lực giảm 80% tiếp xúc xã hội để giảm nhẹ gánh nặng và bảo vệ sinh mạng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã phát khẩu trang miễn phí, dự kiến trong tháng 5 và 6/2020 sẽ phát hết tiền hỗ trợ cho mỗi người 100.000 Yên (tương đương 20 triệu đồng). Đối với các doanh nghiệp, chính phủ cũng đã nhiều lần tung gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng nhằm duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại các địa phương, mỗi doanh nghiệp ngừng sản xuất sẽ được nhận khoản hỗ trợ từ 300.000-500.000 Yên, tùy thuộc vào khả năng tài chính của địa phương đó. Ngoài ra ngân hàng cũng giảm lãi xuất, giãn thời gian đáo hạn cho các doanh nghiệp.

Người dân Nhật Bản cũng hợp tác chặt chẽ với chính phủ khi hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, nhằm giảm lây nhiễm. Đây là giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, cùng với nỗ lực của người dân, dịch bệnh sẽ được khống chế, cuộc sống sẽ bình an trở lại./.

Theo vov.vn