Thứ 5, 07/11/2024, 14:24[GMT+7]

Ngành Nông nghiệp: Chuyển dịch để thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ 4, 06/05/2020 | 08:09:33
4,378 lượt xem
Với 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, Thái Bình có nhiều lợi thế về tài nguyên đất đai, nước, giao thông thủy và nuôi trồng, khai thác thủy sản..., tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Thái Bình cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai bất lợi như bão, úng lụt, triều cường... Trong đó, ngành Nông nghiệp liên quan tới 75% dân số là ngành chịu tác động mạnh mẽ, nặng nề bởi thiên tai và BĐKH.

Chăn nuôi đại gia súc là hướng đi mới trong cơ cấu lại ngành chăn nuôi.

Diễn biến rõ nét của BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, xâm nhập mặn, sâu bệnh: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, các bệnh khô vằn, bạc lá, lùn sọc đen... ngày càng phát sinh với mật độ cao trên diện rộng làm thiệt hại mùa màng, gây áp lực lớn cho sự phát triển nông nghiệp. Thực trạng trên buộc ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương không ngừng nỗ lực tìm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các giải pháp kỹ thuật theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH. 

Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ gieo cấy, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chỉ đạo nông dân sử dụng 100% các giống ngắn ngày, giống chịu mặn, úng; điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ phù hợp với những thay đổi về thời tiết, khí hậu so với quy luật cũ nhằm hạn chế tác động của thiên tai, sâu bệnh như: vụ xuân tập trung hầu hết vào trà xuân muộn, vụ mùa sử dụng giống lúa ngắn ngày và gieo cấy sớm để tiết kiệm được nguồn nước tưới, tránh thiên tai, giảm tác hại của sâu bệnh cuối vụ. Nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính: thâm canh lúa cải tiến, áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống xác nhận, giảm phân đạm, giảm giống, giảm nước, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lao động và tổn thất sau thu hoạch). Đặc biệt, từ năm 2017, Thái Bình được tiếp nhận dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính” do Tổ chức phát triển Hà Lan SNV phối hợp thực hiện, nhiều phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực nghiệm và kiểm định quốc tế từ đó nhân rộng ra các địa phương, góp phần tích cực thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong canh tác lúa truyền thống.

Đối với chăn nuôi, xác định rõ những loại con vật nuôi chủ lực, sớm hoàn thiện quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi công nghệ cao; xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ chăn nuôi thích ứng với BĐKH; cơ cấu lại ngành chăn nuôi.

Trước đây gia đình ông Đỗ Văn Trường cùng nhiều hộ dân khác ở thôn Lộng Khê 5, xã An Khê (Quỳnh Phụ) có diện tích canh tác tại bãi bồi ven sông Luộc chủ yếu cấy lúa và trồng các loại cây màu nhưng do đất trũng nên năng suất cây trồng không cao. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tập trung, ông Trường mạnh dạn tham gia và vay vốn đầu tư cải tạo đất đai, xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. 

Ông Đỗ Văn Trường cho biết: Sau một thời gian chăn nuôi lợn không ổn định, tôi chuyển sang nuôi bò thương phẩm, tận dụng nguồn phế phụ phẩm dồi dào tại địa phương. Hiện gia đình tôi nuôi 35 con bò, trong đó 20 con bò giống sinh sản. Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, tôi sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải của bò, qua đó đã giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường; tiết kiệm chi phí, giảm công lao động; đàn bò nuôi trong môi trường bảo đảm nên sinh trưởng thuận lợi. Chất thải sau khi được xử lý trở thành phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng. Nhờ áp dụng công nghệ đệm lót sinh học, tôi thu về 20 triệu đồng từ bán chất thải mỗi lần vệ sinh chuồng trại.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, BĐKH đã và đang tác động trực tiếp lẫn gián tiếp: làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, hư hỏng cơ sở hạ tầng, thất thoát vật nuôi, thay đổi năng suất, sản lượng, chi phí sản xuất... Để giảm thiểu các rủi ro do BĐKH đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi, xây dựng một số mô hình: nuôi cá hồng Mỹ thương phẩm thích ứng với BĐKH, nuôi tôm sú xen với cá đối mục trong đầm nước lợ để cải thiện môi trường trong ao nuôi, mô hình nuôi cá rô phi theo hướng VietGAP... Nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu từ thức ăn dư thừa, bùn thải ao nuôi, vì vậy, các đơn vị trong ngành đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản cải tiến công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và quản lý hiệu quả vật tư đầu vào và chất thải đầu ra; khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học an toàn với môi trường. Nước thải tại các ao nuôi theo hình thức công nghiệp được chuyển qua ao xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường hoặc tái sử dụng vào ao nuôi.

Thích ứng tốt với BĐKH là yêu cầu cấp thiết để phát triển. Thái Bình đang xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với ngành Nông nghiệp cũng vậy, cần một chiến lược lâu dài về ứng phó với sự biến đổi của thời tiết, có như vậy mới đạt được các mục tiêu về nâng cao giá trị và phát triển bền vững.


Ngân Huyền