Thứ 7, 23/11/2024, 08:10[GMT+7]

Đông Hưng phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm

Thứ 2, 11/05/2020 | 10:28:54
4,580 lượt xem
Thời gian qua, huyện Đông Hưng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, đưa trâu, bò trở thành một trong những đối tượng vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện.

Trang trại chăn nuôi trâu, bò của anh Phạm Xuân Khánh, xã Trọng Quan (Đông Hưng).

Huyện Đông Hưng đặt mục tiêu đến hết năm 2020, tổng đàn trâu, bò đạt 4.950 con; đến hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò đạt 13.464 con; xây dựng được 1 trang trại “lõi” đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết và phát triển được trên 2.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh. Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện: Thời gian qua, UBND huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới các tầng lớp nhân dân về chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi của Nhà nước, của tỉnh, của huyện trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là về chủ trương phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết. Xây dựng vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung chủ yếu tại các xã vùng duyên giang có lợi thế ven đê, xa khu dân cư, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện cũng khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất hình thành vùng, điểm chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và lớn, cho hiệu quả kinh tế cao song phải nằm trong vùng, điểm quy hoạch. Nhằm nâng cao chất lượng đàn bò cái nền, huyện đã chú trọng thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo để tạo ra thế hệ đời con có khả năng sinh sản tốt, có năng suất, chất lượng thịt tốt. UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi bò, phương pháp quản lý nâng cao chất lượng đàn trâu, bò cho 100 cán bộ chăn nuôi thú y và chủ trang trại chăn nuôi trâu, bò; xây dựng thành công 2 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh, đệm lót sinh học để xử lý môi trường tại một số hộ chăn nuôi trâu, bò. Đến nay, toàn huyện có tổng đàn trâu, bò 4.562 con (793 con trâu, 3.769 con bò, trong đó có 1.421 con bò sinh sản) của 1.744 hộ chăn nuôi. Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò thời gian qua đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, có những hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Phạm Xuân Khánh, xã Trọng Quan cho biết: Cuối năm 2016, tôi tích tụ 8ha đất của 100 hộ cấy lúa kém hiệu quả và bãi rác của xã đầu tư chuồng trại, trồng cỏ nuôi 30 con trâu, bò. Đến nay, trang trại có 148 con trâu, bò, dê, ngựa, trong đó có 102 con bò, 16 con trâu. Chỉ riêng năm 2019, tôi bán được 10 con bò thịt với giá 40 - 50 triệu đồng/con. Tôi đã đầu tư vào trang trại gần 7 tỷ đồng, dự kiến phải 5 năm nữa mới hoàn được tiền đã đầu tư, tuy nhiên trang trại giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, trang trại đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ đệm lót sinh học để giảm ô nhiễm môi trường. Còn với hộ anh Phạm Văn Phòng, xã Minh Phú dù quy mô chăn nuôi bò còn nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế đem lại đã gấp nhiều lần trồng lúa và chăn nuôi một số con vật khác. Anh Phòng cho biết: Tôi thấy nuôi bò ít dịch bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao nên đã đầu tư nuôi 8 con bò sinh sản. Mỗi năm tôi bán 8 con bê thu được khoảng 160 triệu đồng.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi song so với mục tiêu, kế hoạch phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 huyện Đông Hưng đã đặt ra thì tiến độ triển khai và thực hiện tại các địa phương đến nay còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu. Theo ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trọng Quan thì nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi hoạt động của sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi trâu, bò. Địa phương gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng, phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm bảo đảm theo tiêu chuẩn của đề án, nhất là xa khu dân cư, bảo đảm môi trường. Còn theo ông Phạm Đồng Phóng, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Minh Phú, một trong những khó khăn địa phương đang gặp phải khi phát triển đàn trâu, bò thương phẩm chính là người dân vẫn còn tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, bán chăn thả nên việc chuyển đổi sang chăn nuôi công nghiệp rất khó. Mục tiêu phát triển đàn trâu, bò thương phẩm đến năm 2025 của xã Minh Phú là 630 con nhưng đến nay tổng đàn trâu, bò của địa phương mới được 180 con. Với hộ chăn nuôi trâu, bò như anh Phạm Xuân Khánh và anh Phạm Văn Phòng thì khó khăn lớn nhất họ đang gặp là thiếu vốn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, đạt chuẩn, mua con giống đạt chất lượng, thiếu quỹ đất để trồng cỏ cho trâu, bò ăn.

Để phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững, những khó khăn trên cần được cấp ủy, chính quyền vào cuộc nghiên cứu, tháo gỡ kịp thời.

Thu Hiền