Chủ nhật, 24/11/2024, 10:58[GMT+7]

Nhớ một lần được đón Bác

Thứ 2, 18/05/2020 | 08:27:36
1,394 lượt xem
Sinh thời, Bác Hồ đã 5 lần về thăm Thái Bình. Tôi vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ ba vào ngày 26/10/1958.

Bác Hồ về thăm xã Nam Cường (Tiền Hải) ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu

Ngày đó, tôi được bầu là chiến sĩ diệt dốt, được Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông gửi thư khen ngợi, được cử vào đoàn đại biểu của xã gồm 50 người đi đón Bác Hồ về thăm Thái Bình. Trong 5 lần Thái Bình được đón Bác thì cuộc đón lần này là đông đảo hơn cả bởi được tập hợp đại biểu của 298 xã, thị trấn, tỉnh lỵ toàn tỉnh bấy giờ.

Chiều tối ngày 25/10, đoàn đại biểu các huyện đã tập trung ở các xã ven thị xã thuộc huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Đông Quan. Đoàn Vũ Tiên có 27 xã, tập trung ở xã Vũ Hội. Tại điểm tập kết, các đoàn chỉ được phổ biến đi mít tinh, đón cán bộ Trung ương về nói chuyện; còn cán bộ Trung ương là ai thì không được biết.

Sáng sớm ngày 26/10, các đoàn đội ngũ chỉnh tề, đi hàng đôi, tiến về sân vận động thị xã. Khoảng 8 giờ, các đoàn đã có mặt đông đủ với cờ, biểu ngữ trên tay, hàng ngũ ngay ngắn theo từng đơn vị rất đều đặn. Ước chừng có hai vạn người đi đón Bác. Khi được biết đại biểu Trung ương là Bác Hồ thì biển người trên sân phấn khởi, náo nức hẳn lên. Ai cũng muốn được lên gần lễ đài để được nhìn rõ Bác.

Đoàn xã Vũ Hội chúng tôi được ngồi bên lối đi từ cổng sân vận động vào lễ đài. Vì vậy tôi có điều kiện được nhìn Bác rõ hơn.

Mười giờ, Bác về tới trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh. Trước khi ra gặp gỡ đồng bào, Bác có trao đổi nhanh với lãnh đạo tỉnh về nội dung bài nói chuyện mà Bác tự viết. Sau khi nghe Bác trao đổi, ông Giang Đức Tuệ, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh đề nghị Bác động viên Thái Bình đã thanh toán nạn mù chữ. Bác lắc đầu nói:
- Bác đã khen Thái Bình sản xuất, chiến đấu, học tập giỏi. Còn việc thanh toán nạn mù chữ thì Bác chưa dám chắc. Bác không thể nói. Biết đâu, trong số đồng bào hôm nay có mặt lại có vài ba người còn mù chữ. Họ sẽ phê bình Bác là chủ quan.
Ông Tuệ thưa với Bác:
- Thưa Bác! Nha Bình dân học vụ Trung ương kiểm tra và công nhận Thái Bình đã thanh toán nạn mù chữ rồi ạ.
Bác nói:
- Bác biết rồi. Nha Bình dân học vụ cũng dựa vào báo cáo của các chú là chủ yếu.
Và rồi Bác nhất quyết không chấp nhận đề nghị của ông Tuệ. Thế mới biết, mọi lời nói, bài viết, việc làm của Bác rất thực tế, thận trọng.
Gần 11 giờ trưa, Bác ra gặp nhân dân. Khi Bác bước vào tới cổng sân vận động thì biển người reo lên như sấm dậy. Tiếng hô của ai nấy tưởng như đến vỡ toang lồng ngực vì vui sướng khôn cùng:
- Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!...
Xen cùng tiếng hô, tiếng vỗ tay reo vang không ngớt là cờ, là biểu ngữ chao nghiêng tới tấp.

Bác Hồ tiến lên lễ đài trong bộ quần áo gụ giản dị và đôi dép cao su quen thuộc. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người ổn định rồi Bác bắt đầu nói chuyện. Bác khen ngợi thành tích trong kháng chiến chống Pháp của nhân dân Thái Bình xưa kia, trong sản xuất ngày nay đồng thời chỉ ra những điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, về con người, những thiếu sót, tồn tại trong sản xuất, trong xây dựng đời sống của Thái Bình.

Xen giữa bài nói chuyện, Bác thường đặt ra câu hỏi cho mọi người đồng thanh trả lời hay nhất loạt giơ tay. Đặc biệt, tôi nhớ mãi câu nói của Bác:
- Đồng bào Thái Bình tăng gia thì khá, nhưng tiết kiệm thì phải đánh dấu hỏi. Đồng bào đã tiết kiệm chưa?
Tất cả đồng thanh: Chưa ạ!

Buổi trưa hôm đó trời nắng gay gắt. Bác đứng nói chuyện trên lễ đài không có mái che. Thương Bác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cử người cầm ô đứng che cho Bác song Bác gạt đi. Sau đó, tỉnh lại cử người đem chiếc mũ cát cho Bác thì Bác gật đầu cảm ơn. Chỉ một cử chỉ nhỏ đó của Bác thôi mà nói lên bao điều về tính cách giản dị, khiêm tốn, hy sinh, thương dân của Bác.

Kết thúc bài nói chuyện, Bác động viên Đảng bộ và nhân dân Thái Bình ra sức phấn đấu cho vụ chiêm năm 1959 khá hơn vụ mùa năm 1958. Bác chỉ rõ những việc cần chú ý của nhà nông trong các khâu: nước, phân, cần, giống. Bác nhấn mạnh công việc cụ thể của từng ngành, từng cấp với sản xuất nông nghiệp.

Cuối cùng, như thường lệ, Bác bắt nhịp cho mọi người hát bài “Kết đoàn” để kết thúc cuộc gặp gỡ và nói chuyện với đồng bào.

Vũ Duy Yên

Hội VHNT Thái Bình


* Bài viết có tham khảo bài: “Đồng bào Thái Bình tăng gia thì khá, nhưng tiết kiệm thì phải đánh dấu hỏi” trong cuốn “Bác Hồ với nhân dân Thái Bình” do Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình in năm 1990.