Thứ 5, 16/01/2025, 23:25[GMT+7]

Hiệu quả phong trào diệt chuột tại xã Đình Phùng

Thứ 2, 18/05/2020 | 09:58:13
2,173 lượt xem
Trong khi nhiều địa phương khác trong tỉnh vẫn đang vất vả vì nạn chuột phá hại lúa thì vụ xuân năm 2020, nông dân xã Đình Phùng (Kiến Xương) lại không phải lo lắng nhiều chuyện chuột cắn phá.

Nông dân xã Đình Phùng (Kiến Xương) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Những năm qua, nạn chuột cắn phá lúa và hoa màu ngày càng gia tăng cả về diện tích và mức độ thiệt hại, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bỏ ruộng hoang đang ngày càng phổ biến. Chính vì vậy, công tác diệt chuột luôn được các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp quan tâm, hỗ trợ kinh phí và tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, do không được tổ chức thường xuyên, liên tục nên phong trào diệt chuột không mang lại hiệu quả cao. 

Ông Phạm Quang Thường, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đình Phùng cho biết: Xác định diệt chuột là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm năng suất, giá trị ngành trồng trọt, HTX SXKD DVNN xã Đình Phùng đã triển khai nhiều giải pháp: rải mồi, đặt bẫy bả, đánh bắt thủ công, thuê các công ty, tổ chức đánh bắt chuột chuyên nghiệp... nhưng chỉ có tác dụng một thời gian ngắn. Số chuột diệt được “không lại” so với số chuột sản sinh theo cấp số nhân. Vụ xuân năm 2020, HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để huy động sự tham gia của toàn dân, áp dụng tổng hợp các biện pháp. Ngay sau khi ruộng cày ải, HTX tổ chức ngâm ủ mộng, trộn thuốc và rải mồi trên các xứ đồng, mương máng; tiến hành phát quang bụi rậm, gò đống ven đường, khu nghĩa trang... để chuột không còn nơi trú ngụ. Bên cạnh đó, HTX kêu gọi người dân diệt chuột theo hình thức đánh thủ công tập trung, 5/5 thôn trong xã thành lập đội đánh chuột từ 15 - 30 người, tổ chức đánh từ khi bừa ngả đến khi hoàn thành gieo cấy. Do đặc thù là loài gặm nhấm, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, khi soi đèn pin vào mắt chuột làm chuột quáng, không di chuyển được nhờ đó dễ dàng đánh bắt nên hàng ngày, từ 19 - 22 giờ, chúng tôi sử dụng đèn pin, gậy đánh chuột tại các xứ đồng, có buổi diệt được cả nghìn con chuột.

Hoạt động hiệu quả của đội diệt chuột nhận được sự ủng hộ cao của người dân cả về vật chất và tinh thần. Nhiều cụ già ngoài 70 tuổi cũng nhiệt tình tham gia đánh chuột để cổ vũ con cháu; nhiều gia đình không cấy lúa nhưng ủng hộ tiền hỗ trợ các thành viên đội diệt chuột như hộ gia đình ông Phạm Hiển Hà, ông Nguyễn Xuân Mai (thôn Nam Huân Bắc). Năm 2020, HTX thu 20.000 đồng/sào/năm từ dịch vụ diệt chuột, vừa hỗ trợ thành viên đội đánh chuột, vừa khích lệ người dân tham gia diệt chuột bằng cách tổ chức thu mua đuôi chuột với giá 1.500 đồng/đuôi. Chỉ tính riêng trong 8 ngày phát động đánh chuột thủ công, số chuột tiêu diệt trên cánh đồng xã Đình Phùng là 5.865 con chuột, chưa kể số chuột bị chết do đánh thuốc. Sau mỗi buổi đánh chuột, các thôn mang số chuột bắt được tập kết tại HTX để thống kê, mang đi tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thăm cánh đồng lúa chuẩn bị trỗ bông, bà Trần Thị Nương, thôn Nam Huân Nam hồ hởi chia sẻ: Nhà tôi cấy 5 sào lúa, năm nào cũng vậy, cấy xong hôm trước, hôm sau phải mua nilon quây để chuột không vào ruộng cắn lúa nhưng không triệt để. Năm ngoái chuột cắn gây thiệt hại năng suất 2 sào nhưng năm nay lúa đẹp lắm. Tôi mong rằng thời gian tới, HTX tiếp tục duy trì hoạt động này để nông dân yên tâm sản xuất.

Cùng với đánh chuột thủ công, từ đầu vụ đến nay, HTX đã tổ chức 5 lần rải bả với tổng 1.700kg thóc mộng. Nhờ áp dụng tổng hợp các biện pháp diệt chuột, huy động sự tham gia của cộng đồng, tình trạng chuột cắn phá đã giảm rõ rệt. 

Theo khẳng định của ông Phạm Quang Thường, Giám đốc HTX SXKD DVNN, phong trào diệt chuột sẽ được duy trì và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới. Hy vọng các địa phương khác trong tỉnh có thể linh động áp dụng các hình thức diệt chuột phù hợp để đẩy lùi nạn chuột phá hại, tạo niềm tin, gắn bó của người dân với đồng ruộng.

Ngân Huyền