Thứ 7, 23/11/2024, 02:49[GMT+7]

Thịt lợn “đội giá” đến 43% sau các khâu trung gian

Thứ 6, 22/05/2020 | 08:22:02
1,307 lượt xem
Trong 1 năm qua, giá lợn hơi biến động mạnh. Hiện giá lợn hơi ở mức 93.000 - 99.000 đồng/kg, thậm chí có lúc vọt lên hơn 100.000 đồng/kg, gấp gần 3 lần so với quý I/2019.

Giá lợn hơi tăng phi mã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM)

Nguyên nhân giá lợn tăng cao

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ 6 nhóm nguyên nhân khiến giá lợn có tăng mà khó giảm.

Nguyên nhân đầu tiên và thấy rõ nhất là cung - cầu thịt lợn mất cân đối vì dịch tả lợn châu Phi, trong khi thị trường hiện đang thiếu hụt khoảng 20% lợn thương phẩm. Một số doanh nghiệp nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt, nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung. 

Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn cũng tăng 10%, chi phí phòng chống dịch tăng cao, hay tình trạng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống qua biên giới để sang Trung Quốc vẫn còn xảy ra. Ngoài ra, lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian, giá thịt lợn tăng cao gần 43%.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã rốt ráo thực hiện 2 giải pháp quan trọng và cần thiết nhất lúc này là đẩy nhanh việc tái đàn. Ngoài việc nhập lợn ông bà, cụ kỵ, lần đầu tiên Việt Nam đã phải nhập hàng nghìn con lợn bố mẹ.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 18/5, cả nước nhập 65.362 tấn thịt lợn, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ… Trước việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn, tăng tái đàn trong thời gian tới, cả 2 Bộ cùng kỳ vọng trong quý IV năm nay, thị trường thịt lợn sẽ dần ổn định trở lại, khi nguồn cung dồi dào hơn.

Qua khâu trung gian, giá lợn đến tay người tiêu dùng tăng khoảng 43%

Có 6 nguyên nhân gây khó khăn cho việc giá lợn chưa giảm trong thời gian qua, trong đó có một con số đáng chú ý là 43% - mức chênh lệch giá bán lợn hơi tại cửa chuồng với giá bán của thịt lợn đến tay người tiêu dùng.

Lợn sau khi xuất chuồng để đến tay người tiêu dùng sẽ trải qua 2 khâu chính:

- Thứ nhất là khâu thu mua, giết mổ và bán buôn, gồm các chi phí như: tiền vận chuyển, phí giết mổ và phí kiểm dịch, tổng chi phí chiếm 10% so với tiền mua lợn;

- Khâu thứ hai là khâu mua móc hàm, pha lóc, đóng gói và bán lẻ, gồm: chi phí nhân công, vận chuyển, vận hành máy móc, tổng chi phí chiếm tới 33% so với tiền mua lợn móc hàm.

Như vậy, để con lợn từ chuồng đến tay người tiêu dùng, giá tăng tới 43%. Ví dụ như giá lợn hơi 95.000 đồng/kg, giá bán lẻ bình quân khoảng 136.000 đồng/kg.

Một số chuyên gia cho rằng, muốn giảm được khâu trung gian cần có các doanh nghiệp lớn vào cuộc, họ vừa chăn nuôi, vừa tổ chức giết mổ, phân phối; như vậy khâu trung gian mới được rút gọn, giá lợn có thể giảm theo. Tuy nhiên, đó là câu chuyện trong dài hạn. Trong bối cảnh giá lợn tăng cao, người tiêu dùng ít mua thịt lợn hơn, những tiểu thương, doanh nghiệp tham gia vào khâu trung gian cũng bị ảnh hưởng đầu tiên.

Trái với tình trạng khó khăn của tiểu thương, doanh nghiệp trong khâu trung gian, các doanh nghiệp chăn nuôi được cho là có lãi lớn. Theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân giá thành chăn nuôi lợn vào khoảng 45.000 đồng/kg và với mức giá lợn hơi tăng cao như hiện nay, người nuôi lãi ròng quanh mức 4 triệu đồng/con, tùy mô hình.

Trên thị trường hiện có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam đang còn lợn hơi xuất bán. Có doanh nghiệp mỗi ngày xuất hàng chục nghìn con, số tiền lãi của họ cũng phải lên tới hàng chục tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu đưa giá lợn về 70.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn có lãi. Điều đó chứng tỏ việc giảm giá lợn là hoàn toàn trong tầm tay các doanh nghiệp lớn, chỉ có điều họ có muốn hay không.

Theo vtv.vn