Thứ 3, 23/07/2024, 06:29[GMT+7]

Tân Lễ: Làng nghề chờ ngày thái lai

Thứ 6, 22/05/2020 | 09:04:44
7,086 lượt xem
Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hàng triệu chiếc chiếu chồng chất trong kho khiến chủ cơ sở dệt chiếu “mất ăn, mất ngủ”; thiếu vốn tái đầu tư, nhiều cơ sở dệt chiếu “kiệt sức” trong cuộc chạy đua duy trì sản xuất; hàng nghìn lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm - đó đang là thực trạng của làng nghề xã Tân Lễ (Hưng Hà).

Cơ sở sản xuất chiếu Thuận Hòa (thôn Quan Khê, xã Tân Lễ) tồn kho hơn 37.500 chiếc chiếu cói và chiếu nilon trị giá hơn 1,7 tỷ đồng.

Niềm tự hào của địa phương


Người dân Tân Lễ luôn tự hào vì có nghề dệt chiếu truyền thống, sản phẩm vang danh khắp cả nước với thương hiệu chiếu Hới. Nghề dệt chiếu đã giúp phần lớn các gia đình trong xã giàu lên. Ông Trần Bá Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cả xã có gần 3.700 hộ dân thì có tới 2.466 hộ làm nghề, tạo việc làm cho 4.873 lao động với thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, làng nghề dệt chiếu sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 5,3 triệu sản phẩm, doanh thu gần 280 tỷ đồng.


Trước đây, sản phẩm chính của làng nghề ở Tân Lễ là chiếu cói. Do khó khăn về thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu nên nhiều gia đình, cơ sở sản xuất đã chuyển sang dệt chiếu nilon. Thay vì dệt thủ công vất vả mà năng suất lại thấp, bà con mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc đưa vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện cả xã có 90 máy dệt chiếu cói, 310 máy dệt chiếu nilon, chỉ còn 16 hộ dệt thủ công. Làng nghề lúc nào cũng rộn vang tiếng máy. Đời sống người dân ngày càng đi lên.


Không chỉ gìn giữ danh tiếng “chiếu Hới”, các hộ dân trong làng nghề ở Tân Lễ còn rất năng động, sáng tạo trong việc đổi mới mẫu mã sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm chiếu các loại của làng nghề đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu tới các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đây là niềm tự hào của người dân làng nghề để tiếp tục gắn bó, phát triển nghề truyền thống của ông cha ngày một rực rỡ hơn.


Đối mặt thách thức


“Thời điểm này, làng nghề ở Tân Lễ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” - ông Trần Bá Hỏi, công chức giao thông, công thương xã bộc bạch như vậy khi đưa chúng tôi đi thăm một số hộ dân, cơ sở dệt chiếu trong xã.


Theo chủ các cơ sở dệt chiếu ở đây, bằng giờ năm trước, máy móc hoạt động hết công suất, công nhân làm không hết việc, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vậy nhưng, từ đầu tháng 2 tới nay, dịch Covid-19 đã khiến thị trường tiêu thụ gần như “đóng băng”, nhiều dây chuyền máy móc phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động gián đoạn, công nhân thiếu việc làm dẫn tới thu nhập giảm sút, hàng tồn kho ngày càng gia tăng. Ông Hà Duy Mai, chủ cơ sở sản xuất chiếu Hoàng Mai (thôn Quan Khê) chỉ vào kho hàng chất cao gần đến mái nhà chia sẻ: Hàng làm ra không bán được, trong kho giờ đang tồn đọng khoảng 300.000 chiếc chiếu với tổng trị giá 13,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng được 1 - 2 tháng nữa sẽ phải dừng sản xuất vì không còn vốn đầu tư. Cơ sở có 60 lao động, hiện nay chúng tôi đã buộc phải cho 10 lao động nghỉ việc phần vì không đủ việc làm, phần vì không còn tiền trả lương, toàn bộ vốn liếng nằm “chết” trong kho theo sản phẩm tồn đọng không tiêu thụ được.


Với đặc thù sản phẩm chiếu nilon chỉ tiêu thụ tốt vào mùa lạnh và thời tiết nồm ẩm từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau (âm lịch) nên vào mùa nắng nóng là thời gian các hộ dân, cơ sở sản xuất đẩy mạnh dệt chiếu để chuẩn bị hàng hóa tung ra thị trường. Sau 4 tháng tập trung sản xuất, hàng hóa đã dồi dào nhưng khi có dịch Covid-19, thị trường trong và ngoài nước bị suy giảm, hàng triệu sản phẩm của làng nghề không tiêu thụ được. Ông Vũ Văn Hòa, chủ cơ sở sản xuất chiếu Thuận Hòa (thôn Quan Khê) cho biết: Dù đã cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng từ đầu năm đến nay chúng tôi chỉ tiêu thụ được 10% hàng hóa làm ra, còn lại phải lưu kho. Nếu tiếp tục duy trì 100% công suất thì lượng tồn kho sẽ ngày càng tăng. Chính vì vậy, từ đầu tháng 4 đến nay, chúng tôi chỉ cho 50% trong tổng số 32 máy dệt hoạt động và tổ chức công nhân làm việc 1 ca luân phiên. Sự cố gắng đó nhằm giữ chân người lao động, tuy nhiên, do thiếu việc làm, thu nhập giảm nên một số công nhân vẫn xin nghỉ để tìm việc khác.


Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thiếu vốn tái đầu tư sản xuất, áp lực trả lãi vay ngân hàng, máy móc không hoạt động thường xuyên sẽ xuống cấp, nguy cơ mất công nhân là những nút thắt mà các cơ sở, hộ sản xuất chiếu của làng nghề xã Tân Lễ chưa có cách tháo gỡ. Cả làng nghề đứng trước thách thức lớn, có thể phải dừng hoạt động trong 1 - 2 tháng tới.


Để giúp làng nghề vượt qua khó khăn, hiện nay, lãnh đạo địa phương đang tổng hợp những khó khăn và đề xuất các cấp, các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Điều các hộ dân, cơ sở sản xuất chiếu ở đây mong muốn lúc này là dịch Covid-19 trong nước và thế giới sớm được đẩy lùi để thị trường ổn định trở lại. Họ cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do dịch Covid-19 sớm được thực hiện. Nhà nước có cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện để họ hỗ trợ thu nhập cho công nhân, bảo đảm nguồn nhân lực sẵn sàng hoạt động trở lại.


Khắc Duẩn