Chủ nhật, 24/11/2024, 08:05[GMT+7]

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Thứ 2, 25/05/2020 | 08:02:40
5,588 lượt xem
Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm, các đối tượng gia tăng hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Nguyễn Văn Hào bị xử phạt 8 năm tù giam vì tội lừa đảo.

Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp thông báo người dân bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp để điều tra. Giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Nội dung thư yêu cầu bị hại tải tệp tin đính kèm hoặc các liên kết trong thư điện tử để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại mở tệp tin, truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus/mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó. Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng thiết yếu, đang khan hiếm như: khẩu trang y tế, nước rửa tay y tế, đồ bảo hộ... phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hay tiền chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, sau đó khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt số tiền đã chuyển để mua hàng của nạn nhân. 

Điển hình như lợi dụng tình hình dịch Covid-19, nhu cầu mua khẩu trang y tế để phòng, chống dịch bệnh của người dân tăng cao, Nguyễn Văn Hào, sinh năm 1996, trú tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) mặc dù không có khẩu trang y tế để bán nhưng đã tự đăng lên mạng xã hội zalo, facebook giả là người buôn bán khẩu trang để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác. Anh Đào Văn Hiếu, sinh năm 1988, trú tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ đã gọi điện đặt mua 22 thùng khẩu trang y tế với giá 5,5 triệu đồng/thùng của Hào. Sau khi thỏa thuận thời gian giao nhận hàng, Hào yêu cầu anh Hiếu chuyển trước tiền đặt cọc. Anh Hiếu đã chuyển cho Hào 3 lần số tiền 45 triệu đồng thông qua tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận được tiền của anh Hiếu, Hào đã cắt hết mọi giao dịch và chiếm đoạt số tiền trên để sử dụng chi tiêu cá nhân. Với hành vi trên, Nguyễn Văn Hào đã bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 8 năm tù giam.

Gần đây nhất ngày 13/5/2020, Công an huyện Đông Hưng khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Cao Dũng, sinh năm 1996, trú tại xã An Châu, huyện Đông Hưng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do cần tiền chi tiêu cá nhân, Dũng đã lập tài khoản facebook mang tên “Dũng Nguyễn” để bình luận vào bài đăng của những người có nhu cầu mua khẩu trang. Tháng 3/2020, một người ở thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã giao dịch với Dũng mua 150 thùng khẩu trang y tế với giá giao dịch đặt cọc là 200 triệu đồng. Sau một thời gian chuyển tiền không thấy Dũng gửi hàng, khi liên lạc lại thì Dũng báo không có hàng và chỉ chuyển lại số tiền 100 triệu đồng.

Đại tá Phạm Đình Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác rà soát nắm tình hình trên không gian mạng, qua đó kịp thời xử lý gần 20 vụ việc liên quan đến việc đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19 và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, cơ quan công an đề nghị nhân dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi để bảo đảm độ an toàn của mật khẩu (kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt). Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Nguyễn Tùng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày