Thứ 4, 15/01/2025, 23:15[GMT+7]

Bước lùi trong cuộc chiến chống rác thải nhựa

Thứ 4, 27/05/2020 | 08:17:56
2,357 lượt xem
Dịch COVID-19 khiến không ít người thay đổi thói quen sống. Một hệ lụy kéo theo chính là sự gia tăng của rác thải nhựa.

Nhân viên vệ sinh dọn dẹp rác thải từ cộng đồng mùa COVID-19

Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu đã tồn tại từ trước khi có đại dịch COVID-19. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia hưởng ứng các chương trình hạn chế rác thải nhựa, nâng cao ý thức của người dân. Thậm chí đã có những nơi đưa ra nhiều kế hoạch để có thể đối phó với vấn đề này một cách quyết liệt với lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. 

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, con người đã lại một lần nữa nhượng bộ rác thải nhựa.

Bước lùi trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 1.

Rác thải khẩu trang thu thập tại bờ biển

Ví dụ đầu tiên về bước lùi trong cuộc chiến với rác thải nhựa chính là tại Thái Lan. Tiện lợi, nhanh chóng và đảm bảo giãn cách xã hội, việc đặt hàng thực phẩm giao tận cửa đã trở thành một điều bình thường đối với nhiều người dân ở Thái Lan trong mùa dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi đó, dịch vụ này đã làm gia tăng hàng tấn rác thải nhựa trong hệ thống quản lý chất thải của Thái Lan. Chỉ riêng tại Bangkok, nhà chức trách cho biết, có tới 3.432 tấn nhựa đã bị vứt mỗi ngày đi trong tháng 4 vừa qua. Số lượng rác thải bị vứt tăng tới 62%. Đa phần là các loại chai và ly nhựa, túi nilông, hộp xốp. Trên toàn nước Thái, mỗi ngày, người dân thải ra 6300 tấn rác thải nhựa. Điều đáng quan ngại là chỉ 25% số rác đó, được xử lý. Còn lại, sẽ "được trôi ra bể rác tự nhiên" là các đại dương.

Bước lùi trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 2.

Dịch vụ giao đồ ăn tại Thái Lan

Một bước lùi nữa trong cuộc chiến với rác thải nhựa chính là sự nhượng bộ từ phía những nhà quản lý. Chính quyền một số nơi tại Mỹ đã cho phép lùi lại thời gian thực hiện lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần tại các siêu thị, nhà hàng. Đáng nói là bang New York, nơi đã từng là bang đi đầu trong việc cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Mỹ. Không phải do không có người đi kiểm tra các siêu thị mà bởi tác dụng có thể của túi nhựa dùng 1 lần trong đợt dịch.

Bước lùi trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 3.

Người dân Mỹ sử dụng túi nilon khi mua sắm

Hầu hết các gia đình New York thường để thực phẩm vào trong túi nhựa. Sau khi về nhà, họ sẽ tháo túi ra, còn hộp đồ ăn để tạm ngoài ban công một vài tiếng. Bằng cách làm này, người dân hy vọng sẽ hạn chế đến mức tối thiểu việc tiếp xúc lập tức với đồ ăn mang từ chợ hay siêu thị về. Tính đến nay, New York đã lùi lệnh cấm tới 4 lần. Điều này cho thấy với họ, bây giờ, phòng lây lan dịch bệnh đang là quan trọng và cấp thiết hơn cả.

Đại dịch COVID-19 cũng đang tạo ra một thách thức lớn trên toàn cầu về vấn đề xử lý rác thải nhựa, khi nhu cầu về các thiết bị bảo hộ, khẩu trang hay găng tay tăng mạnh. Tại Vũ Hán, Trung Quốc, mỗi ngày các bệnh viện thải ra 240 tấn rác thải y tế, đã tăng gấp 6 lần so trước dịch COVID-19. Ở Mỹ, lượng rác thải nhựa nhiều nơi cũng tăng đến 40%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình, mỗi bệnh nhân COVID-19 thải ra từ 0,2 đến 1 kg rác y tế một ngày.

Bước lùi trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 4.

Rác thải khẩu trang thu thập được trên bờ biển

COVID-19 thay đổi hành động của con người trong việc chống lại rác thải nhựa đáng kể. Nó tạo cho mọi người một "cái cớ" để trì hoãn cuộc chiến chống rác thải nhựa. Thậm chí đã có một nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng đã phải ngậm ngùi chia sẻ về sự thay đổi đáng buồn của bản thân, khi đánh mất ý chí trong cuộc chiến với rác thải nhựa. Đó là Lauren Singer. 

Cô chia sẻ: "Trong suốt 8 năm liền, tôi chưa bao giờ quăng thứ gì trong nhà ra bãi rác. Tôi đã gần như thực hiện hoàn hảo những giá trị mà mình theo đuổi. Nhưng 2 tuần trước, khi dịch COVID-19 trở nên căng thẳng hơn, tôi đã phải làm điều đi ngược lại với những gì mình thực hiện suốt gần 1 thập kỷ. Tôi hy sinh giá trị mình theo đuổi, để mua đồ đựng trong túi nhựa và rất nhiều loại khác. Và phần lớn số chúng, tôi biết rằng sẽ không được tái chế".

Bước lùi trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 5.

Lauren Singer - Nhà hoạt động vì môi trường

Bước lùi trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 6.

Bài đăng trên Instagram của Lauren Singer

Có thể thấy, vì sự sống còn trước dịch bệnh, cuộc chiến của con người chống rác thải nhựa đang bị chậm lại, thậm chí thụt lùi. Về phía các nhà quản lý, sự đình trệ các chương trình chống rác thải nhựa cũng là hệ quả tất yếu khi sinh mạng và sức khỏe của cộng đồng đang được đặt lên hàng đầu trong đại dịch. Chính những điều này đang dấy lên lo ngại về hậu quả ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.

Theo vtv.vn