Thứ 5, 16/01/2025, 01:48[GMT+7]

Cảnh báo khủng hoảng lương thực toàn cầu hậu COVID-19

Thứ 5, 28/05/2020 | 15:36:05
1,864 lượt xem
Dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều chuyên gia lo sợ một cuộc khủng hoảng lương thực tương tự như năm 2007 có thể lại diễn ra một lần nữa.

Những điểm phát thực phẩm miễn phí cố gắng san sẻ gánh nặng "cơm áo" cho người dân - Ảnh: CNBC

New York – một trong những tâm dịch COVID-19, có đến khoảng 2 triệu người không có đủ thực phẩm hàng ngày. Với mật độ 8 triệu dân thì cứ 4 người lại có một người thiếu lương thực. Chắc chỉ trong những bộ phim điện ảnh, người ta mới tưởng tượng ra viễn cảnh nước Mỹ bị một con virus tấn công, gây kiệt quệ cả về thực phẩm và thuốc men, khiến hàng dài người phải đợi trước những điểm phát lương thực miễn phí như vậy.

Một phần tư dân số ở ‘thành phố biểu tượng cho tự do" ăn không đủ no cũng là dòng tít mà tờ Thời báo New York nhắc đến trong câu chuyện này.

Để giải quyết vấn đề "cơm ăn áo mặc" cho người dân, giới chức thành phố có kế hoạch phân phát 1,5 triệu bữa ăn mỗi ngày kể từ tuần này. Trong đó, một triệu phần thực phẩm sẽ được phát tại các điểm từ thiện và 500 nghìn suất ăn sẽ được đưa tới các trường học.

Nhưng đó không chỉ là câu chuyện của riêng New York

Khoảng 4/5 dân số thế giới phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu. Năm 2019, khoảng 1,5 nghìn tỷ USD đã được thanh toán cho nhập khẩu thực phẩm, cao gấp 3 lần so với năm 2000. Liên Hợp Quốc ước tính số lượng người phải chịu cảnh đói ăn trong năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, lên 265 triệu người.

Lệnh đóng cửa biên giới chống dịch được áp dụng gần như trên toàn thế giới, khiến cho những chuyến bay chở hàng hay các chuyến tàu không thể vận chuyển nguồn cung lương thực cho hàng trăm triệu nhà hàng cũng như các hộ dân trên toàn cầu. Khi dịch kéo dài, việc người dân phải nghỉ làm. Không có thu nhập ổn định và các quy định hạn chế xã hội, khiến họ không đủ tiền để mua sắm lương thực như trước.

Nhưng tình cảnh của những người nông dân trên khắp thế giới cũng chẳng khá hơn. Năm nay, họ mất trắng. Ở Italy, hoa trái chín mục trên các cánh đồng, hàng nghìn lít sữa bị đổ đi ở Mỹ và các lò giết mổ phải đóng cửa. Vậy là bao công sức trồng cấy, chăn nuôi trong suốt một năm qua, giờ coi như bỏ phí. Đó là chưa kể những trang trại chăn nuôi quy mô lớn phải tính cả việc trả lương cho nhân công, chi phí vận hành máy móc và kho trữ hàng.

Anh Ivan Preciado, một nông dân trồng dâu tây ở thị trấn Sibate, Colombia cho hay: "Các thương lái không đến để thu mua nông sản. Kể cả họ có đến thì chúng tôi cũng chỉ bán được 40% sản lượng so với trước khi dịch bệnh xuất hiện".

Hay một nông dân trồng hành khác, anh Rodrigo Baron lại tâm tư rằng điều mà những người nông dân lo lắng nhất hiện nay chính là họ phải nợ tiền ngân hàng. Hoa màu không bán được nên chẳng biết bao giờ mới có thể trả hết nợ.

Ngành trồng dâu tây ở Pháp cũng đang đến mùa thu hoạch. Nhưng năm nay, dâu "chua" hơn mọi năm. Chủ trang trại dâu tây ở tỉnh Lot-et-Garonne, Tây Nam nước Pháp cho biết, mọi năm giá dâu tây dao động từ 8-11 euro cho mỗi kilogram; nhưng năm nay, vì dịch bệnh kéo dài, giá dâu tây sụt thê thảm.

Khủng hoảng lương thực toàn cầu hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Giá dâu tây sụt giảm do không có thương lái thu mua - Ảnh: BBC

2,5 euro, 3 euro, rồi cao nhất cũng chỉ 4 euro

Khủng hoảng lương thực xảy ra trên quy mô toàn cầu, đến mức, thủ tướng Lebanon, ông Hassan Diab đã phải đưa ra cảnh báo, rằng "an ninh lương thực toàn cầu đang ngày một trầm trọng hơn". Tờ Channel News Asia ghi nhận, 80% lúa mạch ở Lebanon được nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Nhưng từ tháng trước, Nga đã ngừng xuất khẩu lúa mạch để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, và Ukraine sắp có động thái tương tự. Điều này có nghĩa là chỉ riêng ở Lebanon, người dân sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng. Thời báo Washington cũng dẫn lời thủ tướng Lebanon, kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu thành lập một quỹ khẩn cấp để cứu giúp Trung Đông - nơi người dân vốn đã lâm vào cảnh thiếu thốn thực phẩm và thuốc men.

"Đói thì đầu gối phải bò", chứ đâu ai ngồi một chỗ để chờ thóc gạo từ trên trời rơi xuống. Đó cũng lại là một mối lo mới mà các chuyên gia an ninh lương thực đang quan ngại. Theo họ, thiếu đói có thể là nguyên nhân khiến dòng người di cư đổ về châu Âu, về Mỹ hoặc thậm chí tràn sang các quốc gia ở châu Á.

Trung tuần tháng 4, hàng trăm người biểu tình đã gây náo loạn ở Cape Town – thủ đô lập pháp của Cộng hòa Nam Phi chỉ vì chưa nhận được trợ cấp thực phẩm từ chính phủ. Đây vốn là thành phố phát triển du lịch bậc nhất ở quốc gia này, nhưng dịch bệnh khiến cho ngành công nghiệp không khói bị đóng băng, kéo theo nguồn thu nhập của người dân cũng không còn như trước. Hãng thông tấn AFP ghi nhận, nhiều người dân ở Cape Town và Mitchells Plain còn sợ rằng họ sẽ chết vì đói trước khi chết vì mắc COVID-19.

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc, ông David Beasley cảnh báo rằng nếu các quốc gia không có hành động thiết thực ngay lập tức, để nối lại "huyết mạch kinh tế" thì sẽ có hàng triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - ở các quốc gia nghèo như Nam Sudan hay Kenya, bị thiếu đói.

Nơi thì thừa, chỗ thì thiếu. Chỉ có khi các tuyến vận chuyển quốc tế được nối lại thì nguồn cung và cầu thực phẩm mới được cân bằng. Tuy nhiên, COVID-19 cũng thay đổi khẩu vị của người dân trên toàn thế giới, thiên về sử dụng các sản phẩm đóng hộp hơn là các loại thực phẩm tươi, do tính bảo quản của thực phẩm đóng hộp được lâu hơn. Vậy nên kể cả khi các lệnh cách ly được nới lỏng, ngành thực phẩm sẽ không thể quay trở lại được như trước đây.

Theo vtv.vn