Thứ 5, 07/11/2024, 19:30[GMT+7]

Ông Đỉnh thu gần nửa tỷ đồng/năm từ trồng nấm

Thứ 2, 08/06/2020 | 09:33:52
1,872 lượt xem
Ham tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn bứt phá, ông Nguyễn Đức Đỉnh, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập (Vũ Thư) bước đầu thu được thành công từ mô hình trồng nấm sò, mộc nhĩ. Tổng thu nhập mỗi năm gần nửa tỷ đồng từ trồng nấm sò, mộc nhĩ đã và đang giúp gia đình ông phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

Nhờ mạnh dạn và kiên trì vượt khó, ông Nguyễn Đức Đỉnh có thu nhập gần nửa tỷ đồng/năm từ trồng nấm.

Gần 1.000m2 ruộng của gia đình ông Đỉnh trước kia cấy lúa kém hiệu quả, giờ đây đã được thay bằng những giàn nấm sò, mộc nhĩ đua nhau mơn mởn. Thành quả ấy có được là do mấy năm nay ông Đỉnh đã mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng nấm sò, mộc nhĩ. Ông Đỉnh chia sẻ: Nếu so với cấy lúa thì trồng nấm sò, mộc nhĩ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, tuy nhiên trồng nấm sò, mộc nhĩ đòi hỏi sự đam mê, kiên trì, chịu đựng vất vả, có kỹ thuật tốt. Tôi đã phải trải qua quá trình dài tìm tòi, học hỏi lý thuyết, bắt tay vào thực tế sản xuất và đúc rút ra kinh nghiệm. Ươm giống nấm sò, mộc nhĩ đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ. Bào tử nấm được tách ra từ các sợi nấm, sau đó được nuôi trong môi trường thạch cho sợi nấm phát triển, cho thạch vào chai thủy tinh sau đó hấp vô trùng. Lựa chọn mô nấm khỏe, dùng dao lấy ở giữa mô nấm một mẫu nhỏ cho vào giữa môi trường thạch đã nguội để cấy mô giống nấm. Sau đó để vào nơi sạch sẽ, khô ráo từ 10 - 15 ngày để sợi nấm lan ra khắp chai, được giống cấp I. Sau đó chuyển giống cấp I sang môi trường hạt lúa để nhân giống cấp II. Hạt lúa được làm sạch, luộc lên tạo môi trường cho nấm sinh sống. Quá trình nhân giống cấp I, cấp II được thực hiện trong phòng vô trùng. Giống cấp III được nuôi trong môi trường cây sắn. Tôi mua cây sắn tươi, cạo sạch vỏ, cắt ngắn, ngâm nước vôi, đóng bịch trong túi nilon để nhân nhanh số lượng giống cấp III. Giống cấp IV được nuôi cấy trong môi trường mùn cưa cây cao su. Mùn cưa cao su được xử lý, đem ủ, đóng trong bịch nilon, hấp vô trùng, sau đó cấy giống cấp IV vào bịch mùn cưa. Khoảng 18 - 20 ngày sau, sợi nấm “ăn” kín trắng toàn bộ bịch từ trên miệng xuống đáy túi. Khi bịch nấm trắng đều, tiến hành treo bịch nấm lên dây, hướng miệng túi xuống phía dưới, dùng dao nhọn rạch 6 - 9 vết rạch xung quanh bịch nấm. Sau khoảng 5 - 7 ngày, nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch. Từ chỗ phải mua giống về cấy ghép, thì nay tôi đã tự nhân giống giúp chủ động cho quá trình sản xuất của gia đình. Nấm sò có thể sản xuất quanh năm nhưng cho năng suất, chất lượng cao từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Tôi tuân thủ khắt khe quy trình hấp sấy nên nấm sò, mộc nhĩ của gia đình phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Trung bình, mộc nhĩ cho thu hoạch sau 3 tháng ươm, còn nấm sò chỉ 40 ngày. Mộc nhĩ thu hoạch theo đợt còn nấm thì gối lứa.

Quá trình trồng đến khi thu hoạch nấm sò, mộc nhĩ, gia đình ông Đỉnh nỗ lực tuân thủ quy trình trồng nấm hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, phân bón hóa học, thậm chí tưới 100% bằng nguồn nước sạch. Nhờ đó, sản phẩm nấm sò, mộc nhĩ của gia đình ông tạo được uy tín với khách hàng và dần mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hiện gia đình ông Đỉnh sản xuất gần 40.000 bịch nấm sò và mộc nhĩ. Sản lượng đạt trên 7 tấn nấm sò, mộc nhĩ/năm, bán giá trung bình từ 28.000 - 30.000 đồng/kg nấm sò, 100.000 - 120.000 đồng/kg mộc nhĩ, ông Đỉnh thu về gần nửa tỷ đồng/năm. Ông Đỉnh đang nung nấu ý tưởng mở rộng lán trại, trồng nấm sò, mộc nhĩ trong phòng lạnh và đầu tư thêm máy móc như máy đóng bịch, máy xay tái chế bịch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đỉnh còn tạo việc làm thường xuyên, thời vụ cho 10 lao động tham gia vào các khâu sản xuất nấm sò, mộc nhĩ. Với kỹ thuật, kinh nghiệm của mình về nghề sản xuất và kinh doanh nấm, ông Đỉnh luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, nguyên liệu cho nhiều nông dân có nhu cầu, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập ngay trên mảnh đất quê hương.

Quỳnh Lưu