Thứ 5, 07/11/2024, 19:33[GMT+7]

Xã Lê Lợi: Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Thứ 2, 08/06/2020 | 09:37:20
2,158 lượt xem
Mặc dù mới thực hiện sáp nhập với xã Quyết Tiến còn nhiều khó khăn song xã Lê Lợi (Kiến Xương) vẫn quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế trên ba trụ cột là nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Phấn đấu trong 5 năm tới tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 10,41%/năm.

Nghề chạm bạc ở xã Lê Lợi.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: Những năm qua, kinh tế của xã Lê Lợi có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo phòng, trừ sâu bệnh và đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Từ năm 2015 - 2019, HTX SXKD DVNN đã mở 63 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 4.500 lượt người, cung ứng 20,6 tấn thóc giống, trên 86 tấn phân bón... đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho bà con. Đặc biệt, xã Lê Lợi còn quán triệt nghiêm việc thực hiện lịch gieo cấy của huyện và quyết liệt chỉ đạo không gieo sạ nên bình quân 5 năm qua năng suất lúa đạt 123,5 tạ/ha. Ngoài ra, xã cũng tập trung quy hoạch và xây dựng cánh đồng lớn ở vùng đồng ngoài 5 thôn để sản xuất lúa hàng hóa. Đồng thời, Đảng ủy, UBND xã có nhiều giải pháp để hạn chế diện tích đất bỏ hoang như tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho thuê đất, mời gọi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Kết quả đến nay đã có gần 29ha ruộng hoang toàn xã được cho thuê.

Bên cạnh đó, xã Lê Lợi cũng chú trọng mời gọi và tạo điều kiện cho các đơn vị có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển ngành nghề tại địa phương. Với các nghề như chạm bạc, mộc, cơ khí, hàn xì, sản xuất chế biến đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nổi bật là nghề chạm bạc với trên 60 cơ sở sản xuất và một mô hình HTX vẫn duy trì và phát triển. Trong đó, HTX Chạm bạc Phú Lợi vẫn tồn tại và giữ được quy mô sản xuất với doanh số 5 năm qua đạt khoảng 6,2 tỷ đồng. Ông Phạm Quang Ngừng, Chủ nhiệm HTX Chạm bạc Phú Lợi cho biết: Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, đến nay HTX vẫn duy trì ổn định. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán hàng nghìn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của HTX đa dạng, phong phú như đồ trang sức, đồ thờ cúng, đồ trang trí nội thất. Một số sản phẩm đặc trưng của HTX được các bạn hàng đánh giá cao, xuất bán sang thị trường Đông Âu như bộ uống cà phê, thìa, dĩa, bộ đồ ăn các loại. Tuy nhiên, thị trường đầu ra ngày càng khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 đã làm cho HTX từ đầu năm đến nay không có đơn hàng mới, sản phẩm ngừng trệ. Để giữ nghề, HTX vẫn duy trì làm nghề, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng, đối tác chờ cơ hội xuất hàng.

Ngoài ra, xã Lê Lợi còn tập trung phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, trong đó phát huy lợi thế có chợ Lụ là trung tâm của khu vực nên hoạt động buôn bán diễn ra sôi động. Các loại hình dịch vụ như vận tải, ăn uống, may mặc, dệt, cơ khí, điện tử... ngày một gia tăng. Toàn xã có trên 700 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại bình quân 5 năm qua đạt 9,32%.

Nhờ có sự phát triển đồng bộ nên tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015 - 2020 ở xã Lê Lợi tăng 10,79%, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 54 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; thực hiện quy vùng, chuyển đổi, quyết tâm không để diện tích hoang hóa. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục duy trì nghề truyền thống chạm bạc, thêu ren theo hướng tăng về số lượng, bảo đảm chất lượng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Chú trọng phát triển dịch vụ theo hướng gắn với sản xuất, tạo động lực cho sản xuất hàng hóa phát triển. Xã Lê Lợi phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng trở lên, tỷ lệ hộ nghèo còn 1%.

Thu Thủy