Chủ nhật, 24/11/2024, 23:39[GMT+7]

Ly nông không ly hương

Thứ 2, 15/06/2020 | 09:02:13
7,340 lượt xem
Doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm từ phát triển nghề may là kết quả mà chị Phạm Thanh Xuân, thôn Quang Trung, xã Đông Xuân (Đông Hưng) đạt được sau nhiều năm phát triển xưởng may với mong muốn ly nông không ly hương, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Chị Phạm Thanh Xuân hướng dẫn công nhân làm việc tại xưởng.

Sau nhiều năm làm công nhân may cho một công ty trong khu công nghiệp Gia Lễ, chị Phạm Thanh Xuân nhận thấy nếu cứ làm công nhân thì cuộc sống vẫn khó khăn. Vì vậy, chị Xuân đã bàn với chồng nghỉ việc ở công ty về nhà gom vốn đầu tư mở xưởng phát triển nghề may. Chị đã đi tham quan các cơ sở may trong và ngoài huyện vừa để học hỏi kinh nghiệm vừa tìm mối nhận hàng về may. Với sự năng động, nhạy bén của mình, chỉ trong một thời gian ngắn chị đã tìm được mối đặt hàng ổn định may quần áo xuất khẩu sang Hàn Quốc.  

Từng làm công nhân may, chị Xuân biết việc tìm lao động ở thời điểm này rất khó khăn. Những người có sức khỏe, có điều kiện thì vào làm tại các công ty, ở nhà chỉ còn người có tuổi, người có con nhỏ… họ vừa muốn có việc làm thêm để tăng thu nhập vừa muốn có thời gian chăm lo cho gia đình. Vì thế, ngoài 20 máy may đặt tại xưởng cho những chị em có điều kiện đến làm, chị Xuân mua thêm 40 máy may đặt tại nhà các chị không có điều kiện đến xưởng. 

Chị Phạm Thanh Xuân cho biết: Lúc mới mở, xưởng chỉ có 5 chị em, sau các chị em thấy công việc nhàn, ổn định nên xin vào làm. Đa phần chị em muốn may hàng tại nhà nên tôi đầu tư máy đặt tại nhà các chị để các chị vừa may vừa tranh thủ trông con nhỏ, làm việc nhà… Một số công đoạn nhẹ nhàng, không cần kỹ thuật tôi vẫn nhận chị em có tuổi vào làm để chị em có thêm thu nhập. Người nào chưa biết việc, chị Xuân trực tiếp hướng dẫn, dạy đến khi họ sử dụng thành thạo máy may, tự may hoàn thiện được sản phẩm không mất phí học nghề nên chị em rất phấn khởi. 

Chị Vũ Thị Loan, làm việc tại xưởng đến nay được 4 năm cho biết: Chúng tôi chủ yếu là những người không thể vào công ty nên xin vào xưởng của chị Xuân làm. Công việc ở đây rất ổn định, chị em giúp đỡ lẫn nhau. Ai có nhu cầu làm thêm buổi tối chị Xuân cũng tạo điều kiện cho làm việc tại nhà. Chúng tôi mong muốn có nhiều nguồn hàng để có lương cao hơn.

Xưởng may của chị Phạm Thanh Xuân tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.


Trong khi nhiều công ty, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì xưởng may của chị Xuân do ký kết đơn hàng từ trước, chủ động nhập nguyên liệu nên công việc không bị gián đoạn. Công nhân vẫn làm việc, hưởng lương bình thường nhưng chủ yếu làm việc tại nhà còn ở xưởng ai đến lấy nguyên liệu, trả hàng đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng chị Xuân xuất gần 4.500 sản phẩm, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/năm. Dù làm tranh thủ kết hợp với việc nhà song mỗi tháng công nhân vẫn được trả từ 3 - 5 triệu đồng/người. Số tiền này cũng giúp được nhiều chị em trong thôn, trong xã có thêm nguồn thu nhập nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. 

Chị Vũ Thị Vẻ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quang Trung cho biết: Chị Phạm Thanh Xuân rất tâm huyết với nghề may, giải quyết nhiều việc làm cho chị em, tạo mọi điều kiện để chị em làm việc. Không chỉ góp phần đưa nghề về quê, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã, chị Xuân còn tích cực tham gia các phong trào của hội và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong thôn để cùng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Với phương châm làm việc có tâm sẽ nâng tầm giá trị nên dù còn nhiều khó khăn nhưng chị Phạm Thanh Xuân vẫn luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng nhằm đưa xưởng may của gia đình ngày càng phát triển, tạo việc làm cho nhiều chị em hơn nữa.

Thu Hiền