Thông cáo báo chí số 18, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Tại phiên thảo luận đã có 11 đại biểu phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết.
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tại phiên thảo luận các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, các ý kiến của đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết; Về tên gọi của Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị nên sửa tên gọi của Nghị quyết; Về đối tượng áp dụng, một số ý kiến đại biểu đề nghị nên áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các đối tượng theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; không nên chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ; Về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, có ý kiến đại biểu cho rằng, cần phân loại rõ các đối tượng được hỗ trợ; về các tiêu chí doanh thu; về nới rộng mức giảm thuế từ 30% lên 40%; Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chính sách hỗ trợ về tín dụng; về gia hạn thời gian kiểm toán, thanh tra tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất; về kỳ tính thuế và chi phí phải thu; Về hiệu lực thi hành Nghị quyết, đa số ý kiến đại biểu đề nghị Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký ban hành và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, trình cơ quan có thẩm quyền về chính sách tổng thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật. Đóng góp vào dự thảo Luật, các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung sau: về tên gọi, phạm vi điều chỉnh; về nhiệm vụ của biên phòng và nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; quyền hạn của bộ đội biên phòng; chế độ, chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân...
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi). Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết, thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) với kết quả:
Về Điều 4, quy định về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên: có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,37%); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng 92,13 % đại biểu có mặt biểu quyết); có 04 đại biểu không tán thành (bằng 0,83%); có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41%).
Về Điều 12, quy định về trách nhiệm đối với Tổ quốc: có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,96%); trong đó, có 443 đại biểu tán thành (bằng 91,72 % đại biểu có mặt biểu quyết); có 06 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,24%).
Về toàn văn dự thảo Luật: có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,96 % đại biểu có mặt biểu quyết); trong đó, có 441 đại biểu tán thành (bằng 91,30 % đại biểu có mặt biểu quyết); có 07 đại biểu không tán thành (bằng 1,45%); có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21%).
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sau đó, Quốc hội biểu quyết, thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với kết quả:
Về Điều 9, quy định về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án: có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,37%); trong đó có 432 đại biểu tán thành (bằng 89,44% đại biểu có mặt biểu quyết); có 15 đại biểu không tán thành (bằng 3,11%); có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83%).
Về Điều 16, quy định về trình tự nhận, xử lý đơn kiện, đơn yêu cầu tại Toà án: có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,17%); trong đó có 432 đại biểu đại biểu tán thành (bằng 89,44% đại biểu có mặt biểu quyết); có 16 đại biểu không tán thành (bằng 3,31%); có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41%).
Về toàn văn dự thảo Luật: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,20%); trong đó có 436 đại biểu tán thành (bằng 90,27% đại biểu có mặt biểu quyết); có 14 đại biểu không tán thành (bằng 2,90%); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,04%).
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu ý kiến; trong đó tập trung vào các nội dung sau: Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; điều kiện được đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương; quy định chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực thi hành; cần làm rõ một số khái niệm nội hàm của một số nội dung được quy định trong Luật; tính khả thi, thời gian, sự bất cập của thời điểm thi hành Luật Cư trú; về địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú mới; việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú; các hành vi bị nghiêm cấm; các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú; trách nhiệm của công dân về cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, nhìn chung, ý kiến của các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Cư trú hiện hành, đồng thời tán thành với nhiều chính sách lớn trong dự án luật và nhiều nội dung của Báo cáo thẩm tra. Các đại biểu Quốc hội đều hoan nghênh việc thay thế việc quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan cần rà soát thêm các khái niệm, thuật ngữ ở trong dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất và chính xác; yêu cầu phải chuẩn bị các điều kiện như việc cấp số định danh cá nhân, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... để bảo đảm luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình dự án và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Thứ tư, ngày 17/6/2020, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). |
Theo: baotintuc.vn
Tin cùng chuyên mục
- Nổ lớn tại nhà máy lọc dầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, rung chuyển khu vực nhà dân xung quanh 26.11.2024 | 10:49 AM
- Google truy quét SEO "ký sinh" 26.11.2024 | 10:51 AM
- Sự kiện đầu tiên về công nghệ màn hình e-ink 26.11.2024 | 10:51 AM
- 5 đội thi vào chung kết Tài năng Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia 26.11.2024 | 10:47 AM
- Những hoạt động nổi bật tại Techfest 2024 26.11.2024 | 10:48 AM
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ 26.11.2024 | 10:04 AM
- Dịch vụ kiểm soát côn trùng chuyên nghiệp – Giải pháp toàn diện cho mọi gia đình và doanh nghiệp 26.11.2024 | 10:52 AM
- Hanoi Explore Travel - Đơn vị tổ chức tour du lịch tại Hà Nội uy tín số 1 26.11.2024 | 10:52 AM
- Huyền thoại bóng đá nữ Marta vô địch giải nhà nghề Mỹ 26.11.2024 | 10:05 AM
- Giá vàng miếng SJC giảm hơn 1 triệu đồng/lượng 26.11.2024 | 10:05 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh