Thứ 3, 23/07/2024, 00:32[GMT+7]

Những ngày không thể quên

Thứ 6, 19/06/2020 | 16:10:01
1,984 lượt xem
Việt Nam đã chiến thắng dịch Covid-19 như một kỳ tích. Cùng với cả nước, cán bộ, nhân dân Thái Bình đã nỗ lực thực hiện các giải pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch. Đồng hành cùng các bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch có lực lượng phóng viên trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.

Phóng viên tác nghiệp tại khu cách ly tập trung của tỉnh.

Lao vào điểm nóng

Để kịp thời đưa những thông tin mới, hình ảnh chân thực nhất về tình hình dịch bệnh trong tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và cả việc phòng, chống dịch của người dân, các phóng viên đã bám sát cơ sở, không kể ngày đêm dù biết sẽ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

Ngày 26/2, giữa thời điểm dịch Covid-19 bước vào đỉnh dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới, có nguy cơ cao lây lan rộng tại Việt Nam, khu cách ly tập trung của tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Đêm ngày 2/3, cùng với hàng trăm cán bộ y tế, chiến sĩ làm việc tại khu cách ly tập trung, các phóng viên cũng nóng lòng chờ đón 100 công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc. 1 giờ 30 phút sáng, những chuyến xe đón người trở về từ vùng dịch đã xuất hiện. Trong trang phục bảo hộ đúng quy định, các phóng viên nhanh chóng vào cuộc tác nghiệp, ghi lại hình ảnh cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang chạy đua với thời gian thực hiện tiếp nhận, lấy thông tin, mẫu xét nghiệm, hướng dẫn nội quy, quy định cho người cách ly và ghi lại cả cảm xúc của người cách ly khi được trở về quê hương, được đồng bào quan tâm, chăm sóc. Trở về nhà khi trời đã rạng sáng, các phóng viên lại miệt mài viết các tin, bài mới để chuyển tải tới độc giả nhanh chóng và chính xác nhất.

Liên tiếp các đợt đón công dân Việt Nam từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga về khu cách ly tập trung của tỉnh được thực hiện những ngày sau đó. Bất kể ngày hay đêm, nhận được điện thoại từ cơ sở, phóng viên lập tức lên đường. Tác nghiệp ở 3 điểm nóng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao là khu cách ly tập trung của tỉnh; Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nếu chỉ một phút lơ là, bất cẩn, phóng viên rất dễ lây nhiễm bệnh trong quá trình tác nghiệp. Thế nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, ai ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đưa thông tin kịp thời tới độc giả. 

Chị Hoàng Thía, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi cũng không thể tin rằng mình đã trải qua những ngày như thế, những ngày làm việc chưa từng có. Bản thân là cán bộ làm công tác tuyên truyền trong ngành Y, chúng tôi đã quen và luôn sẵn sàng với những tình huống bất ngờ về dịch bệnh nhưng đại dịch lần này vượt qua dự đoán. Vừa lo phòng, chống dịch cho bản thân, lo cho gia đình, người thân nhưng luôn bảo đảm phải hoàn thành nhiệm vụ, đưa những thông tin quan trọng, đầy đủ, chính xác, kịp thời về dịch bệnh và chuyển tải những khuyến cáo, các biện pháp phòng, chống dịch dễ hiểu, dễ nhớ tới người dân và cộng đồng. Không ngại khó, ngại khổ mà tôi còn cảm thấy tự hào khi tác nghiệp về những đề tài khó để đưa đến độc giả những hình ảnh, thông tin chân thực nhất trong nỗ lực phòng, chống dịch nơi tuyến đầu.

Phóng viên Báo Thái Bình xem lại hình ảnh tác nghiệp tại khu cách ly tập trung.

Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao

Diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể đến với bất cứ ai, nhất là đối với bác sĩ và phóng viên. Phải tuyệt đối an toàn và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cho mình đó là lời dặn dò của lãnh đạo cơ quan, trưởng phòng và đồng nghiệp trước khi tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm, xông pha vào những điểm nóng. Dù đã được trang bị quần áo bảo hộ nhưng sau mỗi lần tác nghiệp, phóng viên vẫn tự ý thức cách ly với gia đình, đồng nghiệp, nhất là khi họ vừa tiếp xúc ở khu cách ly tập trung của tỉnh hay bệnh viện có người dương tính với Covid-19. Từ những người trực tiếp phản ánh việc cách ly, nhiều phóng viên cũng trở thành người bị cách ly, phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. 

Phóng viên Tất Đạt, Báo Thái Bình chia sẻ: Được phân công theo dõi, viết tin, bài về hoạt động cách ly, sau đợt đón công dân từ Nga trở về, trong đó có người dương tính với Covid-19, tôi cùng một số đồng nghiệp được lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly tại gia đình. Tự cách ly đồng nghĩa với mọi sinh hoạt trong gia đình cũng bị đảo lộn hoàn toàn. Con nhỏ, tôi phải đưa về quê cho ông bà chăm sóc, bản thân tôi ở một phòng riêng, không gặp gỡ ai. Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm Covid-19 đôi lúc cảm giác hoang mang và có chút lo sợ. Thế nhưng, thời gian ở nhà cách ly, anh chị em phóng viên thường xuyên gọi điện, động viên nhau, vì thế tình cảm đồng nghiệp cũng thêm gần gũi, gắn bó. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, tất cả như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. 

Phóng viên Tất Đạt chia sẻ: Có ở trong hoàn cảnh ấy, tôi mới hiểu được cảm xúc, suy nghĩ của những người đang bị cách ly từ đó có những bài viết hay và sâu sắc hơn.  

Báo Thái Bình đến với bạn đọc tại khu cách ly tập trung. Ảnh: Hà Dung 

Tác nghiệp vào thời điểm có dịch Covid-19, không chỉ có riêng phóng viên viết phòng, chống dịch mới vất vả, nguy hiểm mà tất cả các phóng viên dù theo dõi ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng luôn là đối tượng nguy cơ cao vì công việc vẫn phải tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày. Khẩu trang, găng tay y tế, nước sát khuẩn là những vật dụng không thể thiếu trong túi đồ tác nghiệp của mỗi phóng viên. Nhiều phóng viên còn trang bị thêm áo mưa dùng một lần để đem theo phòng khi cơ sở thiếu đồ bảo hộ y tế.

Trong cuộc đời làm báo của mỗi phóng viên sẽ có nhiều kỷ niệm khó quên nhưng những ngày tác nghiệp về phòng, chống dịch Covid-19 có lẽ sẽ là kỷ niệm khó quên nhất. Đại dịch đã giúp mỗi người nhận rõ giá trị cuộc sống, biết chăm lo và giữ gìn tài sản lớn nhất của cuộc đời mỗi người đó là sức khỏe. Với riêng phóng viên, đại dịch Covid-19 còn là cơ hội để chúng tôi trải nghiệm việc tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn, rủi ro và nguy hiểm, từ đó trưởng thành, bản lĩnh hơn, thêm tự hào về nghề báo, một nghề nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang.

Hoàng Lanh