Thứ 6, 22/11/2024, 21:29[GMT+7]

Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sau đại dịch (Kỳ 3)

Thứ 2, 22/06/2020 | 09:30:54
3,999 lượt xem
Không chỉ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, bản thân các doanh nghiệp cũng tự đổi mới, sáng tạo, tự gỡ khó cho mình để hoạt động hiệu quả, phát triển hơn. Những việc làm đó đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan về sự phục hồi tích cực của ngành Công Thương nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.

Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng. Ảnh: Thành Tâm

Kỳ 3: Những tín hiệu khả quan (Tiếp theo và hết)

Doanh nghiệp tự gỡ khó

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” thật đúng với những gì mà Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (cụm công nghiệp Tân Minh, huyện Vũ Thư) đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Thay vì chờ đợi khó khăn của dịch đi qua và sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, Ban lãnh đạo Công ty đã chủ động tập trung nghiên cứu nhu cầu thị trường, nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm mới có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt phục vụ người tiêu dùng. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh nhằm phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia. Doanh thu trong 5 tháng đầu năm 2020 của Công ty ước đạt gần 300 tỷ đồng; riêng trong quý I/2020, cao điểm khó khăn của dịch Covid-19 gây ra, doanh thu vẫn đạt 156 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn tại Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (thành phố Thái Bình), trong những ngày nghỉ giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Công ty đã tận dụng thời gian để sắp xếp lại quy trình kinh doanh, bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động, đổi mới dịch vụ bán hàng, sau bán hàng và cải tạo, nâng cấp hệ thống cửa hàng, showroom ô tô, xe máy. Chính sự thay đổi đó đã tạo sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp và thu hút người tiêu dùng đến mua sắm tại các đại lý, cửa hàng của Công ty nhiều hơn sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Hay như ở Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor, ngay sau khi hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Công ty đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp với quan điểm “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất”. Theo đó, Công ty đã cấu trúc lại bộ máy, quy trình công nghệ sản xuất; chủ động tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới, sản xuất đa dạng các loại hình sản phẩm, từ đó duy trì và bảo đảm được thu nhập cho gần 200 cán bộ, người lao động trong Công ty.

Không chỉ Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor mà nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng có những giải pháp riêng, vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (Quỳnh Phụ) đi vào hoạt động ổn định ngay sau thời gian giãn cách xã hội, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho gần 200 lao động. Ảnh: Minh Đức

Những tín hiệu khả quan

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cộng với sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp nên mặc dù bị tác động không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất của ngành Công Thương vẫn có sự phát triển đáng ghi nhận. Vào thời gian cao điểm khó khăn của dịch Covid-19, toàn tỉnh có gần 90 doanh nghiệp phải tạm dừng toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sản xuất, song đến hết tháng 5/2020, toàn tỉnh chỉ còn 3 doanh nghiệp phải tạm dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất và 45 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm và giảm sản lượng sản xuất. Sự hoạt động trở lại của các doanh nghiệp đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại trở lại quỹ đạo tăng trưởng. 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 26.563 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 18.740 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 522 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 484 triệu USD. Mặc dù các chỉ số phát triển công nghiệp và thương mại 5 tháng qua đều giảm so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn tăng ở mức hơn 11% trong quý I/2020. Tín hiệu phục hồi sản xuất công nghiệp, thương mại đang trở nên khả quan. Riêng trong tháng 5/2020, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.380 tỷ đồng, tăng 15,4% so với tháng 4/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 3.681 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tháng 4/2020 và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,7% và kim ngạch nhập khẩu tăng 24% so với tháng 4/2020.

Bà Trần Thị Kim Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng

Quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không bao giờ hết khó khăn, xác định được điều đó nên đợt dịch Covid-19 vừa qua Công ty luôn chủ động tìm các giải pháp để vượt qua. Với doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm như Bảo Hưng, chỉ có con đường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm và xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường là con đường duy nhất giúp Công ty duy trì phát triển ổn định và bền vững trước mọi khó khăn.

Ông Shu Wen Shang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Creative Source Việt Nam

Có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, giải quyết việc làm cho công nhân. Vừa qua, chúng tôi đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn cung ứng nguyên liệu nước ngoài để bảo đảm không bị đứt gãy hợp đồng. Cùng với đó, Ban lãnh đạo Công ty cũng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bảo vệ sức khỏe cho công nhân làm việc thường xuyên. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Công ty đã nhanh chóng xúc tiến hoạt động xuất nhập khẩu trở lại, hạn chế tới mức tối đa hàng hóa tồn kho và ký kết những hợp đồng sản xuất mới với các đối tác.

Ông Trịnh Thanh Định, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP

Khi Công ty gặp khó khăn, Ban Chấp hành Công đoàn đã sớm bàn và thỏa thuận với Ban lãnh đạo Công ty để có những cơ chế hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập cho người lao động ổn định cuộc sống. Đồng thời, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cũng tích cực tuyên truyền, vận động người lao động chia sẻ, yên tâm gắn bó với Công ty cùng vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty không bị xáo trộn, các đơn hàng xuất khẩu vẫn được thực hiện kịp thời, sản phẩm luôn giữ được chất lượng cao và uy tín thương hiệu của Công ty ngày càng phát triển.


Minh Hương - Khắc Duẩn