Hành trình đưa xã hội Việt Nam lên màn ảnh của nhà làm phim người Pháp
Tình yêu đến từ cái nhìn đầu tiên
Lần đầu tiên đến tới Việt Nam vào năm 2002, hai con người trẻ khi đó đã ngay lập tức tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận từ vẻ duyên dáng của con người và xã hội nơi đây.
Stéphanie kể lại: “Ngay lập tức chúng tôi đã cảm thấy Việt Nam thật thân quen, có cái gì đó rất thân thương và gần gũi trong cuộc sống ở đây… Một sức sống năng động và những người dân thật tình cảm”.
Hai nghệ sĩ đến những quá cà phê, trò chuyện với dân bản địa để tìm kiếm chất liệu cho những bộ phim.
François khi đó vẫn là sinh viên của trường đại học Gobelins danh tiếng Paris, còn Stéphanie là nghệ sĩ đồ hoạ, tốt nghiệp khoa Thiết kế và Dệt may của trường đại học Olivier de Serries. Việt Nam có thể coi là một trong những nguồn cảm hứng đầu tiên trong sự nghiệp làm điện ảnh của hai nghệ sĩ trẻ.
Có lẽ ngay chính bản thân họ cũng chẳng thế lý giải sức hút lạ kì của Việt Nam. Stéphanie nói: “Có một thứ cảm xúc không biết phải giải thích thế nào. Tôi chỉ thấy nơi này giống ngôi nhà của mình, ở xa ngôi nhà ở Pháp. Chúng tôi muốn diễn tả cảm xúc đó trong phim”.
Và từ đó, họ đến thăm Việt Nam nhiều hơn, thường xuyên qua lại hai thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Hai nghệ sĩ chia sẻ: “Để có thể thực sự mang đến một Việt Nam chân thật lên màn ảnh, mỗi năm trong suốt thời gian từ 2005-2015, chúng tôi dành từ 4 đến 6 tháng để ghé thăm nơi này”.
Họ trò chuyện cùng những người dân bản địa, nhâm nhi những ly cà phê đá ở các góc phố, góp nhặt từng mảnh ghép nhỏ trong đời sống hằng ngày, trong chất liệu của văn hoá Việt. Họ nói tiếng Việt Nam và dễ dàng hoà nhập cùng con người nơi đây. Người ta dần quen với hình ảnh hai “ông bà Tây” ngày ngày cầm theo chiếc máy quay nhỏ và chiếc micro để ghi lại âm thanh đa dạng của cuộc sống.
Họ chia sẻ: “Cảm hứng đến một cách dồn dập từ mọi nơi, trong cuộc sống hằng ngày. Nó thôi thúc chúng tôi phải làm phim thôi. Cảm xúc từ những quán cà phê, những buổi vi vu trên xe máy đường phố Hà Nội, từ những bài hát của các nghệ sĩ hát rong đường phố. Việt Nam trong ấn tượng ban đầu thật đầy màu sắc”.
Quan sát Việt Nam như một người trong cuộc
Mới đầu, do chưa hiểu rõ về xã hội Việt Nam, tác phẩm đầu tay của hai nghệ sĩ trẻ lấy cảm hứng từ những câu chuyện ngụ ngôn dân gian. Bộ phim đầu tay dài chưa đầy 14 phút mang tựa đề “Bonsoir monsieur Chu (Xin chào ông chủ)” xoay quanh tục phóng sinh dịp rằm tháng Bảy ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Phim kể về cậu bé tên Hải lần đầu nhặt được một chú chim và lưỡng lự khi mọi người khuyên thả đi cho đúng tinh thần xá tội vong nhân.
“Khi đó chúng tôi chưa có sự trải nhiệm nhiều về xã hội Việt Nam. Nên chưa thể làm một tác phẩm hoàn chỉnh phản ánh xã hội. Vì thế chúng tôi viết kịch bản trong ánh mắt của một đứa trẻ. Khi đó chúng tôi cũng chỉ như một đứa trẻ ở nơi đây” – hai nghệ sĩ nhớ lại những ngày tháng đầu tiên đến Việt Nam và làm bộ phim đầu tay.
Nhiều người sau khi xem xong bộ phim “Xin chào ông chủ” đã phải thốt lên: “Sài Gòn quá!”. Một Sài Gòn lung linh và ngập tràn ánh sáng lần đầu tiên bước vào tác phẩm. Giữa đèn đường sáng óng ánh như kính vạn hoa, Sài Gòn có xe máy, có góc phố, hèm nhỏ, có những câu ca quan họ bay vút vào không trung. Âm thanh của bài ca “Người ơi người ở đừng về” phảng phất. Rồi cả màu sắc đậm đà văn hoá của tục Cúng Rằm tháng Bảy, khi người ta đốt vàng mã ngoài đường, cúng đồ ăn trên mâm, hay chơi múa lân ở nhiều nơi… François chia sẻ: “Ngay cả khi chỉ là người ngoài, bạn cũng có thể thấy tôn giáo đang sống ở nơi đây”.
Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất trong quá trình làm phim, hai nghệ sĩ chia sẻ: “Đó là về mặt hình ảnh”. Để có thể tạo nên một “Sông Hồng” với bối cảnh cầu Long Biên chân thật nhất, họ đã phải thu lại 1000 bức ảnh cùng như nhiều đoạn video khác nhau. “Phải mất đến một năm rưỡi mới hoàn thành “Sông Hồng” dài chưa đầy 15 phút” – Cặp đôi nói – “Việt Nam chuyển mình nhanh chóng quá. Nhiều thứ chúng tôi dự định đưa vào phim, đến khi chuẩn bị hoàn tất thì đã khác lắm rồi. Chỉ trong khoảng 1 năm, những nghệ sĩ đường phố ở Hà Nội đã hoàn toàn vắng bóng, thay vào đó là những ca sĩ hát có nhạc nền với những bộ loa khủng”.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả chia sẻ, họ cảm thấy ngạc nhiên khi nghe được những âm thanh rất “Việt” trong những bộ phim của 2 nhà làm phim Pháp. Và quả thật, để xây dựng được bộ âm thanh cho từng bộ phim không hề dễ dàng. Trong một lần quay lại Việt Nam, François mang theo một chiếc radio và thu lại những bài hát từ mấy đài phát thanh mà anh nghe được. Anh mất rất nhiều thời gian để chọn một đoạn chầu văn và một đoạn...nhạc chế cho có mùi “đường phố” của Sài Gòn. Họ dành nhiều thời gian để nghe đi nghe lại hàng trăm bản nhạc Việt, sau đó gửi sang cho một nhạc sĩ bên Pháp để nhờ anh ta giúp đỡ về mặt âm thanh.
Những tác phẩm của hai nhà làm phim có sự đan xen giữa ảnh thật và nghệ thuật hoạt hình 2D.
Xuyên suốt trong các tác phẩm của họ là sự đan xen, lồng ghép giữa nghệ thuật ảnh ảo 2D và ảnh thật. Hình ảnh cầu Long Biên, sông Hồng, nhà ga là ảnh thật, tờ tiền là hình ảnh thật, song các nhân vật trong phim như cậu bé trong “Sông Hồng”, cô bé trong “Cà phê lạnh” là hình ảnh ảo.
Hai nghệ sĩ cho biết thêm: “Việc lồng ghép cả hình ảnh thật và ảo muốn ám chỉ những câu chuyện ở đây vừa là những câu chuyện đặc trưng hằng ngày lại vừa là sản phẩm của mà chúng tôi tưởng tượng ra. Nó quen thuộc song không phải câu chuyện thật. Những câu chuyện chỉ đại diện cho xã hội và cuộc sống người Việt Nam”. Không chỉ vậy, theo hai nghệ sĩ, việc phối hợp giữa ảnh ảo và ảnh thật còn tạo ra cho những tác phẩm một lăng kính nhiều màu. “Chúng tôi muốn người xem nhìn thấy Việt Nam qua nhiều lăng kính. Thật như phim quay, màu sắc như hoạt hình”.
Có một điểm đặc biệt trong những bộ phim của hai nghệ sĩ đó là hình ảnh cái chết luôn được nhắc đến và trở thành trung tâm xuyên suốt. Dù không hề muốn khoét sâu vào nỗi buồn và những chủ đề nghiêm trọng, song hai người họ cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã sống ở Việt Nam đủ lâu để hiểu về những áp lực và vất vả của con người nơi đây. Trong bộ phim “Cà phê lạnh”, cuộc sống khắc nghiệt, bởi vì nó khắc nghiệt với hàng triệu người Việt Nam. Đặc biệt với những hộ có mô hình kinh doanh nhỏ. Bạo lực tâm lý, điều kiện sống khó khăn, làm việc suốt ngày và liên tục, cả ngày cả đêm. Đó là hiện thực”. Qua lăng kính của chính những “người ngoài cuộc”, có một Việt Nam trần trụi và chân thật đến từng chi tiết hiện ra.../.
Theo vov.vn
Tin cùng chuyên mục
- Cách làm càng ghẹ rang me siêu ngon tại nhà 22.11.2024 | 19:07 PM
- Kiến Xương: Tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2024 22.11.2024 | 19:04 PM
- Thành phố: Tăng cường bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường 22.11.2024 | 19:06 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- VFF đặt mục tiêu giành 2 suất dự World Cup trong năm 2025 22.11.2024 | 17:10 PM
- Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá 22.11.2024 | 17:06 PM
- Hội nghị tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Giá năm 2023 22.11.2024 | 17:04 PM
- Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm trên không gian mạng 22.11.2024 | 16:14 PM
- Tập huấn cán bộ chủ chốt hội cựu chiến binh toàn tỉnh 22.11.2024 | 16:15 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh