Thứ 5, 07/11/2024, 23:33[GMT+7]

Thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Thứ 2, 29/06/2020 | 15:08:37
2,056 lượt xem
Tham gia vùng chuyển đổi tại địa phương, gia đình ông Phan Văn Lưu ở thôn Nguyệt Lâm 1, xã Vũ Bình (Kiến Xương) đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đắp bờ bao xung quanh ruộng lúa để nuôi cáy tự nhiên, nhờ đó mà thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Nuôi cáy kết hợp chăn nuôi tổng hợp giúp gia đình ông Lưu tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Là hộ thuần nông, trước đây gia đình ông Lưu tận dụng diện tích đất thổ cư để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, gia cầm. Vì diện tích chật hẹp, số lượng nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Trong khi đó, hoạt động chăn nuôi ở khu dân cư đã ảnh hưởng đến môi trường và những hộ xung quanh vì chất thải hàng ngày từ gia súc, gia cầm bốc mùi, phát sinh ruồi, muỗi. Đang loay hoay tìm hướng để khắc phục khó khăn thì đúng thời điểm UBND xã Vũ Bình có chủ trương chuyển đổi vùng đất bãi ven sông Hồng tại địa phương sang phát triển các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ông Lưu đã đăng ký tham gia với diện tích gần 1.500m2.

Thời gian đầu ra vùng chuyển đổi, do chưa có vốn cải tạo đất đai, xây dựng chuồng trại và thiếu kinh nghiệm nên ông Lưu vẫn tận dụng diện tích đất bãi chủ yếu để cấy lúa, kết hợp nuôi thêm lợn và gia cầm. Tuy nhiên, do vùng chuyển đổi giáp sông Hồng, mỗi khi nước lên đưa theo con cáy tràn vào ruộng đã cắp cây lúa nên năng suất rất thấp. Mặc dù cấy lúa không hiệu quả nhưng ông đã tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế của gia đình đó là nuôi cáy tự nhiên kết hợp chăn nuôi gia súc. Ông lấy đất đắp bờ bao xung quanh ruộng chắc chắn vừa tránh cáy bị thất thoát, vừa làm chỗ để cáy đào hang trú ngụ, bên trong ruộng để cây cỏ mọc tự nhiên tạo nguồn thức ăn cho cáy. Diện tích xung quanh ruộng nuôi cáy được tận dụng trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại nuôi lợn và bò với số lượng lớn.

Ông Lưu cho biết: 70% diện tích khu chuyển đổi là đất ruộng được dành để nuôi cáy. Con cáy giống như “lộc trời” ban cho gia đình tôi vì không phải mất chi phí mua con giống và thức ăn, chỉ cần giữ môi trường tự nhiên trong sạch để cáy sống và sinh sản. Mùa thu hoạch cáy thường vào thời kỳ nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, tôi chỉ cần đặt bẫy bắt cáy và có thương lái đến thu mua. Với 3 sào ruộng nuôi cáy, mỗi tháng thu hoạch từ 30 - 40kg bán với giá 80.000 đồng/kg tôi thu được khoảng 3 triệu đồng, mỗi năm lãi gần 20 triệu đồng từ nuôi cáy. Còn với diện tích chuồng trại, tôi thường xuyên nuôi 10 - 15 con lợn nái, lợn thịt và 8 - 10 con bò sinh sản, bò thương phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 nên tôi không nuôi lợn nữa, chỉ tập trung nuôi bò sinh sản và bò thương phẩm. Mỗi năm đàn bò sinh sản lần lượt đẻ gối nhau từ 4 - 5 con bê, nếu là bê cái sẽ giữ lại làm giống, còn bê đực nuôi vỗ béo từ 6 - 8 tháng bán được khoảng 12 triệu đồng/con. Từ chăn nuôi tổng hợp, gia đình tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, gia đình ông Lưu đã nỗ lực lao động sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.


Thanh Huyền