Thứ 2, 25/11/2024, 04:01[GMT+7]

Vinh danh nghề làm nước mắm Nam Ô

Chủ nhật, 05/07/2020 | 14:45:55
7,223 lượt xem
Ngày 4/7, TP. Đà Nẵng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề làm nước mắm Nam Ô.

Nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2974/QĐ-BVHTT&DL ngày 27/8/2019.

Có tuổi đời hàng trăm năm, với hương vị thơm ngon, đậm đà, nước mắm Nam Ô từng là “sản vật” tiến vua. Tuy nhiên, không chỉ mang giá trị ẩm thực độc đáo, đây còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc, hàm chứa giá trị lịch sử, tri thức dân gian, thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương vùng biển.

Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết nước mắm Nam Ô đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, không chỉ thuần giá trị vật chất, mà còn là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng quê.

Nghề làm nước mắm Nam Ô đã trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy Bằng chứng nhận “Nghề làm nước mắm Nam Ô” là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của người dân trong việc giữ gìn nghề truyền thống và là động lực để phát huy giá trị làng nghề, đưa thương hiệu nước mắm Nam Ô đi xa hơn nữa.

Làng nghề nước mắm Nam Ô hiện có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia Hội làng nghề truyền thống với 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô chia sẻ qua nhiều thế hệ, người Nam Ô hiện nay vẫn giữ được bí quyết để làm nước mắm truyền thống và tự hào khi nghề làm nước mắm được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Bà con làng nghề sẽ cố gắng nỗ lực hết mình trong việc truyền nghề, dạy nghề để bảo vệ, phát huy di sản, để di sản luôn là báu vật của người làng Nam Ô hôm nay, là tài sản thừa kế của con cháu mai sau”, ông Trần Ngọc Vinh khẳng định.

Nhân dịp này, TP. Đà Nẵng công bố Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô” với tổng kinh phí đầu tư hơn hơn 46 tỷ đồng. Đề án nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, các tập quán, sản phẩm làng chài, và bảo tồn nghề làm nước mắm truyền thống của vùng Nam Ô; tạo điều kiện cho người dân làm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo chinhphu.vn