Thứ 2, 25/11/2024, 07:15[GMT+7]

Gỡ khó cho cấy máy

Thứ 4, 08/07/2020 | 09:10:30
3,336 lượt xem
Cấy bằng máy được xem là giải pháp mang tính tất yếu trong xu thế phát triển của nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm tạo ra sản phẩm an toàn... Hiệu quả thấy rõ, song việc áp dụng phương pháp tiên tiến này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nông dân huyện Đông Hưng cấy lúa mùa.

Mang lại nhiều hiệu quả

Từ 2 năm trở lại đây, mỗi khi mùa vụ đến, bà Phạm Thị Mai, xã Dương Phúc (Thái Thụy) không còn phải lo chạy đua với thời vụ hay đôn đáo tìm người cấy thuê bởi đã có dịch vụ mạ khay, cấy máy của trung tâm sản xuất mạ khay Kubota Nguyễn Văn Công đảm nhận. Bà Mai chia sẻ: Trước đây, mỗi khi vào mùa vụ gieo cấy, chúng tôi rất vất vả, nào là làm đất, ngâm ủ hạt giống, gieo... Đã thế, chẳng may gặp thời tiết bất thuận còn phải gieo đi gieo lại. Tới khi mạ đủ tuổi cấy lại lo tìm người cấy thuê cho kịp thời vụ, đặc biệt ở vụ mùa. Với những gia đình neo người, thiếu lao động, việc thuê mướn nhân công rất tốn kém, không bảo đảm được   thời vụ. Tuy nhiên, từ vụ mùa năm 2018 đến nay, với việc đưa máy cấy vào sản xuất, tôi không phải động tay, mọi việc đã có trung tâm mạ khay lo, 1 sào chỉ cấy trong 20 phút là xong. Hạch toán kinh tế cho thấy, áp dụng mạ khay, cấy máy, nông dân chúng tôi giảm chi phí từ 100.000 - 150.000 đồng/sào so với gieo cấy bằng phương pháp thủ công mà năng suất lại tăng từ 10 - 15% nên bà con rất phấn khởi.

Những năm gần đây, nông dân Thái Bình đã áp dụng hiệu quả phương thức mạ khay, cấy máy vào sản xuất. Lúa cấy bằng máy nông, thưa nên khả năng đẻ nhánh khỏe, ruộng thông thoáng, ít sâu bệnh, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này giúp nông dân tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, năng suất tăng cao... Ngoài ra, việc sử dụng mạ khay, cấy máy còn giúp các HTX quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm. Khâu làm đất, thu hoạch đã đưa máy móc vào hoạt động và nay đưa mạ khay, cấy máy vào gieo cấy thì gần như quá trình sản xuất lúa đã được cơ giới hóa toàn bộ, giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất cũng như thu nhập cho người trồng lúa. Mặt khác, phương pháp này còn góp phần làm thay đổi nhận thức cho nông dân, giúp họ từ bỏ tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, tạo sự liên kết trong sản xuất, thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất.

Nhưng vẫn khó mở rộng

Từ những ưu việt của phương pháp này nên hiện nay nhu cầu sử dụng mạ khay, cấy máy là rất lớn. Tuy nhiên, việc nhân rộng hình thức sản xuất này đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, trang bị máy cấy của tỉnh cũng như các địa phương, tuy nhiên diện tích cấy bằng máy toàn tỉnh trong khoảng 2 năm nay vẫn chỉ duy trì đạt mức trên 3.000ha mỗi vụ (khoảng 4% diện tích gieo cấy).

Để mở rộng diện tích cấy bằng máy cần có mặt bằng để khay mạ.

Là một trong những “đại điền chủ” với gần 100 mẫu ruộng trong tay, ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (Kiến Xương) đã đầu tư máy cấy công suất lớn, máy gieo mạ và 8.000 khay mạ để phục vụ sản xuất cho gia đình cũng như cấy thuê cho người dân. Ông Dân cho biết: Ngoài diện tích ruộng của gia đình, tôi còn đảm nhận trên 100 mẫu của người dân trong và ngoài xã, từ làm đất, gieo mạ đến cấy máy. Trong khi nhu cầu thuê máy cấy của người dân tăng cao, năng lực của gia đình tôi có thể đáp ứng cấy cho khoảng 300 mẫu ruộng, tuy nhiên do khó khăn về mặt bằng chứa khay mạ nên tôi chưa thể mở rộng dịch vụ tới đông đảo người dân. Hiện tại, tôi đã có được mặt bằng ổn định rộng 8 sào. Với diện tích này, tôi chỉ có thể sản xuất được khoảng 8.000 khay mạ để cấy cho 100 mẫu ruộng. Tôi vẫn phải mua thêm khay mạ hoặc kéo giãn thời vụ để quay vòng có mặt bằng gieo mạ.

Theo ghi nhận từ nhiều chủ máy cấy, để đầu tư làm mạ khay, cấy máy, nông dân phải đầu tư một khoản khá lớn mua máy móc và hệ thống khay. Đó là chưa kể các yêu cầu về cơ sở hạ tầng như kho bãi, nhà xưởng (chứa máy móc, giá thể) và diện tích đất tập kết khay mạ. Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể từ nơi khác dẫn đến thiếu sự chủ động và làm tăng chi phí sản xuất. Đây chính là nguyên nhân khiến cấy máy khó có thể mở rộng mặc dù nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao.

Trung tâm mạ khay ra đời

Năm 2019, Công ty TNHH Kubota Việt Nam thông qua đại lý tại Thái Bình là Công ty TNHH Thiên Trường Plaza thành lập trung tâm sản xuất mạ khay Kubota Nguyễn Văn Công (xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy). Đây là trung tâm mạ khay đầu tiên của tỉnh với mục đích thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, giảm chi phí sản xuất, nhân công, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến nay, Công ty TNHH Thiên Trường Plaza đã và đang hỗ trợ thành lập khoảng 10 trung tâm mạ khay trên địa bàn tỉnh, mục tiêu trong năm 2020 sẽ thành lập được 15 trung tâm mạ khay ở 8 huyện, thành phố. Đánh giá về sự ra đời của các trung tâm mạ khay, ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Việc thành lập các trung tâm mạ khay thực sự rất cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay, trong bối cảnh lao động nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu; phù hợp với chủ trương mở rộng diện tích cấy bằng máy mà ngành Nông nghiệp đang khuyến cáo. Để cấy bằng máy bắt buộc cần có những khay mạ đạt chuẩn, trong khi khả năng của chủ máy không thể đáp ứng được số lượng lớn khay mạ, họ hoàn toàn có thể tìm mua mạ khay chất lượng từ các trung tâm này. Chúng tôi  đang phối hợp thực hiện dịch vụ mạ khay, cấy máy cho thành viên với số lượng khay mỗi vụ khoảng trên 13.000 khay. HTX đã tiếp cận đến các tiêu chuẩn để thành lập trung tâm mạ khay của Kubota, từ mặt bằng đến năng lực tiêu thụ, chúng tôi đều đáp ứng yêu cầu. Hy vọng trong thời gian tới, Công ty TNHH Thiên Trường Plaza sẽ hỗ trợ, hướng dẫn để HTX thành lập trung tâm mạ khay, mở rộng diện tích cấy bằng máy trong toàn xã.

Công ty TNHH Thiên Trường Plaza trình diễn cấy bằng máy tại xã Tân Phong (Vũ Thư).

Ông Bùi Văn Tưởng, Giám đốc điều hành trung tâm máy nông nghiệp, Công ty TNHH Thiên Trường Plaza cho biết: Kubota thành lập những trung tâm mạ khay với mục đích đây sẽ là nơi sản xuất và phân phối mạ khay đạt tiêu chuẩn cho khách hàng sử dụng máy cấy Kubota cũng như khách hàng cấy tay truyền thống. Các trung tâm mạ khay hoạt động với sự hỗ trợ trực tiếp từ đại lý tại Thái Bình là Công ty TNHH Thiên Trường Plaza và thường xuyên được các chuyên gia từ Kubota Việt Nam và Nhật Bản kiểm tra chất lượng trong suốt mùa vụ sản xuất. Tại Thái Bình, hầu hết các trung tâm mạ khay đều là các điển hình về tích tụ ruộng đất. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ họ trong chuyển giao kỹ thuật, cung cấp hệ thống máy móc mà còn liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm (khay mạ) để các trung tâm hoạt động 100% công suất. Hoạt động của các trung tâm bước đầu cho thấy thành công và ảnh hưởng tích cực trong việc chuyển đổi phương thức gieo cấy tại địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển tối đa mô hình cho từng trung tâm, xây dựng các trung tâm mạ khay đạt chuẩn Kubota mới, phấn đấu mỗi huyện có khoảng 10 trung tâm.

Những lợi ích của cấy máy đã và đang được minh chứng qua thực tế sản xuất. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích cấy bằng máy, ngoài cơ chễ hỗ trợ kinh phí mua máy cấy, cần nhiều hơn nữa những chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ giới hóa trong khâu gieo cấy như: tạo điều kiện về mặt bằng để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ; quy hoạch đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung.

Ngân Huyền