Thứ 5, 09/01/2025, 04:20[GMT+7]

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2020) Tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức Việt Nam yêu nước

Thứ 6, 10/07/2020 | 08:42:45
9,950 lượt xem
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ thăm và làm việc tại Nhà máy dệt Thành Công (Thành phố Hồ Chí Minh) năm 1984. Ảnh tư liệu

Năm 11 tuổi Nguyễn Hữu Thọ được gia đình cho đi du học tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật hạng ưu (năm 1932), với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, ông đã trở về Tổ quốc, hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông là một trong các trí thức yêu nước ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông tích cực tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp nhân dân Nam Bộ… Ngày 16/10/1949, Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong phong trào trí thức và bị thực dân Pháp bắt tháng 6/1950, bị giam ở Lai Châu và Sơn Tây tháng 11/1952. Sau khi được trả tự do, ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó Chủ tịch phong trào Bảo vệ hòa bình.

Năm 1954, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và giam tại Phú Yên. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960, đồng chí đang bị quản thúc tại Phú Yên. Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11/1961, đồng chí về đến bắc Tây Ninh. Tháng 2/1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức, đồng chí được bầu làm Chủ tịch.

Tháng 3/1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Đến tháng 6/1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7/1981). Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận (họp từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977), đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11/1988, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã suy tôn đồng chí làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ một trí thức yêu nước trở thành nhà cách mạng kiên cường, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ gắn bó trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Noi gương những tấm gương kiên trung, sáng ngời của các sĩ phu yêu nước chống Pháp từ nửa sau thế kỷ XIX ở Nam Bộ, như: Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân... đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã tự nguyện đi theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trở thành một trong những trí thức lớn của thời đại.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực. Trong những năm tháng bị địch bắt, bị tra tấn, đày ải trong các nhà tù, trại giam của kẻ địch, đồng chí đã thể hiện tinh thần trung kiên, bất khuất, một lòng một dạ trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng, giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Trên các cương vị lãnh đạo, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn nêu cao tinh thần làm việc dân chủ, tận tụy, trách nhiệm, sâu sát, hiệu quả. Đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng; là người có công lao to lớn trong chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992; nhiều đề xuất và ý kiến của đồng chí được ghi nhận, vận dụng hiệu quả trong thực tiễn, nhất là trong việc đổi mới hoạt động của bộ máy Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.

Phẩm chất, đạo đức, tài năng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã tạo nên một nhân cách cao đẹp, đáng kính. Tuy xuất thân trong gia đình trung lưu, được đào tạo nhiều năm ở Pháp, sống xa Tổ quốc trong thời gian dài, có chức cao, bổng hậu nhưng ông không quên Tổ quốc, nhân dân, đấu tranh đến cùng vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc.

Là con người của tình đoàn kết dân tộc, tiếp thu truyền thống đoàn kết của dân tộc, được Đảng giáo dục và được tôi luyện trong phong trào đấu tranh của nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã phấn đấu hết mình để xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về đại đoàn kết dân tộc, là người đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đoàn kết, góp phần to lớn vào thắng lợi của đất nước, không chỉ góp phần xây dựng đường lối đại đoàn kết dân tộc mà còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện chiến lược đoàn kết, dân tộc và quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khẳng định công lao, cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IV) đã nhấn mạnh: “Phải thừa nhận rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau Đại hội lần thứ III có bước tiến mới, đã xác lập được rõ hơn vị thế của mình trong hệ thống chính trị và đã đem lại nhiều kinh nghiệm mới cho công tác Mặt trận”. “Luật sư đã nêu một tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc”.

Ghi nhận công lao cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (ngày 17/11/1995), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ... nhà trí thức tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, người chiến sĩ từng trải thử thách trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đã có những đóng góp quý báu vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong mấy thập kỷ qua”.

P.V

  • Từ khóa