Thứ 6, 08/11/2024, 01:39[GMT+7]

Chăm sóc, bảo vệ lúa mùa

Thứ 2, 20/07/2020 | 09:22:42
4,476 lượt xem
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa mùa. Sau gieo cấy, nông dân các địa phương đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa.

Nông dân huyện Đông Hưng bón thúc lần 1 cho lúa mùa.

Thời kỳ nắng nóng gay gắt nhưng cũng là khoảng thời gian cao điểm của khâu làm đất, gieo cấy lúa mùa. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, nông dân ở các địa phương trong tỉnh vẫn “đội nắng” gieo cấy lúa bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Vụ mùa này, huyện Kiến Xương phấn đấu gieo cấy 11.000ha lúa. Với định hướng tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, tăng diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao; bên cạnh đó, chú trọng các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm. Đây là vụ sản xuất khó khăn do nắng nóng kéo dài; mặt khác, ở Kiến Xương, diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy chưa nhiều và thời vụ cấy thường bắt đầu muộn hơn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, do sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, có sự chỉ đạo tập trung từ huyện đến các HTX nên các công đoạn của sản xuất vụ mùa được triển khai kịp thời. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa.

Diện tích cấy bằng máy vụ mùa năm nay chiếm khoảng 7% so với tổng diện tích lúa mùa.

Là một trong những địa phương hoàn thành gieo cấy sớm nhất tỉnh, hiện nay lúa mùa của huyện Đông Hưng đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Trên đồng ruộng của các xã, thị trấn, nông dân đang tập trung tiến hành tỉa dặm, cấy bổ sung những diện tích lúa bị chết, chuột cắn hại; chủ động lấy nước vào đồng để dưỡng lúa, tập trung chăm bón và triển khai phòng, trừ chuột, ốc bươu vàng, bảo vệ lúa mới cấy. Bà Phạm Thị Nhàn, xã Hà Giang chia sẻ: Do thời tiết nắng nóng, ruộng trũng, chất đất chua nên một số diện tích của gia đình tôi và những hộ xung quanh, sau khi cấy đã xuất hiện rêu bao phủ. Với kinh nghiệm làm ruộng lâu năm và được hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, chúng tôi đã bón thêm vôi bột để khử chua, đồng thời hạn chế bệnh nghẹt rễ sinh lý. Qua kiểm tra đồng ruộng, lúa đã hồi xanh, phát triển tốt.

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Đến ngày 13/7, các địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa, trong đó 2.500ha lúa trà sớm đã kết thúc chăm bón đợt 1 và đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Chăm sóc, bảo vệ lúa sau gieo cấy có ý nghĩa quan trọng đến năng suất, chất lượng thóc khi thu hoạch. Do vậy, Phòng đã tham mưu với huyện chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát và bảo vệ tốt diện tích mạ dư thừa, chuẩn bị đủ lượng giống ngắn ngày dự phòng kịp thời ứng phó với điều kiện bất thuận của thời tiết. Sau cấy từ 5 - 7 ngày cần hướng dẫn nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bón thúc cho lúa với quan điểm “nặng đầu nhẹ cuối”, bón lót sâu, thúc sớm; duy trì mực nước nông trên ruộng tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh nhanh gọn, rút nước và phơi ruộng khi lúa kết thúc đẻ nhánh để bộ rễ phát triển và ăn sâu, chống đổ cuối vụ. Phòng, trừ ốc bươu vàng, diệt chuột thường xuyên trên đồng ruộng.

Nông dân huyện Quỳnh Phụ bảo vệ lúa mùa.

Để bảo đảm cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ngay từ đầu tháng 7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các huyện, thành phố chỉ đạo nông dân phun thuốc phòng, trừ rầy trên mạ, lúa mới cấy và diện tích lúa gieo thẳng tự phát; chuẩn bị đủ lượng giống lúa ngắn ngày dự phòng. Đối với diện tích lúa đã gieo cấy, thực hiện chăm sóc, bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, bón “nặng đầu, nhẹ cuối”, tập trung bón thúc xong trước ngày 31/7, ngừng bón phân vào những ngày nắng nóng và luôn giữ nước trong ruộng. Những ruộng bị nghẹt rễ sinh lý phải làm cỏ sục bùn kết hợp với sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh để cây lúa nhanh hồi phục. Tăng cường kiểm tra, theo dõi, phòng, trừ hiệu quả và kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại lúa; áp dụng quy trình IPM, sử dụng thuốc bảo vệ  thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái. Tích cực tuyên truyền cho nông dân các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Ngân Huyền