Thứ 7, 23/11/2024, 18:42[GMT+7]

Cân nhắc quy định rõ khung giá nước sạch

Thứ 3, 21/07/2020 | 12:11:03
1,451 lượt xem
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về giá nước sạch nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng nước sạch.

Sản lượng cung ứng nước sạch tăng hàng năm trung bình các đơn vị cả đô thị và nông thôn giai đoạn năm 2016 - 2018 ở mức 3,93%- 7,46%. Ảnh: internet.

Giá nước sạch hiện đang được quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của liên Bộ Tài chính- Xây dựng- Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau 8 năm thực hiện, Thông tư liên tịch số 75 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó đã khẳng định và hướng dẫn rõ các nguyên tắc tính giá nước, khung giá tiêu thụ nước sạch để các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch thực hiện được nguyên tắc xây dựng mức giá bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất. Giá nước đã bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận hợp lý, xoá dần bao cấp về giá nước.

Khi bù đắp được chi phí sản xuất, các đơn vị cấp nước mở rộng sản xuất kinh doanh. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, sản lượng cung ứng nước sạch trung bình của các đơn vị cả đô thị và nông thôn giai đoạn năm 2016 - 2018 tăng ở mức 3,93% - 7,46%, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hàng năm tăng khoảng 3,6% - 7,8% giai đoạn năm 2016 - 2018.

Việc quy định tỷ lệ hao hụt nước sạch tối đa, cơ chế thưởng từ việc giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất, cung ứng nước để tính trong giá tiêu thụ nước sạch đã tạo ra tác động tích cực giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thông tư liên tịch số 75 cũng đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác xây dựng giá nước sạch, thẩm định và ban hành giá nước sạch sinh hoạt; hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá thành toàn bộ đối với nước sạch. Đặc biệt, nước sạch khu vực nông thôn đã được quy định phương pháp xác định riêng.

Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình thực hiện của các địa phương và quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng nước sạch cho thấy còn nhiều khái niệm chưa được đồng bộ với Luật Tài nguyên nước mới và các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy chuẩn chất lượng nước sạch cho mục đích sinh hoạt.

Hơn nữa, thực tiễn cũng xuất hiện các vướng mắc, tranh chấp liên quan đến việc áp giá nước. Đơn cử, Thông tư liên tịch số 75 quy định riêng giá nước cho đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp bao gồm trường học, bệnh viện. Tuy nhiên, có nhiều bệnh viện, trường học tư kinh doanh dịch vụ công với mô hình doanh nghiệp thì áp giá hành chính, sự nghiệp hay áp giá kinh doanh, dịch vụ? Thực tế cho thấy đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đơn vị là bệnh viện, trường học tư với doanh nghiệp nước sạch và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định giá nước. 

Những tồn tại đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư liên tịch số 75.

Trong dự thảo đang gửi xin ý kiến, Bộ Tài chính dự kiến sẽ bổ sung một số quy định còn thiếu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thực thi pháp luật và đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng nước sạch.

Đặc biệt, bổ sung 5 nội dung quan trọng bao gồm: khung giá nước sạch; giá nước đối với công trình cấp nước phi tập trung, công trình nhỏ lẻ, công trình tự chảy, giá nước sạch làm căn cứ ký thỏa thuận cấp nước và giá nước công trình chưa quyết toán tổng mức đầu tư; quy trình xây dựng, thẩm định và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành giá nước; lập phương án giá; nâng cao chất lượng nước sạch qua giá và lộ trình giá nước sinh hoạt.

Theo haiquanonline.com.vn