Thứ 4, 25/12/2024, 22:58[GMT+7]

Thuốc lá - “liều thuốc độc”

Thứ 2, 27/07/2020 | 08:00:24
1,211 lượt xem
Hiện nay, rất nhiều người chưa hiểu hết tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe. Thực trạng này đang diễn ra không chỉ ở người lớn mà cả trong giới trẻ. Đặc biệt, làn khói thuốc còn len lỏi vào học đường. Mặc dù tác hại về sức khỏe do hút thuốc lá và khói thuốc gây ra đã được cảnh báo liên tục nhưng tình trạng hút thuốc ở thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh vẫn tồn tại.

Chương trình đồng diễn thể thao không khói thuốc tại Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình).

Thuốc lá đang từng bước làm nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cho chính người sử dụng nó và cho cả những người xung quanh hàng ngày phải hít khói thuốc lá. Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự thông minh, tính sáng tạo, chất xám của thế hệ trẻ.

Khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất hóa học, trong đó 70 chất là tác nhân gây ung thư. Tác hại của việc hút thuốc đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80%, chủ yếu là mắc các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh tim mạch... Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút càng lớn thì nguy cơ càng cao và thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn.

Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày là nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, ung thư, hô hấp, bệnh răng lợi và tăng nguy cơ loãng xương, mất ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mạn tính. Đối với nam giới, việc hút thuốc và hút thuốc bị động làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh. Đối với phụ nữ và bào thai, hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Đối với trẻ em, dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Đối với tuổi vị thành niên, thanh niên, thuốc lá trực tiếp làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, làm giảm đáng kể sự hình thành và phát triển toàn diện của các cơ quan, bộ máy trong cơ thể, trong đó đáng chú ý nhất là hệ thần kinh.

Khi bỏ thuốc lá: cơ thể sẽ không còn tích lũy chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ chết trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm.

Nói không với thuốc lá ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một việc làm kịp thời, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài theo hướng tích cực cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Hoàng Thía
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày