Chủ nhật, 24/11/2024, 18:36[GMT+7]

Môi trường đầu tư, kinh doanh - nhìn từ chỉ số PCI

Thứ 6, 31/07/2020 | 08:20:24
2,477 lượt xem
Môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Bình ngày càng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư - đó không chỉ là cảm nhận của nhiều doanh nghiệp mà còn được lượng hóa thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khảo sát, đánh giá hàng năm.

Các dự án của doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Summit Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình).

Ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: PCI năm 2019 của tỉnh xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 65,38 điểm và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh tăng điểm. Điều này chứng minh những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định tại Thái Bình.

Theo phân tích các chỉ số thành phần PCI, chỉ số chi phí gia nhập thị trường của tỉnh tăng 27 bậc so với năm 2018 đồng nghĩa với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập trong hoạt động đăng ký doanh nghiệp, xin cấp đất và nhận được mọi loại giấy phép, hoàn thành thủ tục cần thiết để tiến hành hoạt động kinh doanh. Chỉ số tính minh bạch của tỉnh năm 2019 cũng tăng  21 bậc so với năm 2018 và đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cộng đồng doanh nghiệp được khảo sát đánh giá rất cao tính sẵn có của thông tin, tính công bằng, ổn định, tiên liệu của việc triển khai thực hiện các chính sách quy định và tính cởi mở qua đánh giá mức độ phổ biến trang thông tin điện tử của tỉnh phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đáng chú ý, chỉ số chi phí về thời gian năm 2019 tăng 32 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này thể hiện đo lường thời gian mà các doanh nghiệp phải bỏ ra khi thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như mức độ thường xuyên và thời gian mà doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) cho biết: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng và các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp và người dân. Bản thân tôi thấy các thủ tục được cắt giảm và mức phí, lệ phí được niêm yết công khai, rõ ràng; thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định từ 50 - 70%. Thời gian doanh nghiệp chi phí cho mỗi cuộc làm việc thanh tra, kiểm tra thuế đã giảm từ 24 giờ xuống 22 giờ. Những thay đổi đó đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ngoài nỗ lực nâng cao điểm số chỉ số cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, Thái Bình cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao đối với chỉ số tính năng động. Tính năng động của lãnh đạo tỉnh năm 2019 được 6,88 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Có tới 86% doanh nghiệp đánh giá UBND tỉnh rất linh hoạt trong việc triển khai các quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân; các vấn đề mới phát sinh hoặc vướng mắc trong các quy định của Nhà nước đều được UBND tỉnh chỉ đạo để triển khai thực hiện, trong đó có sự sáng tạo và năng động. 90% doanh nghiệp cho biết nhận được phản hồi của cơ quan nhà nước sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc và 83% doanh nghiệp cảm thấy hài lòng với các phản hồi hoặc giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh.

Trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2019, có 7 chỉ số tăng điểm mạnh, chỉ có 3 chỉ số giảm điểm gồm: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức và đào tạo lao động. Để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu thứ hạng PCI của tỉnh hàng năm tăng từ 2 - 4 bậc trên bảng xếp hạng PCI của cả nước, UBND tỉnh đã triển khai 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế dẫn tới giảm điểm của một số chỉ số thành phần. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư và Khu kinh tế Thái Bình. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường; khuyến khích thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, dịch vụ tài chính... Phối hợp với VCCI và các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động khuyến khích khởi nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành đề án triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) và giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì triển khai thực hiện. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định: DDCI phản ánh sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh nâng cao hiệu quả chất lượng chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố; rút ngắn khoảng cách từ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh đến thực thi ở cấp sở, cấp huyện tạo ra sự thay đổi căn bản trong công tác quản lý nhà nước hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây được coi là chìa khóa mở cánh cửa thu hút đầu tư và kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển khi đầu tư vào Thái Bình.

Khắc Duẩn