Thứ 6, 27/12/2024, 14:13[GMT+7]

Quan tâm hơn nữa công tác chuẩn hóa cán bộ Đoàn

Thứ 2, 03/08/2020 | 09:58:36
1,631 lượt xem
Việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (gọi tắt là Quy chế) có vai trò quan trọng trong chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp, góp phần nâng cao chất lượng công tác thanh, thiếu nhi cả nước. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai Quy chế, đã xuất hiện không ít bất cập.

Cán bộ Đoàn Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ người dân gặt lúa trong mùa thu hoạch.

Ngày 8-2-2010, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Quyết định số 289-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 10 năm qua, công tác triển khai thực hiện Quy chế đã thật sự trở thành căn cứ quan trọng giúp tổ chức Đoàn chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ cấp T.Ư tới cơ sở. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ Đoàn quá tuổi theo quy định đã không còn phổ biến ở các địa phương, đơn vị. Cán bộ Đoàn được trẻ hóa, qua đó nâng cao hàm lượng năng động, sáng tạo, nhiệt huyết trong các hoạt động, phong trào thanh, thiếu niên. Ngoài ra, Quy chế đã đặt ra những quy định cụ thể, về yêu cầu trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của cán bộ Đoàn các cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công tác thanh niên.

Bên cạnh đó, nhờ những điểm mới trong Quy chế, công tác tuyển dụng, quy hoạch và đánh giá cán bộ Đoàn đã được quan tâm hơn, thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Ban Tổ chức T.Ư. Công tác bố trí, sử dụng cán bộ ngày càng phù hợp trình độ, năng lực, sở trường và chiều hướng phát triển của cán bộ Đoàn. Việc điều động, luân chuyển cán bộ đủ trình độ, năng lực, trưởng thành từ cơ sở, có kinh nghiệm thực tiễn được thực hiện kịp thời, bảo đảm tính ổn định trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức hoạt động trong Đoàn thanh niên các cấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cũng được chú trọng hơn về các mặt trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, từng bước chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chuẩn của cán bộ Đoàn theo Quy chế ở một số địa phương, đơn vị còn chưa đồng bộ, nhất là những quy định về độ tuổi, trình độ và độ tuổi giữ chức vụ lần đầu. Tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn được nâng cao đúng với Quy chế, nhưng các cơ chế, chính sách đi kèm lại chưa tương xứng. Không ít địa phương gặp khó trong công tác tuyển dụng: Nơi tổ chức thi tuyển, nhưng nơi lại chỉ xét tuyển; công tác sơ tuyển “chỗ cần, chỗ không”; có địa phương lại lập hội đồng thi tuyển công chức chung, trong khi cán bộ làm công tác thanh niên lại có những đặc thù riêng... Cùng với đó, trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, việc nhiều địa phương đã tám, chín năm liên tiếp chưa tổ chức thi tuyển công chức khối MTTQ và đoàn thể đã gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ trong các cơ quan chuyên trách của Đoàn thanh niên.

Theo đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đoàn trong cả nước, vướng mắc lớn nhất trong công tác thực hiện Quy chế nằm ở việc bố trí, sắp xếp cán bộ Đoàn cơ sở sau khi hết tuổi công tác. Đơn cử như tại các cơ sở Đoàn thanh niên cấp xã, huyện ở tỉnh Tiền Giang, hiện có tới 19 cán bộ đã ngoài 35 tuổi nhưng chưa được bố trí nhiệm vụ theo quy định. Ngay cả Tỉnh đoàn Tiền Giang cũng có ba cán bộ đã “quá tuổi” thanh niên nhưng chưa được luân chuyển công tác. Nhiều trường hợp, phó bí thư đoàn cơ sở đã “chín” nhưng bí thư lại chưa thể luân chuyển, cho nên đến khi có cơ hội trưởng thành thì lại vượt quá quy định về độ tuổi đối với bí thư đoàn cơ sở. Tại tỉnh Lào Cai, có nơi bí thư huyện đoàn đã vượt “ngưỡng” 35 tuổi nhưng chưa được quan tâm, tạo điều kiện luân chuyển, khiến cấp phó dù có sức trẻ, nhiệt huyết, năng lực tốt nhưng sau nhiều năm cống hiến vẫn “giẫm chân tại chỗ” và đang có nhiều nguy cơ vượt độ tuổi quy định.

Từ những thực trạng nêu trên, các cấp bộ Đoàn cần nghiên cứu, xem xét một số cơ chế đặc thù, như: Cho phép tuyển dụng cán bộ tại cơ quan chuyên trách của Đoàn thanh niên cấp quận, huyện như tiếp nhận theo phương thức hợp đồng tạm tuyển; bình xét quá trình công tác của cán bộ Đoàn theo hướng cộng dồn toàn bộ quá trình làm việc và hưởng lương tại cơ quan, đơn vị để làm cơ sở xét tuyển công chức; nghiên cứu cơ chế đặc thù trong đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội cho các đối tượng chưa được hỗ trợ do vướng những quy định về sử dụng, quyết toán kinh phí đào tạo, như cán bộ Đoàn là học sinh, sinh viên, công nhân hoặc cán bộ Đoàn chuyên trách nhưng chưa là công chức... Đây là những hướng đi góp phần cụ thể hóa Quy chế cán bộ Đoàn nói chung, công tác nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nói riêng.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày