Chủ nhật, 19/01/2025, 10:54[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 03/08/2020 | 10:56:05
6,613 lượt xem

Ảnh minh họa

Ô hay!... Thầy còn ngồi hút thuốc à?... Con tưởng đã đào xong? - Quất cau có nhìn bố, giọng găn gắt.
Hội Tùy cầm xe gõ cạch cạch vào miệng bát điếu, châm lửa... “Khổ, nó lại đốc thúc. Nó có biết kiêng kị gì đâu. Có bảo thì nó chê lạc hậu, mê tín dị đoan, nó đả đảo, bài trừ”...
- Tao đợi mày!... Việc thổ mộc, mình tao làm được à?
Quất chẳng nghe bố nói hết, xăm xăm đưa mai vào nhà, bẩy tung gạch nền, rồi đào huỳnh huỵch.
Hội Tùy đưa rổ vào, uể oải hót đất, ì ạch bưng ra vườn. Bà vợ kế ở đâu về, thấy đào đóng be bét thì khóc xụt xịt:
- Khốn khổ, yên ổn được mấy tháng. Thì cứ để tề nó đã làm sao. Đương yên đương lành, chọc tổ ong cho nó đốt.
- Cơ sự này rồi lại lôi thôi! - Hội Tùy lẩm bẩm.
- Còn lôi thôi... lôi thôi to ấy chứ... Nó chí bụng cướp nước mình... Mình chí bụng giữ nước... Đánh nhau chí chết... Thế là lôi thôi...
Quất nói đứt từng khúc theo nhịp phóng mai thịch thịch...
- Ông hôm nay mới đào hầm ạ? - Tiếng Dâu lanh lảnh hỏi ngoài sân.
Quất chống mai ngó ra cửa:
- Chị Dâu à... May quá!... Có việc gì đấy chị? Tối họp à? Vậy chị giúp em một tay. Tối em mới đi họp được chứ!
Dâu cởi chiếc áo bông chần hạt lựu, vắt lên dây phơi, rồi xúm vào bưng đất với vợ hội Tùy.
Có người giúp, hội Tùy vui tay làm nhanh hơn. Vợ lão cũng bị cuốn vào công việc.
Một cái hầm sâu ngang lưng, rộng bằng cái giường đã đào xong. Quất cầm vồ nện rê một lượt, nhẵn nền và thành hầm. Cô giát nứa, lót vải che mưa, rồi đổ thóc... Một lớp đất mỏng phủ lên. Giặc đốt nhà cũng không cháy được.
Mụ hội Tùy xuống bếp bưng lên ấm nước nóng. Bốn người ngồi trên cái giường đặt đúng trốc hầm thóc. Quất xụp xụp từng ngụm nước nhỏ, nhìn chòm râu hội Tùy:
- Mai thầy xén bộ râu đi. Hí... hí...
Hội Tùy vuốt chòm râu:
- Cứ để đây! Tao già phải chống chọi với giặc bằng bộ râu! Hà... hà...
Pịch... pịch... pịch... Có tiếng đạn phụt khỏi đầu nòng súng.
- Đại bác! - Dâu thét lên.
Bốn người lao vào chiếc hầm nửa chìm nửa nổi ngay bên cạnh.
Đạn bay rú rít, nổ oàng oàng... Có phát nổ quanh đâu đây, rung nóc hầm... Giặc trả đũa việc ta phá tề,... Ba trận liền nó đến cổng Đông đều bị du kích đánh bật ra... Đoạn đường 39 đắp sửa lây nhây mãi, cuối cùng ô tô vẫn không chạy được...
Có tiếng ồn ào trong xóm. Dâu và Quất chạy vào. Ông Nam bị một đầu viên đạn đại bác không nổ đâm trúng ngực. Vợ ông lăn sả vào kéo đầu đạn. Mấy bà hàng xóm túm áo lôi lại. Mấy ông đứng ngoài bàn cách ngồi xuống hố dùng sào đẩy đầu đạn ra, nhưng vẫn đắn đo sợ nổ đổ nhà.
Bà Nam gỡ khỏi tay mấy bà hàng xóm, đầu tóc rũ rượi, mắt căng ra dưới lớp mi đầy nước, nhìn chằm chằm ngực ông, miệng gào lên:
- Giời đất ơi, cắm mãi vào ngực thế kia thì chịu làm sao được... hờ... hờ... - Rồi bà lăn xả vào.
Quất ôm lấy bà Nam:
- Bà... bà để yên... Chúng cháu biết cách, chúng cháu lấy...
Dâu khom lưng nhìn đầu viên đạn xám ngoét, rúc sâu cái mũi nhọn vào ngực ông già, trúng vùng tim. Chiếc áo nâu dúm dó đẫm máu. Mảng vách đất đè lên hai chân ông...
Viên đạn có thể nổ. Để bà con tự gỡ, không khéo chết người thêm... Dâu quay ra nói to:
- Xê hết ra!... Xa ra!
Mọi người vội vã tránh. Dâu se sẽ nhặt mảng vách trên chân ông Nam, bỏ sang bên, dọn một lối vào... Bước gần lại, Dâu nhìn viên đạn kỹ hơn. Đầu nghiêng về một bên, hai tay Dâu nắm chắc viên đạn, nhè nhẹ... nhè nhẹ rút... Một dòng máu ứa theo.
Dâu ngần ngừ vài giây... Viên đạn nổ?... Viên đạn bê bết máu me!... Dâu nghiến răng nín thở, bê viên đạn lên vai, nhón chân chạy băng ra mảnh ruộng rìa làng... Mấy người đi qua gặp Dâu, vội tót xuống hào giao thông, trố mắt nhìn theo.

*
*     *

Bộ đội 88 lại về Nguyễn một tiểu đội. Anh Đức đã là trung đội phó. Anh quê ở Hải Dương, chả biết duyên nợ thế nào vào bộ đội rồi đánh giặc miết ở Thái Bình. Mỗi khi được phân tán về hỗ trợ du kích, đại đội lại cử anh về Nguyễn. Lần đầu, cuối hè 1950, anh về đây còn là tiểu đội phó.
- Anh Đức tiến bộ thế. Đã có “đùi chó” đeo hông! Hi... hí... - Quất vỗ tay vào bao súng ngắn của Đức đánh “bộp”.
Đức cười. Hàm răng vổ của anh chỉ hơi cười đã khoe ra gần hết, rất cởi mở...
- Làng em có ai ở 88 không? - Quất hỏi.
- Có chứ! Nhưng ở các Bê khác. Bê tôi không có!
- Chúng em lại vừa tiễn đi đợt nữa. Cả thảy hai đại đội rồi... Vậy mà anh không thông cảm. Còn kêu du kích hồi này toàn nữ!
- “Kêu” thế tức là hoan nghênh đấy, bà ạ! - Đức giải thích cho Quất rồi lại khoe răng... khờ... khờ...
Vừa nói chuyện, Đức vừa đóng bè. Sáu cây chuối hột dài đuột, kết lại với nhau bằng ba cái suốt tre, thành chiếc bè rộng.
Quất cắm vào giữa bè một cái cột buộc cờ đỏ sao vàng. Từ cột tỏa ra bốn góc là bốn dây hoa, xanh đỏ tím vàng rực rỡ. Trước bè cắm cái biển nhỏ đề bốn chữ: “Xuân mới chiêu đãi”. Trên bè đặt mấy chục tấm bánh chưng lẫn với mấy tập truyền đơn in đá từ tỉnh gửi về. Trên mỗi tờ truyền đơn có mấy hàng chữ to, nét đậm:
Năm 1952, quân dân Thái Bình đã tiêu diệt, bức rút, bức hàng 75 đồn giặc, phá hai trận càn lớn Cra-xin(1) và Méc-quya(2) của địch, diệt 3.000 quân cơ động. Giáo dục và phóng thích 2.000 vệ sĩ, mở rộng vùng căn cứ du kích trong toàn tỉnh. Giặc phải co lại cố thủ số vị trí còn lại ven các đường lớn.
Anh em binh sĩ trong hàng ngũ địch hãy quay súng bắn vào đầu giặc, về với nhân dân, về với gia đình chung vui xuân mới.
Quất đứng lùi lại mấy bước ngắm nghía:
- Nổi lắm rồi, anh ạ! Chúng nó trông thấy nhất định phải đón vào... Nhưng mà, cho chúng nó ăn bánh chưng, em tiếc lắm... Chúng nó chỉ cho ăn cám.
Đức sửa lại dây hoa:
- Gọi là chiêu đãi thì phải có tấm bánh... Nhưng chủ yếu là mớ giấy này. Cho chúng nó biết tình hình để liệu thân... Chúng nó bị bọn chỉ huy bưng bít, chả biết ta đánh đấm thế nào đâu. Điếc không sợ súng, dễ làm liều... Với lại, tết tư thế này, được tấm bánh chưng, chúng nó nhớ gia đình, tìm cách trốn về...
Quất cầm chổi quét mớ giấy vụn, kể lể:
- Bó truyền đơn to bằng đầu gối, dễ hơn ấy, bằng cái gốc cau kia kìa. Dở ra, đến mấy trăm tờ. Em bỏ vào bè này một ít. Còn tán phát đi mấy ngả. Đưa vào chỗ bà Bát một ít, xem có thằng nào trao được tận tay thì trao. Chú Đa thủ một ít, ném thẳng vào bốt. Bà cụ Nếp đội gạo thuê vào bốt Gòi, tuồn hàng tệp xuống thùng phi chứa gạo... Đúng sáng mồng một tết, các anh khiêng cái bè này ra bờ sông giúp em nhá!

(Còn nữa)

BÚT NGỮ

Thành phố Thái Bình

(1): Chiến dịch Mưa phùn, giặc mở từ 14/2 đến 8/3/1952 ở các huyện Thụy Anh, Thái Ninh, chuyển sang Bắc Kiến Xương rồi lên Bắc Tiên Hưng.
(2): Chiến dịch Thủy ngân, giặc mở từ 23/3 đến 14/4/1952, với năm binh đoàn, do tướng Salăng chỉ huy, càn quét các huyện Thái Ninh, Tiền Hải, Kiến Xương.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày