Thứ 6, 08/11/2024, 03:35[GMT+7]

Hiệu quả bước đầu trồng đay trên đất hoang hóa

Thứ 3, 04/08/2020 | 09:03:56
8,064 lượt xem
Thời gian qua, xã Đông Á (Đông Hưng) đã phối hợp với Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc đưa cây đay công nghiệp vào gieo trồng trên đất hoang hóa. Hiệu quả bước đầu cây đay mang lại không chỉ mở ra triển vọng phát triển kinh tế mà còn góp phần giảm ruộng bỏ hoang cho địa phương.

Đay sau thu hoạch được thái, phơi khô rồi bán cho Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc.

Trên 2ha đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm suốt 7 năm qua của xã Đông Á giờ đã được phủ kín màu xanh của cây đay. Vì tiếc “bờ xôi ruộng mật”, lãnh đạo xã Đông Á đã nỗ lực tìm kiếm và mời được Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc đưa giống cây đay công nghiệp vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của Tập đoàn triển khai tại Thái Bình song đã mở ra triển vọng phát triển kinh tế từ loại cây này cho bà con nông dân. Ông Kim Si Han, Giám đốc thị trường Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc cho biết: Cây đay là loại thực vật ngắn ngày phát triển nhanh, là nguyên liệu rất có giá trị cho ngành giấy, chế biến thức ăn chăn nuôi... Chúng tôi chỉ mới đưa giống đay công nghiệp này về trồng thí điểm tại xã Đông Á nhưng vụ đầu đã cho kết quả cao. Khi đưa dự án về đây, chúng tôi được xã Đông Á ủng hộ, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện. Điều này sẽ giúp chúng tôi phối hợp chặt chẽ trong thời gian dài.    
Trước đây, bà con nông dân trồng cây đay truyền thống tự phát chỉ có thể lấy sợi làm nguyên liệu bện dây thừng hoặc dệt vải nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng nay cây đay công nghiệp được trồng ở Đông Á tất cả thân, lá, gốc đều tận thu bán cho Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc với giá 800 đồng/kg. Sau thu hoạch, nông dân tiến hành thái cây bằng máy, phơi khô rồi cân bán cho Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc chuyển sang Singapore để chế biến thành thức ăn chăn nuôi, làm giấy, làm nội thất ô tô... Ông Nguyễn Văn Bạn, đại diện Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Chúng tôi cung ứng hạt giống đay, phân bón, trả tiền thuê máy làm đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho những hộ gia đình tham gia mô hình. Sau thu hoạch, phơi khô, chúng tôi về thu mua tất cả đay thành phẩm của bà con.

Mô hình trồng đay công nghiệp của nông dân xã Đông Á đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Theo tính toán, mỗi héc-ta thu được 50 - 60 tấn đay thành phẩm, bán được 40 - 48 triệu đồng. Cây đay công nghiệp một năm có thể gieo trồng từ 3 - 4 vụ. Như vậy, một năm người trồng đay công nghiệp có thể thu được 150 - 200 triệu đồng/ha. Thành quả đó bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan về sự thích nghi của cây đay với thổ nhưỡng và điều kiện sinh thái của xã Đông Á. Ông Đoàn Sỹ Vân, xã Đông Á - người trực tiếp tham gia mô hình trồng đay công nghiệp cho biết: Ban đầu nhận dự án trồng đay công nghiệp chúng tôi còn băn khoăn vì ruộng để hoang đã nhiều năm, muốn trồng được phải thuê máy múc đất lên, cải tạo mặt bằng rất tốn kém mà không biết cây đay có phát triển được không. Song được sự hỗ trợ của Tập đoàn về cả kinh phí và kỹ thuật, sự động viên, khích lệ của lãnh đạo địa phương, chúng tôi yên tâm sản xuất. Trồng đay trên đất hoang hóa, tôi thấy hợp lý, cây đay sau một thời gian trồng phát triển, sinh trưởng tốt, cho hiệu quả cao. Ông Phí Đức Vui, Chủ tịch UBND xã Đông Á khẳng định: Đây là mô hình mới ở địa phương nên lúc đầu đưa vào trồng thí điểm bà con cũng e dè. Chúng tôi đã giao cho các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia. Mô hình này bước đầu đã khẳng định tính ưu việt, vụ tới xã sẽ phối hợp với Tập đoàn Rich Group Hàn Quốc triển khai ra các diện tích cấy lúa kém hiệu quả, đặc biệt là diện tích đất bỏ hoang đồng thời ứng dụng máy móc vào khâu trồng, thu hoạch nhằm giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất để tăng năng suất, giá trị trên cùng đơn vị canh tác.

Thu Hiền