Pháo đài Đồng Bằng
Kệ cô! Du kích cứ lợi dụng bộ đội! - Đức nói.
- Lợi dụng! - Quất lườm Đức - Bộ đội dìu dắt du kích thế đấy!... Muốn làm rể làng này nữa hay thôi?
- Khờ... khờ... Thôi! - Đức ngồi xếp bằng xuống đất, tựa lưng vào tường, mở gói kẹo một ít thuốc lá, xé mẩu pơ-luya cuộn lại. Thè lưỡi lia vào mép giấy, Đức vuốt thành điếu thuốc, đưa lên môi. Một sợi khói xanh lảng vảng trước mặt anh:
- Cô Quất ơi!... Nghe nói, anh Tuyền định xây dựng với Dâu phải không?
- Sao anh biết? - Quất hỏi, tay vẫn nắn nót viết khẩu hiệu. Chiếc bút tre đưa những nét vôi trắng lên tấm cánh cửa gỗ lim: Năm mới kháng chiến...
- Thấy nhiều người nói... Được thôi! Vợ bỏ vào vùng địch. Chồng có quyền...
Quất mải làm, chẳng nghe nốt câu nói của Đức... Việc ấy, hình như chả phải bàn bạc gì nhiều. Bà con cho là được cả... Đức cũng thấy vậy... Muốn hỏi một chút là vì cái dạo 1950, Đức ở đây mấy tháng, đã toan ngỏ ý với Dâu. Cô trung đội phó du kích có khuôn mặt thon dài, lấm tấm rỗ huê. Đôi mắt lúc nào cũng lặng lẽ buồn buồn, nhưng công việc thì giao đâu làm đấy... Hỏi ra mới biết góa chồng. Xem ra cô ấy quý mến anh em, nhưng với Đức cô còn tỏ ra kính trọng... Người ấy, nết ấy, ai lấy được làm vợ là may... Mấy lần đi họp Đức giả vờ nán lại giúp Dâu thu dọn tích chén ở hội trường (Dâu thường tự nguyện nhận việc bưng mâm cuốn chiếu ở bất cứ cuộc họp nào) để gợi ý xem sao. Nhưng Dâu hối hả làm nhanh cho xong rồi lảng tránh... Cô ta ngại đứng một mình gần đàn ông... Thế rồi, xuỵch một cái, Đức được lệnh đưa bộ đội đi... Lần thứ hai trở lại, gặp lúc có điều dị nghị về Dâu và Tuyền ngồi hầm bí mật... Mấy bận Đức gặp, thấy Dâu buồn như nhà có đại tang. Muốn nói điều gì cũng ngại. Lần này cô ta càng không muốn nhìn mặt đàn ông, đôi mắt luôn luôn sụp xuống... Kể ra nhờ bà Sen, bà Nếp làm dây tơ hồng cũng được, nhưng Đức cũng còn đôi chút phân vân. Kháng chiến còn trường kỳ. Đời bộ đội nay đây mai đó. Nếu có thương nhau cũng hẹn hò để đấy. Đa mang ngay vào có thể sinh phiền... Rời làng Nguyễn ra đi, xông vào một trận chống càn ác liệt, một chuyến vượt sông đầy sóng gió, quên đi thì thôi. Những buổi trưa rỗi rãi ở vùng căn cứ, nghe con chim cu gáy ở ngọn tre cao, Đức lại thoáng nhớ lũy tre làng Nguyễn và dáng một người con gái có đôi mắt lặng lẽ buồn buồn... Chỉ nên để một mình nhớ nhung thoang thoáng vậy thôi. Những năm tháng gian nan chiến đấu này không nên làm cho ai phải nhớ thương mình... Thế là nỗi lòng một mình mình biết.
Điếu thuốc trên môi Đức tắt lúc nào. Anh cúi xuống bên tường bật lửa...
- Thế... cô Quất định bao giờ tổ chức?
Quất quỳ hẳn hai đầu gối xuống chiếu, nhoai người qua cánh cửa lim, chấm lại mấy cái dấu ở hàng chữ trên. Một vệt vôi dính vào cái cằm thon thon của cô như đốm râu bạc. Đức tủm tỉm cười cái vẻ hồn nhiên vô tư ấy.
- Anh bảo gì cưa?
- Bao giờ tổ chức? Điếc à?
- Hà... hà... - Quất ngẩng lên - Tổ chức ấy à?... Anh Chuyển anh ấy còn chê... ê... ê...
- Chê!... Lại không mê tít đi rồi!
- Các anh mừng gì cho em nào?
- Cái xoong nấu bột nhá!
- Ối giời ôi! Em chịu thôi. Cái ấy...
Quất đứng dậy nghiêng đầu, ghé mắt nhìn hàng chữ mình vừa kẻ, nét thẳng, khuôn đều... Cô bằng lòng, hai chân nhún nhún, rồi chúm môi thổi sáo như con giai.
10
Ba Đỗng đứng trên cầu Nguyễn nhìn bao quát khu đồn. Cái đồn Liên hiệp Pháp vào loại lớn nhất vùng này, chỉ đứng sau các-chê Đông Các, nhưng không xin thêm được quân, vẫn loanh quanh một đại đội... Lão đại tá Pa-tông ngồi lỳ ở séc-tơ Thái Bình có thấy tình hình vùng này chuyển động đâu... Mớ râu trên cằm lão ta, chỉ ba ngày không dùng đến lưỡi gi-lét thì sẽ rặm ruội thế nào. Thế mà lão ta cứ tỉnh bơ trước yêu cầu tăng súng, tăng quân cho đồn Nguyễn.
Dưới đôi kính trắng của Đỗng, đồn Nguyễn dạo này củ rà củ rủ như con nhím ốm, lông cứng chả có mấy chiếc. Năm sáu hàng rào dây thép gai cọc sắt, thoạt nhìn tưởng dày, nhìn lâu càng thấy mỏng. Dưới chân đặt mấy lớp mìn phi-dăng, nhưng chả biết còn được bao nhiêu quả. Bọn du kích thậm thụt ra vào lấy trộm. Có thằng phơi xác trên dây thép gai mà không sợ. Táo gan hơn, còn đưa hẳn mìn, chông vào khu lính ở...
Quynh từ bên kia cầu về, hai tay thọc sâu vào túi quần, hai chân lười nhác đạp từng bước. Mắt nhìn đăm đăm những tấm sắt giát cầu, điếu thuốc trễ trên môi. Má chảy xuống, mỗi bên như khắc hai vết nhăn sâu. Quynh buồn bã không cần giấu giếm. Cái việc mìn nổ chết lính trong đồn xảy ra đúng hôm ba Đỗng lên Đông Các. Quynh ở nhà bị khiển trách nặng. Hôm nay, Quynh cùng Đỗng rà xét lại tình hình đồn bốt, tìm ra những chỗ yếu, báo cáo lên các-chê, xin thêm quân, thêm vũ khí.
Quynh bước lại bên Đỗng, đứng lặng như phỗng đá, tay tì vào thành cầu. Hồi lâu Quynh nói, giọng kích động:
- Ông không tranh đấu hắc vào, lấy ít nhất bốn khẩu đại liên yểm ở hai đầu cầu này thì có ngày... - Ngừng một lúc, Quynh lẩm bẩm - Tiên sư các cha ấy, đem đi nướng ở Hòa Bình hàng mấy nghìn lính, bao nhiêu xe tăng đại bác thì được, mà ở đây xin thêm mấy khẩu súng thì ngắc ngứ.
- Người ta tưởng tình hình vẫn chưa đến nỗi nào.
- Không phải là không hiểu tình hình đâu. Các cha ấy hiểu, nhưng há miệng mắc quai. Tình hình rắc rối quá không dám báo cáo thực, để tự gỡ. Sợ quan trên khiển trách... Quan trên thì quýnh lên ở Hòa Bình, bây giờ lại quýnh lên ở Ninh Bình. Tưởng đây ổn, cứ rút quân, rút súng đi, nên mình xin cóc được. Sự đời là thế!
Nghe Quynh bô bô nói, chẳng cần dè giữ, Đỗng liếc nhìn hai bên. Mấy tên lính chống súng gần đấy nghiêng nghiêng, nghé nghé, có vẻ lắng nghe các vị chỉ huy nói gì. Đỗng vẫy tên trung sĩ lại:
- Anh đưa lính xuống bãi, xem đám cỏ ở hàng rào sao rối thế kia? Đi ngay!
Rồi Đỗng nhắc Quynh:
- Nói đủ nghe thôi!
- Tiên sư các cha, dưới giấu trên, trên giấu dưới, chẳng đứa nào dám nói thật. Đến khi tình hình xấu toét tòa loe mới bổ nháo bổ nhào ứng cứu... - Quynh lừ lừ nhìn Đỗng - Thật đấy. Tôi ít làm việc với séc-tơ, tôi vẫn biết. Tôi có nguồn tin chính xác. Anh cần biết, tôi nói... Việc các cha đem quân nhảy bổ lên Hòa Bình là thất cách nhất. Hai mươi tiểu đoàn cơ động, bòn vét cả quân ở Thái Bình, cả bọn ở Tăng kia kìa, kéo lên đấy bị đánh liểng xiểng. Đèo mẹ, nhảy ra khu tự do toàn rừng núi, công sự không làm kịp, bị đánh tới tấp từ đầu, sống làm sao nổi... Việt Minh nó thừa cơ, luồn ngay chủ lực vào Thái Bình. Lúc đầu tưởng lính liên khu, địa phương vớ vẩn. Sau trật thó là chủ lực “A A Tháng Tám”, tức là đại đoàn 320. Thế mới có chuyện khu Nam Trà Lý bị phá ruỗng ra, rồi khu Bắc đường 10 này bị thít lại... Nghĩa là, đúng như truyền đơn ở cái bè chuối trôi dưới sông kia hôm tết, các đồn bốt chỉ còn loen khoen dọc mấy con đường quốc lộ, tỉnh lộ...
Bút Ngữ
(Thành phố Thái Bình)
(còn nữa)
Tin cùng chuyên mục
- Tuyển Việt Nam đá tập với đội 9 lần vô địch K.League 21.11.2024 | 19:28 PM
- Thông cáo báo chí số 22 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV 21.11.2024 | 19:02 PM
- Thăm các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp 21.11.2024 | 19:03 PM
- Thường trực HĐND tỉnh: Giám sát chuyên đề việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước của huyện Tiền Hải 21.11.2024 | 19:03 PM
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh 21.11.2024 | 19:07 PM
- Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên 21.11.2024 | 19:08 PM
- Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia 21.11.2024 | 19:08 PM
- Xử lý 4 điểm vi phạm hành lang lưới điện cao thế 21.11.2024 | 19:10 PM
- Quỳnh Phụ: Tổng giá trị hoạt động nhân đạo năm 2024 đạt trên 14,6 tỷ đồng 21.11.2024 | 17:38 PM
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết 21.11.2024 | 17:34 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam